Robot kiểm soát chất lượng thay con người

Nhật BảnTrong nhà máy phụ tùng ôtô Musashi Seimitsu, robot mất 2 giây kiểm tra một sản phẩm, tìm lỗi và loại khỏi dây chuyền. Thời gian tương đương một nhân viên chuyên sâu.

Giám đốc công ty, ông Hiroshi Otsuka, cho biết: “Công việc kiểm tra khoảng 1.000 phụ tùng giống hệt nhau ngày này qua ngày khác đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, chuyên môn và sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, công việc lại không mang tính sáng tạo. Với robot, chúng tôi muốn giải phóng công nhân khỏi những công việc tẻ nhạt đó”.

Một thiết bị tự hành có nhiệm vụ vận chuyển phụ tùng tại nhà máy của Ricoh. Ảnh: Reuters.

Một thiết bị tự hành có nhiệm vụ vận chuyển phụ tùng tại nhà máy của Ricoh. Ảnh: Reuters.

Các hãng điện tử Nhật Bản đã sử dụng robot trong sản xuất từ rất lâu. Tuy nhiên, trước đây, hầu hết công việc của robot vẫn tập trung ở khâu chế tạo sản phẩm, còn giai đoạn đánh giá chất lượng cuối cùng, vốn được xem là khó khăn nhất, vẫn được đảm nhiệm bởi con người. Trong bối cảnh giãn cách xa hội do Covid-19, nhiều công ty đang phải nghĩ lại về nhiệm vụ của robot trong nhà máy. Đại dịch đang thúc đẩy xu hướng sử dụng robot và các công nghệ khác để kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Ở Nhật Bản, việc sử dụng robot trong kiểm tra chất lượng được cho là đi ngược lại phương châm sản xuất quốc dân mang tên “Genchi genbutsu” (Nhìn tận mắt, làm tận tay). Hàng chục năm nay, “Genchi genbutsu” vẫn là một phần thương hiệu của Toyota và nhiều hãng nổi tiếng khác của Nhật. Triết lý này đòi hỏi các kỹ sư phải đến tận nơi xảy ra sự việc, quan sát hiện trường một cách khách quan, không phỏng đoán, để hiểu vấn đề thực tế nhằm đưa ra quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, ngay cả Toyota cũng đang tìm cách tự động hóa hơn nữa quy trình “Genchi genbutsu”. Phát ngôn viên của công ty này cho biết: “Chúng tôi luôn tìm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất của mình, bao gồm việc áp dụng tự động hóa vào quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm”.

Những tiến bộ trong lĩnh vực AI cho phép nhiều nhà sản xuất tiếp cận công nghệ mới với giá ngày càng giảm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu chất lượng từ phía khách hàng sẽ ngày càng cao.

Tự động hóa công việc của nhân viên kiểm tra chất lượng không hề dễ dàng, bởi robot phải được học xác định hàng chục nghìn lỗi có thể xảy ra với một sản phẩm và sau đó áp dụng những gì được học vào công việc. Nhiều công ty như Musashi Seimitsu không thể sản xuất ra nhiều sản phẩm lỗi như vậy để dạy AI. Tỷ lệ phát hiện lỗi của công ty này là 1 trên 50.000 đơn vị sản phẩm, khiến AI không có đủ dữ liệu để phát triển một thuật toán hiệu quả.

Giải pháp cho vấn đề này là kết hợp AI với công nghệ quang học sử dụng trong chẩn đoán y tế. Ran Poliakine, người sáng lập startup SixAI, cho biết ý tưởng của ông là dạy AI phát hiện các điểm hoàn thiện tốt thay vì khuyết điểm của sản phẩm.

Nhờ vào thuật toán độc đáo, startup của Poliakine cùng Musashi Seimitsu thành lập liên doanh MusashiAI chuyên phát triển robot kiểm soát chất lượng – giải pháp đầu tiên trên thị trường. Nhu cầu về sản phẩm này của MusashiAI đã tăng gấp bốn lần kể từ tháng 3 khi đại dịch mới xuất hiện trên toàn cầu.

Đầu năm nay, nhà sản xuất phụ tùng ôtô Marelli (Italy), trước đây là Calsonic Kansei, cũng bắt đầu sử dụng robot AI kiểm tra chất lượng tại một nhà máy ở Nhật và cho biết hãng muốn AI đóng vai trò lớn hơn trong những năm tới.

Hãng sản xuất máy in Ricoh có kế hoạch tự động hóa tất cả dây chuyền sản xuất bộ trống mực và hộp mực tại một trong những nhà máy ở Nhật Bản vào tháng 3/2023. Robot đã thực hiện được hầu hết các quy trình, tuy nhiên các kỹ thuật viên vẫn phải giám sát thiết bị tại nhà.

Kazuhiro Kanno, Giám đốc đơn vị sản xuất máy in của Ricoh, cho biết: “Tất nhiên, tôi cần phải có mặt để giám sát và sửa chữa khi có vấn đề, nhưng đó là những công việc mà chúng tôi có thể làm ngay tại nhà”.

Musashi Seimitsu không nói khi nào các nhà máy của hãng sẽ được tự động hóa hoàn toàn, nhưng Otsuka cho biết AI sẽ bổ sung, chứ không đe dọa, hệ thống “Genchi genbutsu”. “AI không hỏi ‘Tại sao lại vậy? Tại sao sai?’, nhưng con người thì có. Chúng tôi hy vọng AI sẽ giải phóng con người để họ có thể trả lời những câu hỏi tại sao đó”, Otsuka nói. “AI cho phép con người liên tục tìm cách cải tiến sản xuất, đó cũng chính là mục đích của ‘Genchi genbutsu”https://vnexpress.net/”.

Đăng Thiên (theo Reuters)

Nguồn bài viết

Bài trướcThông quan 18 container hàng nhập tạm giữ của Asanzo | Tài chính – Kinh doanh
Bài tiếp theoNăm câu đố Toán học