Quy tắc chia sẻ đồ dành cho anh chị em

Mệt mỏi khi thấy các con tranh giành đồ chơi, Nicole Schwarz, sống tại Mỹ, đã xây dựng 8 quy tắc chia sẻ đồ dành cho anh chị em trong gia đình.

Thay vì nghĩ việc mua một món đồ chơi nhiều lần, tôi cho rằng cha mẹ nên thiết lập quy tắc về chia sẻ đồ cho con cái. Những quy tắc này nên được dạy từ sớm để trẻ hình thành thói quen chia sẻ, nhận thức đúng về các món đồ.

1. Chia sẻ là lựa chọn

Bạn nên bắt đầu bằng việc nhắc nhở trẻ chia sẻ không phải là nghĩa vụ mà là lựa chọn. Lấy ví dụ, hai chị em tranh nhau đồ chơi, bạn không nên yêu cầu con gái lớn nhường đồ chơi cho con gái út vì là chị. Điều này khiến con bạn cảm thấy tức giận, ghen tị.

Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích con thể hiện lòng tốt. Chẳng hạn, nếu món đồ không quá quan trọng với trẻ, các em nên nhường cho người yêu thích hơn. Nếu không, bạn hãy tôn trọng quyết định không chia sẻ của con.

2. Học cách đề nghị

Trẻ em cần học cách đưa ra yêu cầu, đề nghị khi muốn sở hữu đồ vật, thay vì tranh giành bằng hành động. Ngôn ngữ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mong muốn vui chơi lịch sự, hòa đồng nên việc mở lời đề nghị hiệu quả hơn tranh giành.

3. Chơi luân phiên

Khi chơi luân phiên, trẻ có cơ hội chơi được nhiều đồ khác nhau, hạn chế việc tranh giành. Ví dụ, nếu các con đều muốn ngồi ở ghế lái phụ ôtô, bạn hãy chỉ định con lớn ngồi trên đường đi và con út ngồi trên đường về. Như vậy, cả hai đều được tận hưởng điều mình mong muốn.

4. Đồ chơi đặc biệt

Mỗi đứa trẻ đều có những món đồ riêng có ý nghĩa mà chúng ít muốn chia sẻ với mọi người. Bạn nên tôn trọng quyết định của con khi chúng không muốn nhường những món đồ này cho người khác.

Bạn hãy nhắc con cất đồ chơi quan trọng vào góc riêng, hạn chế mang ra chơi khi có nhiều anh chị em khác để giảm thiểu tối đa việc tranh giành. Điều này không đồng nghĩa với ích kỷ vì những món đồ đặc biệt mang ý nghĩa quan trọng với trẻ.

5. Di dời chú ý

Khi các con cùng tranh giành một món đồ, bạn có thể di dời sự chú ý của một bé sang món đồ khác, hoạt động khác. Chẳng hạn, khi cả hai đang tranh chơi gấu bông, bạn hãy đưa đồ chơi búp bê cho bé út, hoặc cho phép xem TV.

6. Thời gian chơi

Thay vì để các con chơi ngẫu nhiên, bạn có thể thiết lập thời gian sử dụng đồ. Như vậy, trẻ sẽ có quy tắc tuân theo thay vì tranh giành. Chẳng hạn, khi con bạn đang chơi đồ chơi, anh chị em chúng muốn tranh giành, cháu có thể nói: “Bố/mẹ cho em chơi món đồ này trong 30 phút, hết thời gian, em sẽ nhường cho anh chị”.

7. Đồ chơi mới

Những món đồ mang nghĩa khác biệt như đồ chơi mới, quà sinh nhật, Giáng sinh cần được ưu tiên hơn đồ chơi thông thường. Một số trẻ có thể thoải mái nhường đồ chơi mới cho anh chị em, trong khi số khác giữ như báu vật. Bạn nên hiểu cho tâm trạng của trẻ khi được sở hữu món đồ mới lạ và đừng ép các bé phải chia sẻ. Bạn cũng có thể giải thích cho những đứa trẻ khác hiểu ý nghĩa của đồ chơi mới, khuyến khích các bé tôn trọng quyết định của anh chị em.

8. Giảng hòa

Đôi khi tình hình quá căng thẳng, trẻ không thể tự hòa giải với nhau. Đây là lúc bố mẹ cần xuất hiện, đóng vai trò giảng hòa. Hãy khuyến khích trẻ chia sẻ các mối bất đồng với bố mẹ để tìm ra giải pháp phù hợp.

Đầu tiên, hãy yêu cầu từng đứa trẻ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Sau đó, khuyến khích các bé đề xuất hướng giải quyết. Nếu các bé không thể thống nhất, bạn hãy đưa ra ý kiến nhưng dưới hình thức đề xuất thay vì ép buộc. Điều này hạn chế tình cảm anh chị em bị rạn nứt, kích thích khả năng giải quyết vấn đề.

Tú Anh (Theo Imperfect Families)

Nguồn bài viết

Bài trướcNợ 11.000 tỷ, Tổng công ty Sông Đà xin thi công cao tốc Bắc – Nam
Bài tiếp theoPVTrans (PVT) đặt mục tiêu lợi nhuận ròng 2020 giảm một nửa, muốn bỏ ban kiểm soát