Dự kiến ngày mai (18/6), chuyên gia Nhật sẽ cùng phía Việt Nam giám sát quá trình sơ chế, đóng gói, khử trùng… để xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật Bản.
Chia sẻ với VnExpress, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, sau 14 ngày cách ly, hôm nay (17/6), chuyên gia Nhật Bản đã đi kiểm tra hệ thống xử lý quả vải, để đánh giá chi tiết trước khi xuất khẩu những lô đầu tiên sang Nhật Bản.
“Chuyên gia Nhật đánh giá các thông số kỹ thuật của hệ thống thiết bị xử lý kiểm dịch của Việt Nam đều đáp ứng các yêu cầu phía Nhật đưa ra”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, qua kiểm tra các trang thiết bị, hệ thống dây chuyền đóng gói, bảo quản…, chuyên gia Nhật đánh giá “các bước chuẩn bị của Việt Nam kỹ lưỡng, đúng theo thông số yêu cầu phía Nhật đưa ra, thậm chí đạt tốt hơn sự mong đợi của họ”.
Với kết quả này, chuyên gia Nhật đánh giá quả vải của Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất đi Nhật Bản trong năm nay.
“Ngày mai (18/6), chuyên gia Nhật sẽ giám sát quá trình xử lý như sơ chế, đóng gói, khử trùng, bảo quản… để xuất lô vải đầu tiên sang Nhật. Dự kiến lô đầu tiên, khoảng 2 tấn vải, sẽ xuất sang Nhật bằng đường hàng không”, ông Trung nói thêm.
Hiện có 5-6 doanh nghiệp đã đăng ký xuất vải sang Nhật. Công suất xử lý kiểm dịch quả vải xuất Nhật khoảng 2,8 tấn trong 3 giờ, bình quân mỗi ngày tối đa có thể xử lý 8-10 tấn vải.
Theo quy định của Bộ Nông – lâm – ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu. Chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép nhập khẩu vào nước này.
Nhưng ông Trung cho rằng, việc chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đúng quy định, yêu cầu kiểm dịch của phía Nhật trong năm đầu tiên này sẽ là tiền đề để Cục đàm phán với phía Nhật uỷ quyền việc giám sát kiểm dịch cho chuyên gia Việt Nam trong các vụ mùa tới.
Yêu cầu của MAFF, vải thiều được xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Hiện 19 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật lựa chọn và đã được phía Nhật Bản chấp thuận.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Dự kiến gần 1.000 tấn vải chính vụ đạt chuẩn của Bắc Giang, Hải Dương sẽ xuất đi Nhật trong năm nay.
Nguyễn Hoài