Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá PRO Việt Nam góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn từ hệ sinh thái khép kín.
– Ông đánh giá thế nào về hệ sinh thái tái chế bao bì và đóng góp của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) trong năm qua?
– Một năm qua là quãng thời gian quan trọng đối với PRO Việt Nam trong việc hình thành một liên minh của những doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên thị trường nhưng lại kết nối trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội chung.
Một trong những dấu ấn của PRO Việt Nam trong năm qua đó là sự nghiên cứu và tìm hiểu về hệ sinh thái thu gom và tái chế hiện tại ở Việt Nam song song với kết nối các bên, và tìm hiểu giải pháp để giúp cho hệ thống này trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn.
Hiện nay, PRO Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và lên lộ trình thực hiện sứ mệnh tái chế bao bì của mình, đặc biệt là PRO Việt Nam đã thiết kế một hệ sinh thái từ khâu thiết kế đến sản phẩm tái chế. Tôi kỳ vọng những kế hoạch này sẽ sớm trở thành hiện thực và có những kết quả rõ nét, cụ thể hơn.
– Việc liên kết doanh nghiệp và người dân cũng như mở rộng quy mô tái chế bao bì tại các địa phương sẽ gặp thách thức gì?
– Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có rất nhiều thách thức và khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống quản lý còn phân tán, tái chế còn manh mún, nhận thức và thói quen tiêu dùng, phân loại rác của người dân mới đang hình thành… Do đó, việc hợp tác, chia sẻ và đoàn kết giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ, các tổ chức xã hội là cần thiết để có nguồn lực tổng hợp cùng vượt qua thách thức và khó khăn này.
– Để gia tăng tính bền vững cho chuỗi tái chế, theo ông PRO Việt Nam cần định hướng thế nào trong thời gian tới?
– Trước tiên chúng ta nên hiểu rằng, doanh nghiệp là một phần của vấn đề nên họ phải là một phần quan trọng của giải pháp. Do đó, việc các doanh nghiệp chủ động thực hiện trách nhiệm đối với sản phẩm của mình từ khâu thiết kế cho đến khi chúng trở thành rác thải là yếu tố căn bản để đảm bảo tính bền vững cho chuỗi thu gom và tái chế hiệu quả, bền vững hơn với môi trường. Về mặt chính sách, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang xây dựng cơ chế trách để thể chế hóa trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như tạo môi trường công bằng cho các bên tham gia thực hiện trách nhiệm của mình.
– Cơ quan quản lý sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ hoạt động các doanh nghiệp tham gia hoạt động tái chế bao bì, chống rác thải nhựa tại Việt Nam?
– Hiện nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm đầu mối thống nhất quản lý với các chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa. Luật bảo vệ môi trường cũng đang được sửa đổi một số điều để giúp hoạt động quản lý hiệu quả hơn như: Chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (trách nhiệm tái chế), phân loại rác thải tại nguồn, trả phí rác thải theo khối lượng bên cạnh các khuyến khích qua nhãn sinh thái là những ví dụ cụ thể trong việc giải quyết vấn đề chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa.
Ngoài việc hoàn thiện chính sách và thể chế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đang tích cực hợp tác với các bên để tìm kiến giải pháp và tăng cường hiệu quả quản lý chất thải rắn, bao gồm chất thải nhựa, và bao bì. Chúng tôi sẽ cam kết đồng hành và hỗ trợ cho các đối tác và các tổ chức, cá nhân trong triển khai các sáng kiến, kế hoạch chống rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Gia Chính
Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) ra mắt ngày 21/6/2019. Các thành viên là những doanh nghiệp có mối quan hệ cạnh tranh cùng nhau trên thị trường, nhưng tiên phong tự nguyện hợp tác vì mục tiêu chung là bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Hiện có 13 thành viên gồm Annam Group, Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Pepsico Việt Nam, Saigon Co.op, SIG, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam.