Phương pháp xử lý cấu trúc bài nghị luận văn học

Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, nghị luận văn học là dạng bài quen thuộc, không thể thiếu trong các đề thi. Ở cấu trúc đề những năm gần đây, nghị luận văn học cũng là câu chiếm quỹ điểm cao nhất trong tổng thể đề thi.

Xu hướng thay đổi dạng bài Nghị luận văn học trong đề thi

Năm 2015 đến nay – từ khi có kỳ thi THPT quốc gia, kiểu dạng đề nghị luận văn học có một số thay đổi nhưng vẫn dựa trên những nét thống nhất cơ bản. Quan sát đề thi THPT quốc gia từ các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 cho đến đề tham khảo lần một, lần hai năm 2020, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi và thống nhất trong kiểu dạng, cấu trúc của đề bài.

Trước năm 2017, thời lượng làm bài thi là 180 phút nhưng từ năm 2017, quỹ thời gian còn 120 phút, kéo theo sự thay đổi về cấu trúc và yêu cầu làm bài trong đề thi nói chung và câu nghị luận văn học nói riêng. Câu nghị luận văn học không còn hướng tới phân tích/ cảm nhận một đơn vị kiến thức lớn mà thu hẹp hơn phạm vi vấn đề và giới hạn ngữ liệu nghị luận.

Ví dụ, thay vì yêu cầu phân tích nhân vật như đề thi năm 2015 hay phân tích tình huống như đề thi năm 2016 thì đề thi năm 2017 chỉ yêu cầu cảm nhận về một đoạn thơ ngắn; đề thi 2018 yêu cầu phân tích những chi tiết nhỏ trong một tác phẩm lớp 12, liên hệ với những chi tiết tương ứng trong một tác phẩm lớp 11; đề thi 2019 yêu cầu cảm nhận về một hình tượng trong trích đoạn văn xuôi; đề tham khảo lần một năm 2020 yêu cầu cảm nhận về nhân vật trong một thời điểm cụ thể; đề tham khảo lần hai năm 2020 yêu cầu cảm nhận về một đoạn thơ ngắn.

Đề nghị luận văn học thường có hai phần: Thứ nhất là ngữ liệu văn học (có thể có đoạn trích văn xuôi hoặc thơ (2017, 2019, đề tham khảo lần 2/ 2020); có thể chỉ nêu phạm vi ngữ liệu trong tác phẩm (2018, đề tham khảo lần 1/2020). Phần thứ hai là câu lệnh có thể nêu yêu cầu mang tính khái quát (Cảm nhận về đoạn thơ/ đoạn văn – 2017); có thể yêu cầu mang tính cụ thể (cảm nhận về nhân vật/ khung cảnh thiên nhiên/ hình ảnh người lính… như đề năm 2018, 2019, tham khảo 1&2/2020).

Phần lệnh có thể có hai nội dung: nội dung chính là phân tích/ cảm nhận về một nội dung nào đó trong tác phẩm, nội dung phụ là phần “Từ đó bình luận/ liên hệ/ nhận xét…” về một nét đặc sắc trong giá trị nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm, về quan niệm nghệ thuật/tư tưởng/ cách nhìn hiện thực… của tác giả. (Đề thi Trung học phổ thông Quốc gia các năm: 2015, 2017, 2018, 2019).

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI,

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI,

Phương pháp xử lý cấu trúc bài nghị luận văn học

Đầu tiên là cấu trúc bài, bài nghị luận văn học luôn gồm ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.

Mở bài giới thiệu khái quát về tác giả (vị trí, phong cách nghệ thuật điển hình); tác phẩm (vị trí, giá trị, xuất xứ); vấn đề khái quát nghị luận theo yêu cầu của đề.

Thân bài nên có hai phần. Phần thứ nhất, khái lược những yếu tố chi phối nội dung nghị luận. Ví dụ hoàn cảnh sáng tác với Tây Tiến, Việt Bắc; kết cấu hình tượng với Sóng, Việt Bắc; hệ thống lập luận với Đất Nước; hệ thống ý triển khai theo cấu tứ tác phẩm với Ai đặt tên cho dòng sông; hệ thống ý hướng tới khắc họa nhân vật, ví dụ: nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, các nhân vật trong Vợ nhặt, nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa… đều được nhà văn khắc họa từ những phẩm chất tốt đẹp tới số phận bất hạnh… Phần khái lược này sẽ giúp xác định vị trí của nội dung cần nghị luận trong tổng thể chung của tác phẩm, nhân vật, góp phần khái quát lên giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, tư tưởng, phong cách của nhà văn trong phần kết luận.

Phần thứ hai, cũng là phần chính, phần quan trọng nhất của thân bài là triển khai hệ thống luận điểm thực hiện yêu cầu nghị luận của đề được thể hiện trong câu lệnh. Phần này các em sẽ có cơ hội thể hiện rõ nhất kiến văn sâu rộng, khả năng cảm thụ văn chương tinh tế, năng lực diễn đạt ngôn từ chính xác, biểu cảm.

Các em cần lưu ý sự cân đối và mối quan hệ hữu cơ giữa các luận điểm, chú ý sử dụng các phép liên kết để kết nối chặt chẽ các luận điểm theo quan hệ song hành hoặc nhân quả… Đặc biệt, cần lưu ý nguyên tắc “từ văn ra ý”, không tách rời việc phân tích nội dung và nghệ thuật. Nếu là thơ, phải xuất phát từ việc phân tích các yếu tố hình thức để từ đó phát hiện ra nội dung cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình. Nếu là văn xuôi tự sự, cần xuất phát từ việc phân tích các chi tiết miêu tả nhân vật để từ đó phát hiện những phẩm chất hay thân phận nhân vật.

Kết bài, các em cần tổng hợp lại những giá trị cơ bản của nội dung nghị luận, nâng lên sự thống nhất với các giá trị nội dung, nghệ thuật chính của tác phẩm, như giá trị nhân đạo của ba tác phẩm văn xuôi tự sự, tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, vẻ đẹp người chiến sĩ Tây Tiến, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu, tình nghĩa thủy chung sâu nặng giữa người dân Việt Bắc với bộ đội, cán bộ kháng chiến… Cần phân biệt phần giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận trong mở bài với tổng hợp vấn đề trong phần kết luận.

Với bài nghị luận văn học, yêu cầu hàng đầu vẫn là xác định đúng vấn đề nghị luận, tránh sa đà, lan man, triển khai hệ thống luận điểm mạch lạc, diễn đạt những suy nghĩ, cảm thụ, bình luận sáng rõ và biểu cảm.

Thế Đan

Nguồn bài viết

Bài trướcCăn hộ ba phòng ngủ Charm Plaza giá từ 1,6 tỷ đồng
Bài tiếp theoXu hướng ngh‌ỉ dưỡng mới nở rộ tại Phú Yên