Phát triển vùng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp


Khai thác các lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, giao thông…, những năm qua, huyện Vân Hồ đã quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.

Đến nay, toàn huyện có hơn 3.400 ha cây ăn quả chất lượng tốt, như: Quýt, cam, nhãn, xoài, hồng giòn, đào địa phương, mận hậu…, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuấ‌t khẩu.

                 

Trên cơ sở các chủ trương của tỉnh, huyện Vân Hồ đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích trồng cây lương thực, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; xây dựng dự án, phương án và các mô hình theo chuỗi giá trị gắn với sản xuấ‌t và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các chủ trương của tỉnh, của huyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuấ‌t nông nghiệp và xây dựng vườn ươm lưu cây đến các xã trên địa bàn. Việc phát triển, mở rộng diện tích được huyện quy hoạch thành vùng tập trung, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Với cách làm như vậy, diện tích trồng cây ăn quả của huyện Vân Hồ luôn tăng theo từng năm, năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả của huyện là 792 ha, diện tích trồng mới 146 ha; đến hết năm 2019, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 3.446 ha, trong đó diện tích trồng mới 487 ha.

                 

Ông Mùi Văn Bi, Trưởng bản Hang Trùng 2, xã Vân Hồ cho biết: Bản có 151 hộ, 674 nhân khẩu, thực hiện việc chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bản đã vận động nhân dân trồng 70 ha cam, quýt, nhãn trên diện tích trồng cây lương thực của những năm trước. Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của huyện còn hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng hàng hóa và bảo vệ môi trường, đảm bảo người dân có thu nhập cao hơn sau khi chuyển đổi.

                 



Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện bước đầu cũng đã hình thành được các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ nông sản cho người dân. Nhận thức của người dân cũng được nâng lên rõ rệt khi các hộ dân ở các xã, bản đã có ý thức trồng các vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, dần khẳng định thương hiệu hoa quả từng vùng trong huyện, như: Quýt Chiềng Yên; nhãn, xoài, cam xã Chiềng Xuân, Suối Bàng, Chiềng Khoa, Tô Múa…

Nông dân bản Thín, xã Xuân Nha (Vân Hồ) chăm sóc cây ăn quả.

                 

Hiện, huyện Vân Hồ đang tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trồng cây ăn quả an toàn tập trung tại các xã nằm trong vùng quy hoạch đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, như Chiềng Khoa, Mường me‌n, Quang Minh. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, kế hoạch đến năm 2025, diện tích cây ăn quả của huyện ước đạt 6.400 ha; trong đó, tập trung hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc cây ăn quả an toàn theo hướng VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và tạo thương hiệu cho một số sản phẩm nhãn, xoài, bơ, cam, quýt, mận… Để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; huyện cũng quy hoạch 14/14 xã gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, tạo vùng nguyên liệu tập trung an toàn…



                 

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Huyện đang chủ động tìm kiế‌m, thu hút các nhà đầu tư phát triển cây ăn quả gắn với bao tiêu sản phẩm, nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu của huyện. Tiếp tục rà soát quỹ đất có khả năng phát triển cây ăn quả (sơn tra, nhãn, xoài, bơ, cam) tập trung tại các xã Xuân Nha, Chiềng Xuân, Mường me‌n, Tô Múa, Chiềng Khoa, Chiềng Yên… Triển khai dự án xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm của huyện, như: Nhãn, xoài, cam xã Chiềng Xuân, Suối Bàng, Chiềng Khoa, Tô Múa; quýt Chiềng Yên… Rà soát các diện tích đang trồng cây ăn quả trước đây chủ yếu phát triển bằng điều kiện tự nhiên, có điều kiện sẽ chuyển sang áp dụng công nghệ cao bằng việc ứng dụng tưới nhỏ giọt công nghệ Israel theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, làm cơ sở để nhân rộng mô hình trong thời gian tới trên địa bàn. 

                 

Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, trên địa bàn, sự đồng thuận của người dân, việc phát triển cây ăn quả ở huyện Vân Hồ đang có những chuyển biến tích cực và hiệu quả, tiếp tục được triển khai đồng bộ theo quan điểm quy hoạch thành vùng tập trung, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.



Nguồn bài viết

Bài trướcKỷ luật không gây tổn thương | Chào buổi sáng
Bài tiếp theoNgân hàng giải bài toán nhân lực phục vụ chuyển đổi số