Ngân hàng giải bài toán nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Làn sóng tuyển dụng nhân sự IT đang diễn ra song hành với sự “bùng nổ” của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Đại diện VIB – một trong những đơn vị tiên phong các giải pháp ngân hàng số cho biết, việc đầu tư cho “chất xám” – nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến lược chuyển đổi số.

Nghiên cứu của tổ chức tư vấn quốc tế McKinsey cũng cho thấy, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp mọi lĩnh vực để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện có tới hai phần ba công ty được khảo sát không thành công dù đã nỗ lực số hóa. Một trong những lý do chính là năng lực của đội ngũ nhân sự không theo kịp sự thay đổi.

Thực tế, việc tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ nhân lực bắt kịp yêu cầu của chuyển đổi số đã được các ngân hàng chú trọng từ lâu, bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống máy móc, công nghệ mới. Điển hình tại VIB, ngoài các chương trình đào tạo chuyên môn và kỹ năng do chuyên gia nội bộ đảm trách, ngân hàng còn liên kết với các đối tác công nghệ hàng đầu trên thế giới để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nghệ.

VIB đang là một trong những ngân hàng dẫn đầu chuyển đổi số với chất lượng phát triển đồng bộ từ công nghệ đến nguồn nhân lực. Ảnh: VIB.

VIB đang là một trong những ngân hàng dẫn đầu chuyển đổi số với chất lượng phát triển đồng bộ từ công nghệ đến nguồn nhân lực. Ảnh: VIB.

Gần đây nhất, nhà băng này đã hợp tác với Amazon Web Services (AWS) – nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp điện toán đám mây để triển khai các chương trình chia sẻ thông tin, đào tạo tăng cường kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây cũng như các giải pháp quản lý và khai thác dữ liệu . Đây là một sáng kiến trong hệ thống chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ công nghệ số của ngân hàng, nhằm trang bị cho nhân viên những kiến thức, kỹ năng làm việc trên môi trường điện toán đám mây. Đây cũng là bước chuẩn bị của ngân hàng cho việc triển khai chuyển đổi hạ tầng và ứng dụng của VIB lên điện toán đám mây trong các giai đoạn tiếp theo sau khi có hành lang pháp lý đầy đủ từ Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trần Nhất Minh – Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ công nghệ VIB cho biết, công nghệ điện toán đám mây đang thâm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống, khiến các nhà lãnh đạo ngân hàng ngày càng nhận ra đây không còn là khái niệm mang tính công nghệ mà nó thực sự là một chiến lược có thể giúp các ngân hàng tăng cường sự hài lòng của khách hàng và đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường nhanh hơn, tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng, đơn vị này đầu tư mạnh cho công tác nâng cao năng lượng của đội ngũ nhân sự. Trong chương trình hợp tác với AWS, các chuyên gia kỹ thuật của tập đoàn này sẽ làm việc cùng với các nhân viên của VIB để đào tạo, chuyển giao các kiến thức công nghệ trong các dự án đổi mới công nghệ trên cloud, bao gồm lĩnh vực hạ tầng công nghệ, bảo mật, phát triển ứng dụng, khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện nhà băng này cũng cho biết, việc sẵn sàng về nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam của VIB.

Thực tế thời gian qua, nhà băng này là một trong những đơn vị có sự đầu tư mạnh mẽ và năng động nhất hệ thống để đón đầu làn sóng chuyển đổi số. Trong nhiều năm, VIB luôn duy trì vị thế dẫn đầu xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng số và đặc biệt chú trọng vào nền tảng điện thoại di động. Đây cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam 4 năm liền giành giải thưởng về trải nghiệm khách hàng do tạp chí The Asset trao tặng, ba năm liền nhận giải ngân hàng số của năm cũng từ hệ thống giải thưởng của tạp chí kể trên.

Mới đây, nhà băng tiên phong ứng dụng định danh điện tử (e-KYC) đối với khách hàng đã có tài khoản đăng ký sử dụng MyVIB. Quá trình xác thực điện tử diễn ra chỉ dưới một phút và hoàn toàn online. Ngân hàng này còn tiên phong cung cấp giải pháp chuyển tiền trên các ứng dụng mạng xã hội với dịch vụ MyVIB Social keyboard, tích hợp các dịch vụ tiêu dùng ngoài lĩnh vực ngân hàng, triển khai dịch vụ tra soát điện tử trực tuyến, Smart OTP, Smart Card và gần đây nhất là ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình phê duyệt hạn mức thẻ tín dụng chỉ trong 30 phút và thực hiện hoàn toàn online. Quy trình này hiện áp dụng với dòng thẻ hoàn tiền chuyên cho mua sắm trực tuyến Online Plus và có kế hoạch mở rộng cho tất cả dòng thẻ khác.

Hành trình chuyển đổi số của các ngân hàng trên thế giới thường diễn ra trong 7-10 năm tùy công nghệ, giải pháp mà ngân hàng lựa chọn cũng như năng lực, trình độ của đội ngũ nhân sự. Theo các chuyên gia, thị trường ngân hàng Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số. Với sự đầu tư bài bản và nhất quán, chuyển đổi số hứa hẹn đem đến “trái ngọt” cho cả ngân hàng và khách hàng.

Nguồn bài viết

Bài trướcPhát triển vùng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp
Bài tiếp theoHướng đi mới ở Mường Bám