Pháp lý làm khó người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng

Savills cho rằng ý tưởng cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng để giải cứu tồn kho chỉ khả dĩ nếu pháp lý loại hình này rõ ràng.

Báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng cho thấy, tồn kho bất động sản hiện nay chủ yếu ở phân khúc căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch và 20% số này bị tồn do bị ảnh hưởng của Covid-19. Do đó, Bộ này đã kiến nghị nhiều giải pháp vực dậy thị trường, trong đó có đề xuất cho phép người nước ngoài được mua, sở hữu các bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch tại Việt Nam.

Luật Nhà ở hiện nay cho phép tổ chức nước ngoài, người nước ngoài được sở hữu nhà ở khi đầu tư dự án nhà tại Việt Nam. Họ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại (căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ), trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, với tỷ lệ không quá 30% số lượng căn hộ trong một toà nhà chung cư.

Thời gian sở hữu nhà với người nước ngoài được quy định không quá 50 năm, từ phi họ kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mới được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài.

Chia sẻ tại cuộc họp ngày 21/7, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng quy định pháp lý về việc này đã có nhưng chưa đủ rõ ràng khiến họ do dự.

“Nếu thực sự muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý cần công bố cụ thể dự án người nước ngoài được mua và căn cứ pháp lý với bất động sản nghỉ dưỡng cần rõ ràng, cụ thể hơn”, bà nói.

Với nguồn cung khá dồi dào và nhu cầu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là có thực, nhưng Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội lưu ý, thị trường bất động sản muốn phát triển bền vững, lâu dài cần dựa chủ yếu vào cầu trong nước. Còn nguồn cầu nước ngoài chỉ góp phần đa dạng hoá cầu thị trường.

Ở góc độ khác, một chuyên gia bất động sản nhấn mạnh, việc nới quy định mua nhà ở, mua bất động sản nghỉ dưỡng với người nước ngoài cần theo tỷ lệ nhất định “chứ không nên mở toang trên cơ sở đánh giá tổng thể nhu cầu thực tế của họ tại Việt Nam”.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel). 48 dự án trong số này là bất động sản nghỉ dưỡng đang xây dựng, dự kiến cung ứng cho thị trường hơn 18.540 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch trong tương lai.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Bài trướcLộ diện smartphone Reno4 sắp ra mắt của Oppo | Công nghệ
Bài tiếp theoThấy thương lá‌i ép giá, bự‌c quá, liền chế cà phê sạch kiểu ‘làm tất ăn cả’, thu 1 tỷ/năm