HomeChân dung CEOÔng Trần Bá Dương: ‘Không giải cứu để làm anh hùng’ |...

Ông Trần Bá Dương: ‘Không giải cứu để làm anh hùng’ | Tài chính – Kinh doanh

Hơn 1 năm sau khi đầu tư hàng tỉ USD vào Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), lại tiếp tục rót ngàn tỉ đồng “giải cứu” Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) – doanh nghiệp một thời gắn với biệt danh “vua cá tra” Dương Ngọc Minh.
1 tiếng đồng hồ trước khi diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược ngày 9.1, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Trần Bá Dương (ảnh) thừa nhận, ông vẫn chưa hề xuống khảo sát hiện trạng nhà máy, vùng nuôi của “vua cá tra”. Tại sao ông Trần Bá Dương lại quyết định đầu tư vào HVG? Thaco sẽ tiếp tục rót vốn vào nông sản nào sau trái cây, heo, cá basa có lẽ là vấn đề nhiều người tò mò muốn biết.



Trong kinh doanh, tôi không thích từ “giải cứu”. Nó là cơ duyên, cơ hội để chúng ta tham gia vào một ngành mới, chia sẻ hợp tác để làm tốt hơn. Không có chuyện say sưa giải cứu để làm anh hùng

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần ô tô Trường Hải

Trên thị trường gọi ông là “người giải cứu đại gia”, ông nghĩ sao về điều này?

Nói giải cứu thì nghe lớn quá. Đúng là người ta khó khăn thì người ta mới mời gọi mình tham gia hợp tác. Nhưng nếu xem đó là một cơ duyên, giúp cho họ vượt qua khó khăn, đồng thời mình cũng có thêm một ngành nghề sản xuất kinh doanh thì đó cũng chính là cơ hội để chúng tôi phát triển. Thế nên với tôi, đây chỉ là chia sẻ hợp tác giữa doanh nghiệp (DN), doanh nhân, để cùng nhau đóng góp, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.


Ông Trần Bá Dương: ‘Không giải cứu để làm anh hùng’ - ảnh 1

Thực tế nông nghiệp của mình còn rất yếu. Đơn cử như cây ăn trái, hiện chỉ Bình Thuận có quy mô thanh long đảm bảo cung ứng tươi hằng ngày cho thị trường. Còn lại các trái cây khác đều manh mún, nhỏ lẻ. Mà sản xuất trồng trọt manh mún thì không hiệu quả. Ngược lại làm quy mô lớn, quản trị công nghiệp và áp dụng cơ giới hóa thì rất tốt. Việc hợp tác với ông Đức (ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL) giúp tôi có kinh nghiệm về chia sẻ hợp tác, quản trị ở quy mô lớn; bài toán giải quyết về tài chính, các giải pháp về cơ giới hóa. Qua 1 năm đến nay, HNG đã giảm được lỗ lũy kế, tự cân đối được dòng tiền, sang năm là có lời. Đặc biệt, chúng tôi còn đóng góp vào doanh số xuất khẩu khoảng 400 triệu USD trong năm nay. Bên cạnh việc hợp tác với HNG, Thadi (thuộc Thaco) cũng mua lại của HNG 26.000 ha, đã triển khai 15.000 ha trong đó có 5.000 ha chuối, còn lại là các trái khác. Thadi còn tự chăn nuôi bò thịt, năm nay dự kiến 90.000 con. Nhắc lại những con số này để thấy, khi chúng tôi đầu tư vào chỗ ông Đức, HNG đang rất khó khăn về tài chính, thậm chí phải dùng đến từ giải cứu nhưng chúng tôi đã làm được, dự kiến năm nay Thadi sẽ có lãi. Thế nên gọi là giải cứu cũng được nhưng ở góc độ tôi vừa nói, đó cũng chính là cơ hội để chúng tôi tiến vào ngành nghề mới với quy mô lớn một cách nhanh nhất.

Ở thương vụ trước, ông Đoàn Nguyên Đức đã viết thư, gọi điện cho ông rồi 2 ông cùng nhau qua Lào, Campuchia… khảo sát thực tế. Và như ông đã từng kể, khoảnh khắc chứng kiến bức tranh đối lập giữa một bên là sự hoang tàn của cao su, cọ dầu và một bên là nhựa sống căng tràn của vườn cây ăn trái đã chạm đến cảm xúc của ông, khiến ông không thể buông tay. Còn lần này, “vua cá tra” Dương Ngọc Minh đã nói gì với ông? Điều gì ở Hùng Vương đã khiến ông quyết định hợp tác?


Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương:

Ông Trần Bá Dương: ‘Không giải cứu để làm anh hùng’ - ảnh 2
 “Mặc dù hôm nay là ngày ký kết nhưng hơn hai tháng trước, khi tôi tiếp xúc với ông Trần Bá Dương, trong vòng chưa đầy 24 giờ, hai bên đã có sự đồng thuận nghiêm túc và đã thực hiện các cam kết của mình. Tôi tin rằng trong thời gian tới, với kinh nghiệm đã trải qua của cá nhân tôi và của Tập đoàn Thaco sẽ tạo nên một HVG có sự phát triển đột biến trong lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản để phát triển cho người dân trong ngành thủy sản của VN và cho ngành chăn nuôi, để người tiêu dùng VN có được sản phẩm được kiểm soát, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm với giá thành hợp lý hơn”.

Cách đây 3 tháng, ông Minh đến gặp tôi đặt vấn đề rằng công ty đang khó khăn, giá cổ phiếu chỉ còn hơn 2.000 đồng/CP. Thú thực là tới giờ phút này tôi cũng chưa xuống chỗ ông Minh để coi ông làm cái gì dưới đó, nhưng có mấy lý do khiến tôi quyết định. Đầu tiên là khi nghe về ông Minh, tất cả mọi người đều khen, y như ngày trước với ông Đức. Nên tôi có được niềm tin và quyết định là mình phải làm cái gì đó cho DN này. Hơn nữa, ĐBSCL là số 1 về nuôi cá tra, cá basa xuất khẩu, nên làm được gì để giúp vùng đất này có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội cũng là lý do thôi thúc tôi.

Thứ hai, dù tôi chưa trực tiếp xuống thăm nhưng anh em (trong Thaco) thì đã đi và có báo cáo đầy đủ. Từ đó tôi nhìn thấy được yếu tố “thiên thời” của Hùng Vương. Về con cá, công ty này có kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá da trơn lớn nhất Việt Nam, với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Hùng Vương khó khăn do Mỹ áp thuế chống bán phá giá và sai về chiến lược mở rộng thông qua thâu tóm các công ty. Về heo, Hùng Vương sở hữu độc quyền giống heo được chuyển giao từ Đan Mạch. Họ cũng đã đầu tư xây dựng các trại heo giống công nghệ cao tại An Giang, Bình Định, sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp heo giống và thức ăn gia súc theo quy trình công nghệ châu Âu an toàn và chất lượng cao cho người dân tham gia chăn nuôi nên giá thành cao hơn so với cách nuôi dễ dãi, đầu tư thấp. Đó cũng chính là lý do khiến Hùng Vương khó khăn, thua lỗ. Thế nhưng dịch tả lợn châu Phi cho thấy, việc chăn nuôi heo phải được đầu tư ở mức độ lớn hơn, kỹ lưỡng hơn và muốn như vậy thì giá heo sẽ tăng lên ở mức hợp lý. Nếu nhìn ở góc độ, hướng đi của Hùng Vương là đúng và việc tham gia chăn nuôi heo vào Hùng Vương là “thiên thời”.


Hợp tác giữa Thaco với Hùng Vương

Thadi đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần, đồng thời tham gia hỗ trợ HVG trong các hoạt động tái cấu trúc, chấn chỉnh lại chiến lược cũng như hỗ trợ những khó khăn về tài chính trong thời gian sắp tới.

Thadi đầu tư 65% vào liên doanh Thadi – HVG trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư là 2.000 tỉ đồng, được triển khai

tại An Giang và Bình Định. Đợt đầu trong tháng 3 năm nay là 15.000 con.

Thadi đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn thực hành của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1.200.000 con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao cho xuất khẩu và thị trường trong nước.

Về doanh thu xuất khẩu năm 2020, kế hoạch của Thadi là 600 triệu USD, Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai là 400 triệu USD và Hùng Vương là 550 triệu USD. Tổng cộng kế hoạch của 3 công ty là 1,55 tỉ USD, chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu ngành nông nghiệp của cả nước.

Hơn nữa, nghề nuôi cá cũng không quá khó để tiếp cận, lực lượng nhân sự của Hùng Vương cũng ổn nên chỉ cần một số điều chỉnh, nó sẽ hoạt động tốt. Cũng giống như nghề sửa xe ngày xưa của tôi, chỉ cần cái xe bị một lỗi thôi, nó giống như đồ bỏ. Nhưng khi sửa được, chạy tốt thì nó lại có giá trị. Hay máy móc, nếu không nổ được thì là cục sắt. Nổ được, nó lại mang giá trị của cái máy.

Vậy thì ông sẽ điều chỉnh cái gì để Hùng Vương hoạt động hiệu quả hơn?

Nói như ông Minh thì chúng tôi sẽ “tham gia ghép các mảnh ghép mà anh còn thiếu”, nhưng theo tôi thì nó còn có một ý là “vá những lỗ hổng do sai lầm về chiến lược và các rủi ro khách quan”. Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược và chúng tôi đã làm một phần là tham gia vào công tác quản trị, chủ yếu quản trị lại chiến lược tài chính, kiểm soát chi phí để đảm bảo lợi nhuận, kiểm soát được dòng tiền để tránh tắc dòng tiền, đồng thời kiểm soát được các rủi ro, bởi làm nông nghiệp rủi ro rất lớn. Phải minh bạch được số liệu, từ đầu tư, dòng tiền, lợi nhuận… thì ngân hàng mới tài trợ vốn. Thadi tham gia 35% cổ phần ở Hùng Vương không phải là lớn, nhưng việc chúng tôi lập một công ty trong đó Thadi chiếm 65% vốn để nuôi heo giống, heo nái ở quy mô 60.000 con trong năm nay thì hỗ trợ ông Minh rất nhiều. Nó là đầu ra cho trang trại mà Hùng Vương sản xuất heo nái, đồng thời tiêu thụ thức ăn cho nhà máy mà Hùng Vương đầu tư rất lớn, hơn 800 tỉ đồng. Thadi cũng sẽ tự đầu tư và nuôi heo thịt từ heo nái bố mẹ sinh ra, quay vòng dòng tiền này rất nhanh, chỉ hơn 3 tháng là có doanh thu.


Ông Trần Bá Dương: ‘Không giải cứu để làm anh hùng’ - ảnh 3

Việc Thaco đầu tư vào Hùng Vương được xem là cú hích trong
lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản

Có vẻ như thương vụ giải cứu HNG của “bầu” Đức quá nổi tiếng và bước đầu đã thấy hiệu quả khiến ông trở thành địa chỉ tìm đến của nhiều DN, doanh nhân khi gặp khó khăn. Trường hợp của Hùng Vương lần này chắc cũng không ngoại lệ?

Việc tôi hợp tác với HNG và Hùng Vương không có nghĩa là ai chúng tôi cũng giải cứu và không có nghĩa là chúng tôi có khả năng giải cứu mọi thứ. Đúng là có nhiều người ở nhiều lĩnh vực tìm, nhờ và tôi cũng lắc đầu rất nhiều. Như tôi nói trên, Hùng Vương khó chủ yếu ở con heo. Tham gia vào lĩnh vực này sẽ giúp cho chăn nuôi heo của Việt Nam đi vào bài bản hơn, có khả năng cạnh tranh hơn. Tôi tự tin với một cách nuôi mới, đảm bảo không dịch bệnh, dù giá heo có thể không cao như hiện nay nhưng không rẻ như trước đây thì công nghệ và cách nuôi heo của Hùng Vương đảm bảo có lời. Thực tế trên thị trường, các công ty nước ngoài vào Việt Nam nuôi heo hay làm nông nghiệp đều có lời, được ngân hàng tài trợ thì tại sao các DN trong nước không làm được như họ? Không được ngân hàng tài trợ?

Tại sao lại là nông nghiệp mà không phải là các ngành tương đồng với lĩnh vực mà Thaco đang hoạt động, thưa ông?

Trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp là ngành chiến lược của Việt Nam. Hội nhập là mình mở cửa để người ta bán hàng sang thị trường mình và mình bán hàng sang thị trường người ta. Vậy Việt Nam bán hàng gì nếu không phải là nông sản? Quan trọng hơn, nếu sản xuất nông nghiệp xuất khẩu có thể từng bước giảm nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại. Đây là điều rất quan trọng. Mình mua cái gì của người ta và bán cho người ta cái gì cũng phải đặt trên cán cân thương mại giữa 2 nước và trong nội khối.

Trong quá khứ, bản thân Thaco cũng đã xảy ra tình trạng khan hiếm USD, không cân đối được cán cân thương mại. Chúng tôi cũng nỗ lực giảm nhập siêu bằng cách gia tăng nội địa hóa và xuất khẩu ra ngoài. Nhưng tính toán có giỏi thì cũng chỉ giảm được cao nhất là 20%. Nông nghiệp thì khác. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, ngay tại Bình Thuận, khi trồng thanh long quy mô lớn sẽ tạo ra được lợi nhuận 200 triệu đồng/ha; Philippines trồng 65.000 ha chuối và họ trở thành nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phải sản xuất quy mô lớn, phương pháp sản xuất công nghiệp, theo chuỗi giá trị khép kín và quản trị số hóa theo lộ trình phù hợp thì nông nghiệp mới có hiệu quả. Thế nhưng xuất phát điểm của đa số doanh nhân trong ngành nông nghiệp lại không có được những điều này. Vì vậy, sự kết hợp của một nhà quản trị công nghiệp có thế mạnh về cơ khí, đã làm lớn với người có nghề nông nghiệp thì đây chính là điểm cộng về hiệu quả và phép nhân thêm về giá trị.

Sự hứng khởi với nông nghiệp và kinh nghiệm có được sau 2 vụ hợp tác nói trên, ông có dự tính tự đầu tư vào nông nghiệp thay vì tham gia với tư cách giải cứu thế này không?

Trong kinh doanh, tôi không thích từ “giải cứu”. Nó là cơ duyên, cơ hội để chúng ta tham gia vào một ngành mới, chia sẻ hợp tác để làm tốt hơn. Không có chuyện say sưa giải cứu để làm anh hùng. Kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ thất bại và rủi ro rất lớn. Khi xu thế yêu cầu chúng ta thay đổi mà chúng ta không thay đổi, hay có thay đổi nhưng thay đổi chậm đều có thể dẫn đến thất bại. Thế nên chúng tôi tìm kiếm cơ duyên, theo xu thế tích hợp hỗ trợ dựa trên nền tảng quản trị mà mình có để cùng phát huy, phát triển.

Việt Nam có rất nhiều nông sản xuất khẩu nổi tiếng như tiêu, điều, gạo… nhưng vẫn xuất thô, lấy công làm lời nên giá trị mang lại chưa cao. Ngoài những cái đã đầu tư, ông còn hứng thú với nông sản nào khác không?

Tôi chỉ hứng thú với những sản phẩm tạo ra được giá trị mang tính cộng hưởng. Còn làm cái gì đó chỉ tạo ra một giá trị đơn thuần thì không riêng gì tôi mà chắc chắn nhiều người không làm nữa. Chúng ta đang làm mọi việc để thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp Việt Nam. Việc này không hề đơn giản và đòi hỏi phải có lộ trình. Đầu tiên phải là sản xuất quy mô lớn, tạo ra được sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Kế đó là phải có một chuỗi giá trị tối thiểu trong sản xuất từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Kế đến là chuỗi giá trị vận chuyển, bảo quản và xuất đi mà giữ được chất lượng. Tiến đến nữa là làm thương hiệu, làm chế biến. Đừng đòi và đừng nghĩ rằng cứ làm cả chuỗi khép kín từ A – Z là thành công. Thực tế cho thấy, trong sản xuất có sự phân công. Ví dụ như Đài Loan có những tập đoàn rất lớn chỉ để sản xuất gia công; Apple chỉ phát triển sản phẩm và phân phối, họ nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu thiết kế, còn sản xuất họ outsource (thuê ngoài). Nike và rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng vậy. Với nông nghiệp Việt Nam, quan điểm của tôi là làm quy mô lớn cho những ai cần họ mua. Mang thương hiệu của họ không sao, miễn là chúng ta làm tốt chuỗi giá trị sản xuất và tạo ra giá trị thực sự.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img