Ông bố Mỹ không sợ con ngã đau

Khi con gái 7 tuổi trèo cây trước sự ngạc nhiên của nhiều phụ huynh, Richard Muller giải thích: “Có cỏ mềm dưới gốc cây. Nếu cháu ngã, chắc chỉ gãy tay”.

Richard Muller là giáo sư Vật lý tại Đại học California, Berkeley, Mỹ, có hai con gái và hai cháu. Ông chia sẻ phương pháp dạy con trên trang Motherly.

Vợ chồng tôi thống nhất con có thể bị thương, nhưng không được phép đặt bản thân vào vòng nguy hiểm. Nếu con ngã hay bị thương nhẹ, không chảy máu, gãy tay, chân, chúng tôi sẽ thảo luận về tai nạn này mà không làm lớn chuyện.

Chẳng hạn, nếu con tập đi xe và bị ngã, tôi bảo: “Bố buồn khi thấy con ngã. Con cảm thấy thế nào? Có tự đứng dậy được không hay cần bố đỡ?”. Nếu con chảy máu, rách da, tôi sẽ dắt con về nhà để bôi thuốc, đeo gạc.

Trong lúc sơ cứu, tôi sẽ hướng dẫn cháu cách làm phòng trường hợp gặp vấn đề khi bố mẹ không có nhà. Tôi kể với mọi người trong nhà rằng: “Con bị ngã và đau đầu gối nhưng rất dũng cảm”.

Khác với nhiều phụ huynh, tôi không la mắng hay quá sốt sắng trước những tai nạn như vậy. Tôi e là nếu mình quan trọng hóa vấn đề, con sẽ thấy sợ hãi, rụt rè trước khi hành động. Từ đó, cháu sẽ ngại khám phá thế giới xung quanh, ỷ lại vào sự săn sóc của bố mẹ và khó có thể bảo vệ mình.

Tôi nhớ tại công viên Codonices, thành phố Berkeley, có một cây xanh, cành lá tỏa rộng trông tương đối vững chắc. Hồi 7 tuổi, con gái lớn của tôi thường thích leo lên cây để vui chơi. Một hôm, tôi đưa cháu đến đó leo trèo trong khi năm bạn đứng xung quanh không dám làm vậy, chỉ nhìn theo vì bố mẹ không cho phép.

Một trong những bà mẹ lại gần hỏi: “Tại sao anh lại cho cháu làm vậy? Nó thật nguy hiểm”. Tôi trả lời: “Có cỏ mềm dưới gốc cây. Nếu cháu ngã, chắc chỉ bị gãy tay”. Người phụ nữ ấy không giấu nổi vẻ mặt kinh hoàng khi nghe tôi nói vậy.

Thực tế, trong một chuyến đi trượt tuyết, con gái tôi từng bị gãy tay khi xuống khỏi thang kéo. Và đó là lần gãy tay duy nhất trong thuở ấu thơ của cháu.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Vài năm sau, tôi đưa các con đến tham quan sông băng La Mer de Glace, thị trấn Chamonix, Pháp. Đó là địa điểm tham quan tương đối nguy hiểm với trẻ nhỏ vì mặt sông có nhiều vết rạn nứt và khe hở.

Tôi cho phép các con đi dạo xung quanh nhưng trong tầm mắt của bố mẹ để trông coi. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy các con không nô đùa ầm ĩ mà đi lại cẩn thận, dè chừng. Khi nhìn thấy một khe nứt, các cháu dừng lại, cẩn trọng nhích từng bước. Tôi cho rằng không phải các con hiểu hết sự nguy hiểm của sông băng mà do từng bị thương trong quá khứ nên ý thức phải bảo vệ mình.

Vợ chồng tôi cho rằng điều quan trọng là phải dạy các con chấp nhận rủi ro sau khi đã cân nhắc kỹ. Nghĩa là các cháu không được hành động liều lĩnh, làm vội mà chưa suy nghĩ để xảy ra những điều nguy hiểm. Nếu đã cân nhắc các rủi ro trong mức độ chấp nhận được, các cháu có thể hành động theo ý mình. Đôi khi, các hành động mang lại tổn thương nhất định nhưng đó là cách để khám phá và học hỏi.

Nhiều bố mẹ không cho phép các con thử mạo hiểm, thường dặn đi dặn lại những việc không nên làm để tránh hậu quả khôn lường. Nhưng một số bài học, trẻ có thể nhớ lâu hơn thông qua thực hành, không phải lý thuyết. Hiện con gái lớn của tôi là giám đốc điều hành và đồng sáng lập của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Berkeley Earth. Bài học thời ấu thơ đã đồng hành cùng cháu trong quá trình khôn lớn và trưởng thành.

Tú Anh (Theo Motherly)

Nguồn bài viết

Bài trướcGiá vàng ngày 26.8.2020: SJC giảm còn 56 triệu đồng/lượng | Tài chính – Kinh doanh
Bài tiếp theoKhởi nghiệp thành công từ 1 ổ dế được tặng