Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm Đại học Kinh tế quốc dân

Dù Tài chính doanh nghiệp là lựa chọn cuối cùng, Trần Diệu Hương vẫn đạt 3,92/4 điểm, tốt nghiệp trong 3,5 năm và là thủ khoa Đại học Kinh tế quốc dân.

Trong lễ trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp sớm giữa tháng 7, Trần Diệu Hương, 22 tuổi, cười rạng rỡ. “Biết điểm số tương đối tốt nhưng mình chỉ nghĩ được thủ khoa của ngành Tài chính doanh nghiệp, chứ không nghĩ là của trường. Đến giờ mình vẫn thấy sốc, nhưng vui và rất tự hào”, Hương nói.

Trần Diệu Hương trong ngày nhận bằng tốt nghiệp sớm vào giữa tháng 7 của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NEU

Trần Diệu Hương trong ngày nhận bằng tốt nghiệp sớm vào giữa tháng 7 của Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: NEU.

Quê huyện Thanh Trì, Hà Nội, từ cấp ba, Hương đã lập kế hoạch học tập nghiêm túc để thi vào ngành Kế toán – Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Hương được 25 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), cả điểm ưu tiên khu vực là 25,5.

Điểm chuẩn ngành Kế toán – Kiểm toán là 25,5 nhưng thêm một điều kiện phụ Toán không dưới 8,25. Hương đạt 8 điểm môn Toán và trượt chuyên ngành yêu thích trong sự tiếc nuối. “Mình thấy mọi thứ sụp đổ, bất lực và thật sự không đành lòng”, Hương kể.

Sau thời gian bình tâm suy nghĩ và lắng nghe lời khuyên của nhiều bạn bè, Hương nộp nguyện vọng vào ngành Tài chính doanh nghiệp, Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân chỉ vì “điểm cao, có vẻ hot” chứ không hề yêu thích và tìm hiểu kỹ. Hương trúng tuyển, nhưng không thấy hạnh phúc.

Lên đại học, vì vẫn mê Kế toán – Kiểm toán, Hương tham gia câu lạc bộ thuộc ngành này. Có cơ hội gặp người anh là cựu sinh viên Kế toán – Kiểm toán, hiện làm việc trong ngành Tư vấn tài chính, nữ sinh được “khai sáng”, hiểu hơn về con đường phát triển của của ngành đang học và tính ứng dụng vào cuộc sống.

Nữ sinh dần hứng thú với định giá doanh nghiệp, dòng tiền – kiến thức thuộc chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp. “Mình đã mất một năm để nhận ra giá trị của ngành đang học. Hóa ra Tài chính doanh nghiệp là lĩnh vực rất hay, bao quát nhiều thứ chứ không chỉ xoay quanh ngân hàng”, Hương nói.

Bước vào năm hai, nữ sinh dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ hơn về chuyên ngành của mình. Hương chia tỷ lệ 80% – 20% để cân bằng giữa việc học với các hoạt động ngoại khóa, tránh bỏ bê hay nghiêng quá nhiều về các sự kiện bên ngoài. Vì chuyên tâm học muộn, cô gái sinh năm 1998 tự nhận mình có xuất phát điểm thấp hơn bạn bè trong lớp nên càng quyết tâm hơn.

Diệu Hương trong buổi chụp kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Diệu Hương trong buổi chụp kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau một năm tích lũy, Hương đăng ký tham dự liên tiếp các sự kiện liên quan đến tài chính, chứng khoán. Trong bốn tháng đầu năm 2019, Hương ghi tên vào 5-6 cuộc thi với mong muốn nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm, cho mình nhiều trải nghiệm để bù lại thời gian đã bỏ phí.

Đến giữa năm 2019, nữ sinh giành một số giải thưởng như top 6 Rish Management, giải 3 Economic Champion và giành học bổng của Tokyo – Mitsubishi UFJ, KEB Hana Bank. Hương tiếc nuối khi dừng lại ở top 6 cuộc thi Rish Management do vướng lịch thi học kỳ, không thể tham gia tiếp. Với cô gái Hà Nội, đây không phải thành tích quá cao nhưng giúp mở mang, xây dựng mạng lưới mối quan hệ liên quan đến lĩnh vực mình theo đuổi.

Trong thời gian tham gia các cuộc thi, Hương còn ôn luyện CFA (Chartered Financial Analyst), chứng chỉ dành riêng cho những người hoạt động trong các lĩnh vực: chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Hiện nữ sinh đạt level 1 và chuẩn bị hoàn thành level 2.

Hương luôn xác định ra trường sớm có lợi hơn khi tỷ lệ cạnh tranh xin việc làm thấp hơn so với thời điểm sinh viên đồng loạt tốt nghiệp. Do đó, nữ sinh luôn đăng ký 22-25 tín chỉ một kỳ, cố gắng chọn những môn liên quan nhiều đến nhau để việc học đỡ vất vả nhất có thể.

Hương tự nhận bí quyết học tập của mình không có gì ngoài việc hỏi thật nhiều, không giấu dốt. Khi tham gia câu lạc bộ và cuộc thi bên ngoài, gặp gỡ nhiều anh chị cựu sinh viên, nữ sinh không ngại xin tư vấn nên đăng ký học môn gì, chọn lớp của giáo viên nào. Trong quá trình học, Hương cũng mạnh dạn gửi email cho thầy cô nếu gặp vấn đề khúc mắc.

Đầu năm 2020, Hương hoàn thành chương trình bậc cử nhân, ngành Tài chính doanh nghiệp trong 3,5 năm. Ngày nhận được danh sách sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp đợt 1, nữ sinh không tin vào mắt mình khi thấy cái tên “Trần Diệu Hương” đứng đầu tiên với điểm số 3,92/4.

Thạc sĩ Lê Quốc Anh, giảng viên môn Tài chính doanh nghiệp, Viện Ngân hàng Tài chính, ấn tượng với sự tự tin của Hương ngay lần đầu đứng lớp. Nữ sinh có thể nói dõng dạc, dứt khoát và không ngại tranh luận với giảng viên để hiểu rõ hơn nội dung bài học. Thầy Quốc Anh đánh giá, Hương chăm đọc slide và tài liệu tham khảo nên trao đổi bài với nữ sinh rất thú vị, dù đôi lúc chính thầy bị hỏi khó.

Khi biết Hương đạt danh hiệu thủ khoa, thầy Quốc Anh có chút bất ngờ nhưng cảm thấy học trò của mình hoàn toàn xứng đáng. Thầy giáo cho rằng Diệu Hương phù hợp với vai trò chuyên gia tư vấn kinh tế vì sự thông minh, nhanh nhạy và thích thử thách bản thân. “Dù lựa chọn theo đuổi lĩnh vực nào, tôi nghĩ Hương sẽ tiến rất xa trong sự nghiệp”, thầy Quốc Anh nói.

Diệu Hương rạng rỡ trong buổi chụp kỷ yếu tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Diệu Hương rạng rỡ trong buổi chụp kỷ yếu tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhìn lại quãng thời gian sinh viên, điều Hương tiếc nuối nhất là để hai năm đầu trôi qua không có nhiều dấu ấn, lại dồn toàn bộ hoạt động, sự kiện vào năm ba dẫn đến mất cân bằng. Nếu được làm lại, nữ sinh sẽ không ôm đồm quá nhiều thứ một lúc mà lên kế hoạch theo từng giai đoạn, phù hợp với năng lực và kinh nghiệm sống.

Tháng 6 năm nay, Hương đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào một ngân hàng, hiện đã có công việc ổn định. Cô gái thấy rằng dù kiến thức tại trường học không phải lúc nào cũng áp dụng 100% vào công việc, nhưng sẽ giúp sinh viên có nền tảng, tư duy để biết nên giải quyết vấn đề theo hướng nào.

So với cô học trò cách đây bốn năm từng chọn Tài chính doanh nghiệp theo cách “nhắm mắt đưa chân”, Hương cảm thấy may mắn vì đã nhận ra giá trị ngành học, từ đó thấy yêu thích và có động lực cố gắng. “Niềm vui không trọn vẹn khi trúng tuyển bốn năm trước được lấp đầy vào ngày mình cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp sớm cùng danh hiệu thủ khoa. Hơn ba năm đại học cũng giống hành trình tự khám phá bản thân, dù xuất phát chậm hơn mọi người, thật may mình vẫn tìm được điều phù hợp”, Hương nói.

Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcTai nghe True Wireless sạc 10 phút, nghe một giờ
Bài tiếp theoDoanh nhân Bích Cao: Bản lĩnh vì thương hiệu riêng | Doanh nhân