Nữ sinh Ninh Bình quyết tâm vô địch Olympia từ năm lớp 7

Nguyễn Thị Thu Hằng viết dòng chữ “Vô địch Olympia” lên giấy, dán ở góc học tập từ năm lớp 7 để mỗi ngày đều nhìn thấy và thêm quyết tâm.

Trưa 20/9, tại trường quay S14 Đài Truyền hình Việt Nam, đội vòng nguyệt quế, ôm chiếc bảng ghi giải thưởng 40.000 USD, Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh lớp 12B1 trường THPT Kim Sơn A, tỉnh Ninh Bình, lọt thỏm giữa đám đông vây quanh và những lời chúc mừng. Đứng bên cạnh, bố mẹ ôm chặt cánh tay Hằng.

“Em không biết nói gì hơn ngoài hai chữ tự hào. Em tự hào vì bản thân không mắc nhiều lỗi khi thi đấu, vì là người đầu tiên của Ninh Bình vô địch Olympia”, giọng nói của của cô gái chỉ cao 1m52 vang lên giữa đám đông vây quanh.

Trước đó vài phút, Thu Hằng được xướng tên là nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Sau bốn phần thi, nữ sinh giành 235 điểm. Em đã ôm mặt khóc, liên tục lấy tay áo lau nước mắt. Ở cả cuộc thi tuần, tháng và quý, chưa bao giờ Hằng khóc nhiều đến vậy.

Nguyễn Thị Thu Hằng trở thành tân quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Ảnh: Đình Tùng.

Nguyễn Thị Thu Hằng trở thành tân quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Ảnh: Đình Tùng.

Sinh ra trong gia đình có bố là cán bộ xã, mẹ là giáo viên, Thu Hằng luôn ý thức việc phải học hành chăm chỉ. Từ nhỏ, khi cùng gia đình xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào chủ nhật hàng tuần, em đã rất yêu thích và mong muốn có một ngày trở thành thí sinh của cuộc thi trí tuệ này.

Nhưng phải đến năm lớp 7, khi trường THPT Kim Sơn A có anh Nguyễn Cao Ngọc Vũ tham gia và đi đến trận chung kết, được thấy cầu truyền hình về tới huyện của mình, ước mơ chinh phục Olympia mới thực sự rõ ràng trong Hằng.

“Khi đó em đã nghĩ một người gần mình đến vậy có thể làm được thì tại sao mình không thể? Em quyết đặt mục tiêu tham gia Đường lên đỉnh Olympia, thậm chí đã viết dòng chữ Vô địch Olympia lên giấy và dán lên tường ở góc học tập để mỗi lần ngồi học sẽ thấy ngay. 5 năm rồi, tờ giấy vẫn ở đó và thôi thúc em”, Hằng nói.

Nhờ sớm có mục tiêu rõ ràng, Hằng xây dựng kế hoạch chỉn chu để thực hiện. Vào kỳ nghỉ hè, nữ sinh đọc hết chương trình trong sách giáo khoa bởi đó là kiến thức cơ bản, ai cũng cần và cuộc thi nào cũng sẽ có. Nhờ cách này, khi vào năm học, Hằng có nhiều thời gian hơn để mở rộng và đào sâu kiến thức.

Để có thêm kiến thức xã hội và thực tế, Hằng dành hai khung thời gian mỗi ngày là 12h trưa và 7h tối xem thời sự. Em cũng đọc tin tức trên các trang mạng và đọc quyển “Bách khoa tri thức” thường xuyên. “Kiến thức trong Olympia rất rộng. Không ai có thể trong 1-2 năm mà tích lũy đủ. Nhờ tích luỹ trong nhiều năm, khi câu hỏi xuất hiện, em mới nhớ ra”, Hằng nói, cho rằng chính mục tiêu, kế hoạch cụ thể và sự kiên trì đã giúp em đi đến trận cuối cùng ở Olympia.

Quán quân Olympia chia sẻ lý do tham gia Olympia

Thu Hằng chia sẻ lý do giành ngôi vô địch Olympia năm thứ 20. Video: Dương Tâm.

Ngoài ra, nữ sinh Ninh Bình cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi từ cấp tỉnh đến quốc gia để rèn luyện bản lĩnh. Hồi lớp 8, em tham dự 12 cuộc thi và giành 12 giải thưởng. Không ai bắt ép Hằng làm điều đó, em muốn được rèn luyện bản thân, biết cách bước vào các cuộc thi như thế nào và với tâm thế ra sao.

Hằng cũng rất thích thể thao và nghệ thuật. Em có thể chơi cầu lồng, cờ vua, chơi đàn organ, hát và nhảy. Em có một kênh Youtube riêng và hay đăng video chơi đát hay hát nhảy trên đó.

Thể thao và nghệ thuật vừa giúp xả stress sau những giờ học căng thẳng, vừa giúp em có sự linh hoạt cần thiết ở các cuộc thi. Chẳng hạn, ở cuộc thi quý, Hằng chỉ có 15 giây để quyết định bấm chuông ở câu hỏi cuối cùng phần Về đích và em đã bấm dù không có câu trả lời.

Chiến thuật này của Hằng khiến những thí sinh khác không có cơ hội bấm chuông và dù bị trừ điểm em vẫn trở thành người chiến thắng. Việc chơi đàn cũng giúp Hằng luyện ngón tay, bấm phím hay nhấn chuông nhanh hơn.

Nói về phần thi ở trận chung kết hôm nay, Hằng cho biết hơi tiếc vì không làm tốt trong phần Khởi động dù đó là sở trường. Tuy nhiên, em đã vượt qua chính mình ở phần Vượt chướng ngại vật, vốn là điểm yếu, khiến khoảng cách của em và các bạn bị thu hẹp.

Hằng bảo việc có thể giải chướng ngại vật ở cuộc thi chung kết năm là nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, thậm chí thầy cô trường Kim Sơn A đã thành lập nhóm đồng hành, mỗi môn 3-4 thầy cô nghĩ câu hỏi, tình huống cho em luyện tập.

Nguyễn Thị Thu Hằng liên tục chỉ tay lên trời, bày tỏ sự vui sướng khi lần đầu tiên giải được từ khóa ở phần thi Vượt chướng ngại vật. Ảnh: Đình Tùng.

Nguyễn Thị Thu Hằng liên tục bày tỏ sự vui sướng khi lần đầu tiên giải được từ khóa ở phần thi Vượt chướng ngại vật. Ảnh: Đình Tùng.

Khi MC nói từ khóa có 3 chữ cái, Hằng đã nghĩ ngay tới một số từ, trong đó có “y tế” bởi đây là vấn đề nóng. Khi ô chữ gợi ý là “Khẩu trang” và góc hình ảnh màu xanh mở ra, em đã liên tưởng đến bác sĩ phẫu thuật và quyết định bấm chuông xin trả lời luôn.

Sự liều lĩnh đó đã được đền đáp xứng đáng với thêm 80 điểm để em vươn lên vị trí dẫn đầu. “Lúc đó, cảm xúc trong em thực sự như bùng nổ sau thời gian dài dồn nén, áp lực. Em sung sướng, nhờ đó tinh thần lên cao hơn”, Hằng nói.

Cô Vũ Thị Lan, giáo viên Hóa, chủ nhiệm lớp 12B1 trường THPT Kim Sơn A, xúc động khi học trò giành chức vô địch Olympia, nhưng không bất ngờ với màn thể hiện của Hằng. Chủ nhiệm Hằng cả ba năm THPT, cô Lan hiểu rõ con người Hằng, học sinh giỏi nhất lớp với điểm tổng kết luôn trên 9, một bí thư luôn giúp phong trào của lớp đi lên, một nữ sinh phong cách “đàn ông”, yêu thể thao và có bảng thành tích từ học tập đến hoạt động ngoại khóa dài không đếm xuể.

Nhắc đến Hằng, cô Lan dùng hai từ là “bản lĩnh” và “quyết tâm”. Cô Lan kể năm ngoái, khi đi thi cầu lông ở trường, Hằng chỉ được kỳ vọng mang về giải ba. Em không muốn mình chỉ dừng lại ở kỳ vọng đó nên đã thi đấu rất quyết liệt để mang về giải nhì. “Ở bất kỳ cuộc thi nào, Hằng luôn quyết tâm phải giành thành tích tốt nhất. Em cầu toàn nhưng theo cách tích cực, lạc quan. Chính tôi cũng phải học hỏi sự tích cực từ cô học trò này”, cô Lan nói.

Nói về phần thi của Hằng, cô Lan cho biết đã vỡ oà khi Hằng bấm chuông xin trả lời. Không cần biết có đúng hay không, việc Hằng bấm chuông đã cho thấy em tự tin vào bản thân. “Lúc đó, tôi chưa nghĩ Hằng có thể mang vòng nguyệt quế về, nhưng việc em vượt qua chính mình đã khiến tôi và các thầy cô ở trường mãn nguyện rồi”, cô Lan chia sẻ.

Bà Phạm Thị Đỗ Ngọc, 42 tuổi, xúc động trước những gì con gái đã làm được. “Không theo dõi con ở cuộc thi này, có lẽ tôi không biết con mình bản lĩnh đến vậy”, chị Ngọc nói.

Bà mẹ kể Hằng học đều các môn, rất cá tính, thích chơi thể thao nhưng có điểm yếu là sức khỏe kém, đề kháng yếu nên hay ốm. Trong ba lần thi tuần, tháng, quý, em bị say xe, ra đến Hà Nội là nằm bẹp cả ngày trước khi đến trường quay. Ngay hôm qua, lên tới Hà Nội, bị nhiễm lạnh, Hằng bị cảm và mẹ phải đánh gió cho cả tối mới ngủ được. Vì vậy, khi thấy con thi đấu mạnh mẽ trước ba thí sinh nam, chị Ngọc sung sướng vô cùng.

Thu Hằng khoanh tay thể hiện bản lĩnh sau khi giành vòng nguyệt quế cuối cùng của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Ảnh: Đình Tùng.

Thu Hằng vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Ảnh: Đình Tùng.

Chính Hằng cũng cảm thấy may mắn khi sức khỏe yếu nhưng chưa phải dừng bước vì lý do này. Ngoài những lần ra Hà Nội thi, đợt tháng 3 năm nay, khi chứng kiến sự thi đấu tuyệt vời của Văn Ngọc Tuấn Kiệt và Vũ Quốc Anh ở cuộc thi quý với 300 điểm, Hằng cũng lo đến mất ăn mất ngủ, người gầy hẳn đi. Tuy nhiên, sau vài tháng tích luỹ kiến thức, em tự tin bước vào trận chung kết.

Hiện, Hằng chưa có kế hoạch nhiều cho tương lai. Em chỉ chắc chắn một điều sẽ du học vì đó là ước mơ từ rất lâu. Hằng chia sẻ cũng thích hai chữ “lãnh đạo” và hy vọng sau này có thể đứng ra lập một cái gì đó. Và dù ở đâu, em cũng sẽ hướng về đất nước và cống hiến cho Tổ quốc.

Là nữ thí sinh thứ tư giành chức vô địch trong lịch sử 20 năm Đường lên đỉnh Olympia và nữ thí sinh duy nhất giành vòng nguyệt quế trong 9 năm qua, Hằng hy vọng chiến thắng của mình tạo thêm động lực đặc biệt cho các bạn nữ. “Dù là nữ, em thấy mọi thứ trong cuộc thi đều bình đẳng và mọi người đều độc lập. Nữ còn có lợi thế hơn vì có thể chăm chỉ hơn. Vì vậy, các bạn nữ hãy tự tin để bước vào các cuộc thi, không chỉ Đường lên đỉnh Olympia”, Hằng nói.

Dương Tâm