Những người chọn yêu chiếc điện thoại Việt

Đầu tháng 5, chị Tuyết Nhung (quận 12, TP HCM) nhập viện vì sốt nhiều ngày liên tục. Công việc thư ký trường quay cho một hãng sản xuất chương trình truyền hình có khi phải thức suốt 48 tiếng liên tục. Sau ba chương trình tiếp nối nhau từ đầu năm, chị lăn ra ốm và phải nhập viện. Vừa xuống giường bệnh buổi sáng, buổi chiều chị nhất định ra khỏi nhà để đi tham dự một sự kiện đặc biệt đã chờ đợi suốt năm: lễ ra mắt chiếc Bphone mới.

Không chỉ vì sự hồi hộp do Bphone mới năm lần bảy lượt hoãn ra mắt do dịch bệnh, chị đi để gặp gỡ những người bạn từ câu lạc bộ Bfan tại TP HCM. Ngày nào cũng sinh hoạt online trên Fanpage, đây là dịp cả hội gặp nhau ngoài đời. Mỗi người một nghề nghiệp, một cuộc sống riêng, họ chung nhau ở một điểm, đó là tình yêu với chiếc điện thoại thương hiệu Việt.

Chú Văn Phước là một trong những người bạn này. Buổi chiều 10/5, người đàn ông 70 tuổi mặc lên mình chiếc áo màu xanh – đồng phục của hội Bfan. Ở tuổi này, ông nói chưa từng nghĩ sẽ tìm được những người bạn mới, khắp mọi miền đất nước, lại còn trẻ hơn mình nhiều con giáp.

Chị Tuyết Nhung và các Bfan selfie trong sự kiện ra mắt Bphone B86 tại TP HCM đầu tháng 5.

Chị Tuyết Nhung và các Bfan selfie trong sự kiện ra mắt Bphone B86 tại TP HCM đầu tháng 5.

Thân nhau nhờ smartphone                                

Tuyết Nhung biết đến smartphone của BKAV khi ông xã rủ chị đi mua Bphone 1 ngay ngày đầu tiên mở bán tại cửa hàng trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) hồi 2015. Không am hiểu về công nghệ, chị vẫn ngạc nhiên khi được chồng khoe đây là smartphone sáng tạo bởi người Việt. Chỉ biết đến Samsung, iPhone… trước đó, chị không nghĩ Việt Nam cũng làm được điện thoại.

Cũng thông qua ông xã, chị tham gia sự kiện giao lưu hội nhóm Bfan tại TP HCM. Lúc đầu đi vì ham vui, nhưng càng lắng nghe nhiều, chị càng cảm nhận Bphone là chiếc điện thoại đủ sức đáp ứng những nhu cầu mà chị lưu tâm, gồm nghe gọi, nhắn tin công việc, lướt Facebook. Điều đặc biệt, đó là những người đã dùng Bphone và tham gia vào hội, họ có một niềm say mê và sự gắn kết khó lý giải với một thương hiệu.

Bí mật này phần nào được lý giải khi chị bắt đầu dùng Bphone từ thế hệ thứ ba và gần đây là B86 nắp lưng hồng vừa ra mắt.

Chị Tuyết Nhung (trái) trên trường quay.

Chị Tuyết Nhung (trái) trên trường quay.

“Bỏ nhiều triệu đồng mua giày của một thương hiệu nước ngoài, thế nhưng vừa đi vài tháng giày hở keo. Khi cầm đến cửa hàng của hãng để tìm giải pháp thì họ từ chối do không có thợ. Trong khi một hãng giày Việt mỗi đôi giày chỉ vài trăm nghìn đồng thì sẵn sàng bảo hành vĩnh viễn”, chị Tuyết Nhung chia sẻ và cho rằng mình tìm thấy điểm chung ở BKAV và hãng giày Việt ở chỗ luôn khiến người dùng cảm giác được chăm sóc. Nhân viên của hãng luôn gọi hỏi thăm trải nghiệm sử dụng, đưa ra các hướng dẫn để khách hàng tối ưu độ bền và hiệu suất của máy.

Chiếc smartphone cũng giúp vợ chồng gắn kết và tìm thấy những người bạn mới tại câu lạc bộ Bphone Fans Club – hơn 60.000 thành viên. Chị rất nhớ ngày hai vợ chồng ra Hà Nội dự lễ ra mắt Bphone 3 hồi 2018. Ở một không gian rộng lớn với hàng nghìn người chung một màu áo, cùng một chí hướng, cảm giác choáng ngợp, lâng lâng đó chị vẫn nhớ đến tận ngày hôm nay. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện chiếc điện thoại, chị và những thành viên của hội, ở một khía cạnh nào đó đã trở thành một gia đình, luôn có mặt bên nhau mỗi khi cần.

“Khi biết vợ chồng mình ra Bắc, các anh em Bfan đón từ sân bay, đưa đi các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn… bằng xe riêng, thăm thú khắp nơi”, chị Nhung nhớ lại. Sau những giờ trực chiến trên trường quay nắng chiếu, mưa dầm, chị quay sang với thói quen vào trang của hội, theo dõi những người bạn, người anh chia sẻ những khoảnh khắc đẹp hoặc cảm nhận về một tính năng mới mà họ vừa khám phá.

Niềm vui ở tuổi xế chiều

Cùng sinh hoạt chung “mái nhà” với vợ chồng chị Tuyết Nhung, “chú Phước”- cái tên mà các thành viên trong hội thường gọi – nói “cơ duyên” đến với Bfans khởi nguồn từ việc ông là khách hàng trung thành của phần mềm diệt virus Bkav. Đầu những năm 2000, ông cài phần mềm diệt virus của BKAV bản miễn phí thông qua những chiếc đĩa CD rất thịnh hành thời điểm này. Sử dụng hiệu quả nên ông tìm mua bản trả phí, rồi dần dần làm người dùng trung thành.

Năm 2015, “chú Phước” mua smartphone đầu tiên của BKAV bởi tò mò một công ty phần mềm sẽ làm phần cứng ra sao. Từ đó đến nay ông sở hữu tổng cộng bốn đời Bphone.

Ở tuổi 69, ông không còn sở thích chơi game hay “vọc vạch” smartphone. Chức năng quan trọng nhất là ghi lại những khoảnh khắc người thân. Hai con trai đã lớn, ra ở riêng. Gia đình chỉ tụ họp vào cuối tuần nên hai vợ chồng già trân trọng những giây phút tề tựu, con cháu đông đủ. Trong chiếc Bphone 1, 2 và 3 của ông chứa đầy những hình ảnh cháu nội hoặc ảnh hai vợ chồng già châu đầu vào nhau. Khu vườn tự tay ông vun vén ở sân nhà cũng xuất hiện đầy ắp bộ nhớ. Có ảnh toàn cảnh những khóm cây chụp bằng camera chính, cũng có ảnh sử dụng tính năng sMacro để bắt cận từng chi tiết trên cánh, nhuỵ hoa. Rồi sau đó, những hình ảnh đẹp luôn được ông chia sẻ lên hai nơi: trang Facebook cá nhân và hội Bphone Fans Club.

Ông Văn Phước chọn Bphone làm niềm vui ở tuổi 70.

Ông Văn Phước chọn Bphone làm niềm vui ở tuổi 70.

Tuổi xế chiều không ngăn ông Phước từ Nam ra Bắc tham gia những buổi công bố smartphone, nơi có hàng nghìn thành viên của hội góp mặt hay mới đây là ra mắt Bphone thế hệ thứ tư. Điện thoại mới ra mắt online nhưng niềm vui của ông vẫn không vì thế mà suy giảm. Hội Bphone Fans Club là cách người đàn ông gần 70 tuổi có bạn.

“Khi du lịch đến một nơi nào đó, cứ nhắn lên hội là tôi sẽ được tiếp đón nồng hậu như một vị khách đặc biệt của những người bạn cùng hội tại địa phương. Dù khác biệt về tuổi tác, nghề nghiệp, chỉ cần ngồi xoay quanh chiếc Bphone thì có thể nói chuyện hàng tiếng không hết”, chú Phước nói. Chỉ có sự đồng cảm về sở thích và cùng chung chí hướng mới mang những người lạ đến gần nhau nhanh như vậy.

Đó chắc hẳn cũng là suy nghĩ của 60.000 thành viên khác cùng hội chị Nhung và chú Phước. “Ngôi nhà chung” của những người sử dụng Bphone không bao giờ vắng bóng hoạt động. Từ những cuộc thi minigame trực tuyến cho đến các buổi giao lưu offline đông đảo. Đây cũng là nơi những “thành viên” đặc biệt như ông Nguyễn Tử Quảng – CEO BKAV chia sẻ những thông tin mới nhất về Bphone hay đội ngũ phát triển sản phẩm đón nhận ý kiến đóng góp của người dùng.

Theo đại diện BKAV, trong tầm nhìn dài hạn, mang đến sự hài lòng tối đa cho những người dùng thật không chỉ đến từ quá trình cải tiến sản phẩm, làm chủ công nghệ, mà còn nằm ở việc hãng không ngừng nâng cấp trải nghiệm chăm sóc khách hàng. Tạo nên một cộng đồng người dùng chính là cách hãng đón nhận nhanh nhất những ý kiến, phản hồi để từ đó cải thiện những điểm chưa hoàn thiện, để đời Bphone sau luôn tốt hơn đời trước.

Bảo An

Nguồn bài viết

Bài trướcHy vọng EVFTA có thể có hiệu lực trước ngày 1/8/2020
Bài tiếp theoĐH Quốc gia Hà Nội: Học phí chương trình chuẩn từ 9,8 – 14,3 triệu đồng | Giáo dục