Nhiều người giỏi tiếng Anh nhờ phim ‘Friends’

Matt Ainiwaer, chuyên viên quan hệ quốc tế 33 tuổi, chưa bao giờ sống ở Mỹ, nhưng có thể nói tiếng Anh như người bản xứ. Tất cả là nhờ đam mê phim “Friends”. 

Lần đầu đến thăm West Village, tòa nhà ở 90 phố Bedford, New York, Mỹ, Ainiwaer đã thấy hào hứng không diễn tả được. Tòa nhà là ngoại cảnh cho “Friends”, một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất mọi thời đại. Phim nói về cuộc sống của nhóm 6 người, bối cảnh chính là căn hộ của những nhân vật và quán cafe giả tưởng Central Perk.

Ainiwaer là một fan lâu năm của “Friends”, bộ phim như một phần cuộc sống của anh. Mỗi tuần, anh ghé thăm một quán cafe được xây dựng theo hình mẫu Central Perk trong “Friends” ít nhất 4 lần. “Ngồi xuống cái ghế sofa, nhấp một ngụm cafe, chìm vào trong không gian ấy, tôi tưởng tượng như thể mình là một trong những người bạn ở trong Friends vậy”, Ainiwaer chia sẻ.

Ainiwaer nói chuyện với chữ “like” hay “um” nhiều y như hai nhân vật Rachel và Phoebe. Cách phát âm tiếng Anh của anh pha trộn một chút giọng Mỹ, như thể anh là người di cư từ châu Á đến Mỹ khi còn nhỏ, không Mỹ hẳn và cũng không Á hẳn.

Trên thực tế, anh chưa bao giờ sống ở Mỹ, ngoài vài chuyến thăm và một chuyến làm việc kéo dài 5 tháng. Thêm nữa, quán cafe mô phỏng Central Perk mà anh đã đến nằm ở Bắc Kinh, Trung Quốc chứ không phải New York, Mỹ. Anh sử dụng tiếng Anh theo cách như vậy là do thời gian miệt mài ngồi xem bộ phim yêu thích “Friends” từ khi còn là sinh viên đại học ở Thượng Hải.

“Tôi yêu chất giọng Mỹ của họ. Thế nên tôi cố nhại theo bằng cách ghi âm lại bản thân và sửa cho đến khi giọng của mình giống họ nhất”, Ainiwaer nói.

Sau 25 năm kể từ lần đầu phát sóng vào năm 1994, “Friends” ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ những người sinh sau năm 1965 đến đầu những năm 2000. Lớn lên với “Friends”, họ mang theo những ảnh hưởng mang tính văn hóa và ngôn ngữ từ phim truyền hình ra toàn cầu suốt cuộc đời họ.

Dàn diễn viên chính Friends. Ảnh: Television/Picture Alliance.

Dàn diễn viên chính Friends. Ảnh: Television/Picture Alliance.

Rất nhiều người đã học tiếng Anh qua cách xem lại những bộ phim yêu thích. Thời báo New York Times phỏng vấn một lượng lớn cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp gốc Mỹ La Tinh. Trong đó, có ít nhất 6 cầu thủ học tiếng Anh từ “Friends”. Tương tự, RM, thủ lĩnh nhóm nhạc Hàn Quốc đình đám BTS, đã tuyên bố coi “Friends” như một người thầy giáo dạy tiếng Anh của mình.

Marta Kauffman, nhà đồng sản xuất “Friends”, chưa bao giờ nghĩ rằng chương trình của mình lại có tầm ảnh hưởng về mặt dạy và học tiếng Anh như thế. Với cô, đây là một bất ngờ tuyệt vời.

Bộ phim có ảnh hưởng ngay cả khi người xem không chủ động dùng nó để học tiếng Anh. Lập trình viên 41 tuổi người Đức Marcel Fahle không xem “Friends” để học tiếng Anh. Tuy vậy, sau mỗi tập phim, anh hiểu nhiều hơn về những trò đùa, tiếng lóng của Mỹ. Anh bắt đầu sử dụng thêm những bộ phim hài khác để học tiếng Anh, sau “Friends” là “Entourage”, “Californication” và “Deadwood”.

Với “Deadwood”, Fahle chia sẻ: “Đây là một mức độ ngôn ngữ khó hơn. Tôi vẫn chưa thể hiểu được hết toàn bộ, nhưng tôi vẫn tiếp tục xem lại”. Dù không còn xem “Friends” để học tiếng Anh nữa, anh vẫn nghĩ với những người mới học, đây vẫn là chương trình phù hợp nhất, trước khi bắt đầu với mức độ khó hơn.

Năm 2012, một khảo sát của Kaplan International cho thấy 82% số người trả lời cho rằng phim truyền hình đã giúp họ học tiếng Anh. Đặc biệt hơn, 26% đã tận hưởng “Friends” trong suốt quá trình này, cho dù tập phim cuối cùng đã phát sóng từ năm 2004. So sánh với những chương trình nổi tiếng khác, cho dù vẫn đang được phát sóng, “The Simpsons” chỉ giúp 7% số người tham gia khảo sát cải thiện tiếng Anh, tỷ lệ này ở phim “How I Met Your Mother” là 6%.

Nhà đồng sản xuất “Friends”, David Crane chia sẻ: “Những trò đùa trong phim thú vị bởi chúng sử dụng thứ tiếng Anh thông dụng. Chúng tôi viết lại lời thoại mỗi lần diễn viên nói những từ như uhslikes. Tôi chưa bao giờ nghĩ khán giả sẽ xem chương trình để học tiếng Anh cả, đặc biệt là khi những câu thoại chẳng hề giống ngữ pháp trong sách giáo khoa tí nào”.

Tuy nhiên, chính những cuộc hội thoại giữa những người bạn ấy đã khiến khán giả nước ngoài xem “Friends” nhiều. Ainiwaer nghĩ thứ tiếng Anh anh được học ở Trung Quốc chẳng thực tế chút nào. Khi nhân vật Rachel đi phỏng vấn ở Raulp Lauren, đấy mới là thứ tiếng Anh mọi người phải dùng. Từ đó đến nay, Ainiwaer sử dụng “Friends” như một tài liệu để dạy học sinh về cách giao tiếp tiếng Anh.

Theo lập trình viên Fahle, “How I Met Your Mother” phụ thuộc quá nhiều vào những trò đùa mà khán giả phải dựa vào những chi tiết của tập trước để hiểu. Trong khi đó, tiếng Anh ở trong “Friends” thông dụng và tự nhiên hơn. Kể cả khi chưa xem những tập trước, khán giả vẫn có thể tận hưởng được “Friends”. Gần đây, anh mới bắt đầu xem lại chương trình một lần nữa. Lần này, anh xem cùng với vợ để giúp cải thiện tiếng Anh của cô.

“Chúng tôi xem trong khi ăn trưa cũng nhau”, Fahle chia sẻ. “Vào cuối tuần, chúng tôi đọc thêm sách bằng tiếng Anh để giúp cô ấy hiểu tốt hơn”.

John Templestein, giám đốc người Đức của ngân hàng số Monzo, xem “Friends” lần đầu năm 2007 qua những đĩa DVD mượn từ chị gái. Từ khi học đại học, ông luôn biết rằng mình sẽ đến thung lũng Silicon ở Mỹ để lập nghiệp trong tương lai. Để làm được điều ấy, ông áp dụng cách học tiếng Anh của nhà sáng lập PayPal, Max Levchin – học qua phim truyền hình.

“Tôi mới xem lại một số tập phim của Friends gần đây và thấy tiếc rằng chúng không giữ được sự cuốn hút của nó như khi tôi còn trẻ. Tuy nhiên, giá trị của tiếng Anh ở trong Friends không hề thay đổi”, Templestein nói. “Khi không phải người bản xứ, bạn có thể rất tự tin chia sẻ một bài báo học thuật, nhưng cũng có thể không chắc phải nói chuyện với bạn bè như thế nào”, ông nói.

Kể cả những người không phải là fan của “Friends” vẫn thấy việc xem lại chương trình này rất thú vị. Qua những trang chia sẻ phim trực tuyến như TBS, Nickelodeon hay Netflix, “Friends” vẫn đang được xem ở gần 200 quốc gia.

Với thế hệ lớn lên trong những năm 2000, “Friends” vẫn hầu như giữ nguyên được sự thú vị. Theo báo cáo năm 2019 của tổ chức Childwise Monitor của Anh, bất chấp sự đa dạng trong số lượng chương trình giải trí, “Friends” vẫn giữ vững vị trí của chương trình truyền hình được yêu thích nhất.

Còn với thế hệ của Ainiwaer, Fahle và Templestein, những người nay đã 30-40 tuổi, “Friends” đã trở thành một phần của tuổi trẻ mà họ sẽ luôn muốn tận hưởng lại một lần nữa. Fahle đã xem toàn bộ chương trình trên dưới 10 lần. Anh không hề có ý định dừng lại. Trên thực tế, bởi anh và vợ mới chuyển đến Tây Ban Nha, sau khi xem hết cả 10 mùa của “Friends” bằng tiếng Anh, hai vợ chồng có ý định xem lại một lần nữa, bằng tiếng Tây Ban Nha.

Friends là bộ phim truyền hình dài tập của Mỹ được sản xuất bởi Marta Koffman và David Crane, được công chiếu trên đài NBC từ ngày 22/9/1994 đến 6/5/2004. Bộ phim nói về cuộc sống của nhóm bạn 6 người: Rachel (Jennifer Aniston thủ vai), Monica (Courteney Cox), Phoebe (Lisa Kudrow), Ross (David Schwimmer), Chandler (Matthew Perry) và Joey (Matt LeBlanc). Bối cảnh chính của phim là căn hộ của những nhân vật và quán cafe giả tưởng Central Perk.

Nhờ những yếu tố như sự hóm hỉnh trong kịch bản, sự xuất sắc của dàn diễn viên, “Friends” thành công trong việc khiến thanh niên đồng cảm với những vui buồn và sự lớn lên của các nhân vật chính. Bởi vậy, “Friends” ghi dấu ấn với tư cách một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất mọi thời đại.

Phan Nghĩa (Theo Variety)

Nguồn bài viết

Bài trướcVàng có tuần thứ 8 xoay quanh mức 1.500 USD/ounce | Tài chính – Kinh doanh
Bài tiếp theoCRM là gì? Làm thế nào để quản trị doanh nghiệp hiệu quả