HomeBất động sảnNhiều bất đồng đang xảy ra tại Coteccons | Tài chính -...

Nhiều bất đồng đang xảy ra tại Coteccons | Tài chính – Kinh doanh

Tố ban điều hành lũng đoạn

Mới đây, quỹ đầu tư Kusto và The8th Pte. Ltd đã đề nghị đưa nội dung bãi miễn tư cách Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Coteccons hiện tại thành một mục riêng trong kỳ họp đại hội cổ đông sắp tới… Trước đó, một quỹ ngoại khác là Red River cũng đã bày tỏ sự không hài lòng về cách điều hành của công ty này.

Theo ông Bolat Duisenov, đại diện Kusto tại VN, khi quỹ đầu tư này đầu tư vào Coteccons năm 2012 đã thống nhất với Ban điều hành Coteccons sẽ hoàn thành việc sáp nhập các công ty con trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, chỉ có Unicons sáp nhập thành công. Đặc biệt, sau 8 năm, Kusto nhận thấy có sự chuyển dịch nhân sự, chuyển dịch doanh thu và lợi nhuận qua một công ty khác là Công ty Ricons. Khi Ricons đã tăng mạnh về quy mô thì ban điều hành Coteccons lại đòi sáp nhập. Điều này không có lợi cho các cổ đông bởi nó sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông. Điển hình là sau vụ sáp nhập Unicons vào Coteccons và do phát hành cho cán bộ công nhân viên, phát hành riêng lẻ, cổ phần của Kusto đã giảm từ 24,72% vào năm 2012 xuống còn 17,55% hiện nay.

Nhiều bất đồng đang xảy ra tại Coteccons - ảnh 1

Nhiều bất ổn đang xảy ra tại Tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam

Trong báo cáo gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 5.6, ông Luis Fernando Garcia Agraz, Trưởng BKS Công ty Coteccons đã “tố” ban lãnh đạo Coteccons vi phạm hàng loạt các quy định, trong đó có việc cắt xén, chỉnh sửa sai sự thật trong báo cáo của BKS. Theo đó, BKS đã soạn và gửi cho thư ký HĐQT bản báo cáo quản trị công ty phần của BKS vào ngày 22.1. Tuy nhiên, trong báo cáo của HĐQT công bố vào ngày 30.1 thì phần báo cáo của BKS đã bị chỉnh sửa, cắt bỏ, thậm chí là trái ngược với báo cáo gốc của BKS. Ngày 29.5, ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do BKS soạn thảo.

“Tôi khẳng định ban điều hành Coteccons đã không công bố trung thực, chính xác. Nghiêm trọng hơn, Ban điều hành còn mạo danh BKS để soạn thảo toàn bộ phần báo cáo của BKS trong báo cáo thường niên năm 2019. Đây là hành động vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của Ban điều hành và người đại diện pháp luật, vi phạm quyền được tiếp cận thông tin của các cổ đông vào nhà đầu tư, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo quy định của Thông tư 155 của Bộ Tài chính”, ông Luis Fernando Garcia Agraz khẳng định.

Báo cáo cũng nêu 8 nội dung mà ban lãnh đạo Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa để không công bố cho cổ đông như nội dung thể hiện sự lũng đoạn của ban lãnh đạo; thành lập hàng loạt công ty khác nhau và sở hữu chéo, trong đó đưa người nhà và người của Coteccons sở hữu cổ phần nhưng không công bố theo quy định của pháp luật, dẫn đến sự suy giảm quyền lợi của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông; ban điều hành công ty còn có những hành động có tính chất cản trở hoạt động của BKS, vô hiệu hóa BKS…

Lập hệ sinh thái cạnh tranh với chính Coteccons

Cũng theo báo cáo của BKS, một số quản lý cấp cao của Coteccons và người có liên quan lại nắm giữ quyền sở hữu đáng kể tại các công ty khác hoạt động trong cùng ngành nghề kinh doanh với Coteccons. Như ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện theo pháp luật của Coteccons đồng thời là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons (trước đây là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Địa ốc F.D.C) với tỷ lệ sở hữu là 49%.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc, vợ ông Nguyễn Bá Dương, là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần BM Windows với tỷ lệ sở hữu là 60%.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, con ông Nguyễn Bá Dương, là cổ đông sáng lập Công ty TNHH BOHO DECOR, với tỷ lệ góp vốn 40%.

Ông Nguyễn Xuân Đạo, em của ông Nguyễn Bá Dương, tham gia vào các công ty khác nhau như cổ đông sáng lập của Newtecons, với tỷ lệ sở hữu là 34%; cổ đông sáng lập của BM Windows, với tỷ lệ góp vốn 10%; cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Vật liệu và Giải pháp Sol với tỷ lệ sở hữu là 29,9% đồng thời là chủ sở hữu trước đây của Công ty TNHH xây dựng Dcons (trước đây có tên là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Gia Minh).

Trong khi đó, ông Trần Quang Quân hiện là Phó tổng giám đốc của Cotecons cũng là cổ đông sáng lập của Newtecons, với tỷ lệ sở hữu là 17%; là Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons – đối thủ cạnh tranh của Coteccons.

Ông Ngô Thanh Phong, hiện là Chánh văn phòng tại Coteccons, là cổ đông sáng lập của BM Windows với tỷ lệ sở hữu là 10%…

Theo biên bản họp và Nghị quyết, trong đại hội cổ đông kể từ năm 2015 và các năm tiếp theo cũng như trong các báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty và các tài liệu công bố thông tin của công ty, Coteccons không có công bố tỷ lệ sở hữu của ông Dương và ông Quân, các cán bộ quản lý của công ty và những người trong gia đình tại các công ty nói trên.

Sẵn sàng chuyển giao “quyền lực”

Ngược lại, trong thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng giám đốc Coteccons cho rằng với vốn điều lệ chỉ hơn 792 tỉ đồng, trong nhiều năm qua doanh thu công ty luôn đạt trên 20.000 tỉ đồng/năm. Coteccons cũng là đơn vị xây dựng hiếm hoi từng lọt vào top những doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỉ đồng nhiều năm liên tiếp. Ở thời điểm khó khăn của thị trường bất động sản như năm 2019, công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 710 tỉ đồng, xấp xỉ vốn điều lệ.
Trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lợi nhuận quý 1 của Coteccons vẫn đạt 123 tỉ đồng, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành nghề đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, biên lợi nhuận của công ty đã liên tục được cải thiện trong suốt 4 quý vừa qua (hiện đạt 5,5%). Tất cả những điều đó đã nói lên nỗ lực của Ban điều hành và toàn thể cán bộ công nhân viên trong việc cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả cổ đông (hàng năm công ty luôn trả cổ tức với tỷ lệ từ 30 – 50% và năm nay cũng không ngoại lệ). Bên cạnh đó, Coteccons luôn đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân ngành xây dựng, lọt top 20 công ty tư nhân lớn nhất VN, top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất VN nhiều năm liên tiếp… Coteccons còn là một trong số ít doanh nghiệp không vay nợ và có lượng tiền thặng dư gửi ngân hàng (duy trì khoảng 3.000 – 4.000 tỉ đồng).
Nhiều bất đồng đang xảy ra tại Coteccons - ảnh 2

Coteccons hiện đã “suy yếu”, cổ phiếu lao dốc do tranh chấp nội bộ

“Chúng tôi cho rằng những phát ngôn như kết quả hoạt động của Coteccons thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng thực sự, vấn đề lớn nhất hiện đang làm xói mòn Coteccons là vấn đề về quản trị doanh nghiệp… là những nhận định chung chung, thiếu khách quan, không có căn cứ, mang tính chất thù địch và bôi nhọ danh dự của ban Điều hành. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Coteccons đã và đang được vận hành theo những thông lệ quản trị tốt nhất, tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, ông Công cho hay.

Liên quan đến thành viên BKS của Coteccons, ông Công cho biết ngày 5.3, Công ty đã nhận được công văn số 281 về việc “Coteccons không có trưởng BKS là kế toán viên, kiểm soát viên chuyên nghiệp theo quy định”. Chính vì vậy, công ty đã liên hệ với cổ đông Kusto và các bên liên quan để chọn lựa ứng cử viên thay thế ông Luis Garcia (người của Kusto đang giữ vị trí trưởng BKS Coteccons) cũng như thành viên BKS khác không đáp ứng được các tiêu chí theo nghị định 71. HĐQT đang tích cực làm việc với cổ đông lớn để bầu thay thế thành viên BKS tại ĐHĐCĐ năm 2020 nhằm đảm bảo Coteccons tuân thủ đúng quy tắc quản trị của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính vì vậy, những cáo buộc về việc công ty vô hiệu hóa hoạt động của BKS là hoàn toàn không đúng sự thật.

“Chúng tôi, từ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và tất cả các cấp quản lý nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông lớn, sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên (do cổ đông lớn tiến cử) với điều kiện họ có đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt công ty phát triển lâu dài, bền vững”, ông Công nhấn mạnh.




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img