Nhân viên ngoại giao Mỹ học ngoại ngữ thế nào?

Từ bốn tháng tới một năm để thành thạo một ngoại ngữ có thể bất khả thi với nhiều người, nhưng với nhân viên ngoại giao Mỹ, điều này là bình thường. 

Shawn Kobb là nhân viên ngoại giao của Sở Ngoại vụ Mỹ trong hơn 10 năm, từng làm việc ở Ukraine, Bahamas, Washington DC, Afghanistan và Áo. Ông chia sẻ cách học ngoại ngữ của mình và đồng nghiệp.

Thành thật mà nói, người Mỹ không quá nổi tiếng về khả năng ngoại ngữ. Chúng tôi thường chỉ nói tiếng Anh và mặc định rằng người đối diện sẽ nói chuyện lại bằng tiếng Anh.

Tôi thuộc nhóm người Mỹ bắt buộc phải học ngoại ngữ. Với tư cách nhân viên ngoại giao, chúng tôi có thể bắt đầu sự nghiệp mà không biết một ngoại ngữ nào. Tuy nhiên, chúng tôi được yêu cầu phải thành thạo ít nhất một ngoại ngữ sau 5 năm đầu tiên. Sau đó, nếu bất kỳ ai muốn tiến xa trong ngành, việc thành thạo ít nhất hai ngoại ngữ là bắt buộc. Trên thực tế, phần lớn nhà ngoại giao Mỹ đều có thể nói từ ba ngoại ngữ trở lên một cách tương đối thành thạo.

Với một người thích học ngôn ngữ như tôi, lợi thế của công việc ngoại giao là không chỉ có cơ hội học thêm một ngoại ngữ mới mà còn được trả lương để làm điều đó. Vào năm 2014, khi tôi chuẩn bị chuyến đi thường trú nước ngoài thứ tư ở Vienna, Áo, tôi dành 100% thời gian để học tiếng Đức, ngôn ngữ chính thức ở Áo và được trả lương toàn thời gian để học.

Bộ Ngoại giao Mỹ có một trường đại học thu nhỏ phục vụ việc giảng dạy các nhân viên ngoại giao, tên là Trường Ngoại vụ (Foreign Service Institute – FSI). Ngoài việc hỗ trợ dạy các kỹ năng như quản trị, phát biểu hay công tác lãnh sự, Trường ngoại vụ tập trung vào việc dạy ngoại ngữ cho nhân viên ngoại giao với hơn 80 ngoại ngữ được giảng dạy ở đây.

Phần lớn giáo viên của trường là người bản xứ của mỗi đất nước, có khả năng giảng dạy cả ngôn ngữ lẫn văn hóa của quê hương họ. Do vậy, Trường Ngoại vụ thường xuyên có các bữa tiệc, hoạt động văn hóa để ăn mừng như Tết Âm lịch của người châu Á, lễ Ramadan của đạo Hồi, hay ngày độc lập của Ukraina. 

Shawn Kobb. Ảnh: Fluent in 3 Months

Shawn Kobb. Ảnh: Fluent in 3 Months

Chương trình học ở Trường Ngoại vụ

Phần lớn khóa ngôn ngữ đều có sự khác biệt riêng trong chương trình giảng dạy, nhưng về cơ bản thì chương trình dạy ngôn ngữ cho nhân viên ngoại giao như sau.

Chúng tôi thường dành tối thiểu 5 giờ mỗi ngày trên lớp, luyện tập giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn, đọc, hay thuyết trình. Hầu như toàn bộ thời gian trên lớp, chúng tôi sẽ nói chuyện bằng ngoại ngữ, đặc biệt là sau một vài tuần được hướng dẫn. Hầu hết lớp chỉ có bốn học viên trên một giáo viên.

Ngoài ra, chúng tôi được tiếp cận với nhiều chương trình, công nghệ giáo dục ngoại ngữ khác, sử dụng các nền tảng đa phương tiện. Phòng lab luôn có giáo viên hướng dẫn nên bất cứ khi nào có câu hỏi, chúng tôi đều nhận được câu trả lời nhanh nhất.

Thêm vào đó là các bài tập về nhà mỗi ngày. Với tôi, những bài tập này có thể không quá hiệu quả như giao tiếp trên lớp, nhưng chúng giúp tôi rất nhiều trong việc nâng cao kỹ năng, ôn luyện kiến thức mà tôi thấy khó.

Các bài thi với mục tiêu cụ thể

Khác với đa số mọi người khi học ngoại ngữ, nhân viên ngoại giao có mục tiêu rất cụ thể ở cuối mỗi học phần và phải trải qua bài thi tốt nghiệp trước khi đi thường trú ở nước ngoài.

Cho dù kỹ năng giao tiếp là một phần quan trọng, bài thi yêu cầu trình độ cao ở những vấn đề rất cụ thể. Thường thì trong bài thi tốt nghiệp, chúng tôi được kỳ vọng có thể giao tiếp, tranh luận chi tiết về một số chủ đề, gồm môi trường, hệ thống chính trị Mỹ, giáo dục, quân đội, hay vô số chủ đề khác mà không phải ai học ngoại ngữ cũng cần biết.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phải phỏng vấn người bản xứ bằng ngoại ngữ đang học sau đó phiên, biên dịch phần trả lời phỏng vấn sang tiếng Anh. Điều này thực sự khó khăn bởi bạn cần kiểm soát mạch phỏng vấn kỹ càng nếu không muốn người được hỏi nói quá dài, vượt khả năng nghe – hiểu của bạn. Bên cạnh đó là các bài thi đọc và nói khác.

Để đánh giá khả năng ngoại ngữ của nhân viên ngoại giao, Sở Ngoại vụ Mỹ sử dụng thang đánh giá tên là Interagency Language Rountable (ILR). Các nhân viên cần đạt được một mức điểm tương ứng với công việc của mình và ngoại ngữ đang học. Điểm đỗ trung bình là 3 ở kỹ năng nói và đọc, tương đương với trình độ C1 trong thang đánh giá CEFR quen thuộc (Common European Framework of Reference for Languages).

Nhân viên sẽ có khoảng thời gian nhất định để đạt được trình độ này. Với các ngôn ngữ gần với tiếng Anh hoặc được nói nhiều ở Mỹ như tiếng Tây Ban Nha, Pháp hay ngôn ngữ Rôman khác, nhân viên ngoại giao thường mất bốn tháng để đạt được trình độ trên. Tiếng Đức, Nga lại cần nhiều thời gian hơn. Một ngôn ngữ có sự khác biệt lớn về ngữ pháp và hệ thống viết so với tiếng Anh như tiếng Trung Quốc, Nhật, Hàn, nhân viên có thể học một năm hoặc hơn.

Từ bốn tháng tới một năm để thành thạo một ngoại ngữ có thể bất khả thi với nhiều người, nhưng với nhân viên ngoại giao, điều này là tương đối bình thường do cường độ học và đầu tư lớn hơn rất nhiều. Trường Ngoại vụ thực sự làm mọi thứ để hỗ trợ nhân viên ngoại giao học ngoại ngữ, kể cả việc cử đi học thêm tại đất nước bản xứ trong thời gian ngắn.

Tự học

Liệu rằng việc học như vậy đã đủ? Có thể, đặc biệt là khi bạn học hành nghiêm túc trên lớp. Bạn sẽ vượt qua bài thi và khi đi thường trú, bạn có thể làm quen với cuộc sống tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc tự học rất cần thiết.

Ngoài việc học trên lớp, tôi tự học thêm với những phương pháp riêng, từ việc đọc thêm các bài báo về học ngoại ngữ đến việc ngồi xem thêm tư liệu trên mạng. Điều này tương đối giống học sinh,

Việc học ngoại ngữ vừa là cơ hội học tập, vừa là một phần sự nghiệp của tôi. Vậy nên, tôi mong muốn đầu tư nhiều thời gian nhất có thể, vừa để thỏa mãn mong muốn cá nhân, vừa để phát triển nhanh hơn trong sự nghiệp.

Phan Nghĩa (Theo Fluent in 3 Months)

Nguồn bài viết

Bài trướcCầu Mây trước ngày thông xe
Bài tiếp theoTiêu thụ gần 130 nghìn tấn vải thiều