Nhà đầu tư ngoại kiện chủ Nhà hàng Món Huế | Tài chính – Kinh doanh

Phong tỏa tài sản?

Hôm qua 24.10, một nhóm các nhà đầu tư lớn bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital thông báo đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP.HCM kiện ông Huy Nhật – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Huy Việt Nam (chủ chuỗi Nhà hàng Món Huế) và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc điều hành của Món Huế. Đơn kiện của nhà đầu tư về việc ông Huy Nhật vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo.
Nhóm nhà đầu tư này cũng cho biết họ đã xin được lệnh phong tỏa tài sản đã được ban hành trước đó ở nước ngoài. Các hành động này nhằm bảo vệ doanh nghiệp nói chung và khoản đầu tư của các nhà đầu tư vào Công ty Huy Việt Nam cũng như đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhân viên, các nhà cung cấp, đối tác kinh doanh trong nỗ lực khôi phục hoạt động ổn định cho doanh nghiệp này.
Kể từ năm 2013 đến nay, nhóm các nhà đầu tư nói trên cho biết họ đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế, đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD, tương đương hơn 1.600 tỉ đồng. Trong khi đó, thông tin trên các kênh truyền thông lâu nay, vốn ngoại rót vào Huy Việt Nam sau 2 lượt gọi vốn là 30 triệu USD.

Càng tăng tốc, càng lỗ lớn

Lật lại báo cáo tài chính của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế cho thấy, đến cuối năm 2018, công ty này ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 107 tỉ đồng. Trong khi đó, từ năm 2015, chuỗi nhà hàng này đã tăng tốc mở rộng gấp mấy lần sau khi nhận khoản đầu tư lớn từ các quỹ ngoại. Càng mở rộng, các khoản lỗ tỷ lệ thuận theo. Ba năm gần nhất, doanh thu của Món Huế đạt gần 200 tỉ đồng mỗi năm và lợi nhuận năm 2016 đạt gần 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, Món Huế đã bị lỗ 54 tỉ đồng và lỗ tiếp 50 tỉ đồng năm 2018. Lỗ lũy kế đến hết năm 2018 gần 107 tỉ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ cuối năm 2018 của công ty chỉ 22 tỉ đồng nên chuỗi nhà hàng này đã bị âm vốn điều lệ từ 2017.

Bất ngờ vào tháng 4 năm nay, khi Huy Việt Nam giảm vốn điều lệ từ 1.200 tỉ đồng xuống 600 tỉ đồng, thì Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế tăng vốn điều lệ từ 22 tỉ lên 600 tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra là nếu tập đoàn đã nhận 70 triệu USD vốn ngoại thì số tiền đó đi đâu?

Bành trướng vượt tầm kiểm soát?

Ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược – Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương tỏ ra khá ngạc nhiên khi thấy một thương hiệu được gầy dựng và phát triển nhanh như Món Huế lại bị thất bại. Ông nói: “Có thể đặt giả thiết nhân sự của quỹ đầu tư quá yếu, không có báo cáo kịp thời cho nhà đầu tư, để tình trạng làm ăn của công ty bết bát đến mức không cứu vãn được chăng? Tôi không nghĩ tình hình theo chiều hướng đó. Vấn đề là 70 triệu USD nhà đầu tư công bố đó, có bao nhiêu được đầu tư vào chuỗi Món Huế? Doanh nghiệp có thực nhận hàng triệu USD để đầu tư không hay vào tập đoàn rồi phân chia cho các mảng đầu tư khác?”.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Lan Bercu (Việt kiều Mỹ), tác giả sách 36 kế trong kinh doanh hiện đại, nhận xét: “Rất tiếc cho một thương hiệu Việt”. Tuy nhiên, theo bà, đó là kết quả có thể dự báo trước được. Bà kể, mỗi lần về Sài Gòn bà luôn ghé Món Huế để thưởng thức ẩm thực VN. “Hôm đó, tôi đưa một người bạn nước ngoài vào một nhà hàng Món Huế, vừa vào cửa, mùi ẩm mốc xộc lên mũi rất ngột ngạt, đèn tối mù, chén đũa dọn ra còn hơi ẩm ướt. Quá ngao ngán, chúng tôi nhìn nhau và rời khỏi quán”, bà Lan nói.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia này đưa ra một số nguyên nhân khác như tiền thuê mặt bằng quá cao, đặc biệt bị áp lực bởi những địa điểm đắc địa…


TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lưu ý, việc rót vốn của các nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu. Nếu vốn điều lệ ở thời điểm cao nhất của tập đoàn này cũng chỉ ở mức 1.200 tỉ đồng, thì việc các nhà đầu tư ngoại tuyên bố đã rót hơn 1.600 tỉ đồng vào công ty này là khá lớn, tương đương với việc nhà đầu tư ngoại đã mua giá cao trong thương vụ này. Do đó có thể các khoản đầu tư sẽ đi kèm nhiều điều khoản, điều kiện khác và nếu Công ty Huy Việt Nam vi phạm hợp đồng thì bị khởi kiện là dễ hiểu.



Nguồn bài viết

Bài trướcÔng Hàng Vay Chi – Chủ tịch Việt Hương Group: “Hãy tìm lợi nhuận cho khách hàng trước”
Bài tiếp theoHội chợ mua sắm, ẩm thực hàng Việt Nam – Thái Lan năm 2019 tỉnh Hậu Giang | Bạn cần biết