Nhiều cửa hàng tăng giá mua máy cũ để người mua cảm thấy “được lời”, trong khi giữ nguyên giá niêm yết cho máy mới và không kèm quà tặng.
Minh Anh, nhân viên văn phòng ở TP HCM, đang muốn “lên đời” điện thoại để đón Tết. Sau khi tham khảo giá và các chương trình khuyến mãi, cô quyết định mang chiếc Samsung Galaxy S7 edge đang dùng đến một cửa hàng ở quận 1 để đổi lấy Samsung Galaxy Note10 theo chương trình thu cũ đổi mới.
Chiếc Galaxy S7 edge được cửa hàng này định giá 12,6 triệu đồng, cao gấp 5 lần giá thu mua tại các cửa hàng điện thoại cũ. Theo chương trình ưu đãi, Minh Anh cần bù thêm 11,3 triệu đồng để có thể lên đời Galaxy Note10 giá 23,9 triệu đồng. Thấy điện thoại cũ bán được giá hời quá, Minh Anh quyết định bù tiền để mua Galaxy Note10 luôn.
Tuy nhiên về nhà, tính lại cô mới thấy thực ra mình mua Note10 không rẻ như cửa hàng quảng cáo. Các cửa hàng đã tính toán rất kỹ để “kéo” khách mua điện thoại mới, tăng doanh số cho cửa hàng. “Lúc đầu mình nghĩ chiếc Galaxy S7 edge được thu lại với giá hơn 11 triệu đồng là hời quá. Tuy nhiên, nếu so giá của Note10 mình vừa mua với các cửa hàng khác sau khi đã trừ tất cả khuyến mại là khoảng 16 triệu đồng. Mình mua theo chương trình không rẻ hơn bao nhiêu”, Minh Anh nói.
Quang Thuần, dân kinh doanh ở Hà Nội, đang dùng iPhone 7 Plus. Anh định lên đời iPhone 11 Pro Max bản 512 GB bằng chính sách mua mới đổi cũ. Sau một tháng cân nhắn, cuối cùng anh chọn mua máy mới chứ không bù thêm tiền để lên đời. “Chiếc iPhone cũ của mình được định giá 2,8 triệu đồng, rẻ hơn thị trường khoảng một triệu. Sau đó mình phải bù thêm 34,5 triệu đồng để đổi máy mới. Tính toán ra, có thể mình đã bị cửa hàng làm giá đến hai lần”, Thuần nói.
Mẫu iPhone 11 Pro Max 512 GB tại một số cửa hàng có giá khoảng 35 triệu đồng. Nếu trừ các khuyến mãi, ưu đãi, model này đến tay người dùng với giá khoảng 33 triệu đồng, rẻ hơn 2 triệu so với giá bán trong chương trình mua cũ đổi mới.
Apple nổi tiếng với các chương trình “thu cũ, đổi mới” mỗi khi iPhone mới ra mắt. Giá thu mua của hãng công khai và sản phẩm sau khi mua được bán lại dưới mác hàng “Refurbished”. Ảnh: Apple. |
Ông Nguyễn Đạt, người điều hành chuỗi Di Động Việt tại TP HCM, cho biết, sự chênh lệch giá trong các chương trình thu cũ đổi mới bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách của nhà sản xuất. Nếu đây là chương trình do hãng kết hợp nhà phân phối thực hiện, người dùng có thể được lợi. Tuy nhiên, các chương trình này thường kéo dài không lâu, chỉ khoảng vài ngày.
Ông Đạt cho hay, với các chương trình cửa hàng đưa ra, người mua cần tính toán kỹ. Ví dụ, mẫu Galaxy Note10 giá niêm yết của hãng là 23,9 triệu đồng, kèm quà tặng trị giá 6 – 7 triệu đồng. Như vậy, giá thực tế cho model này là 16 triệu đồng – dao động thêm vài triệu nữa ở các đại lý nhỏ.
Trong trường hợp của chị Minh Anh ở trên, cửa hàng đã lấy giá niêm yết của hãng (23,9 triệu đồng) cho chương trình thu cũ đổi mới, đồng thời tăng giá thu mua điện thoại cũ lên, khiến khách hàng “hoa mắt”. Như vậy, khách hàng sẽ nghĩ mình bán điện thoại cũ giá hời, nhưng thực tế không phải.
Theo một chủ cửa hàng buôn bán điện thoại trên đường Nhật Tảo, TP HCM, hình thức thu cũ đổi mới đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Mỗi khi có model mới ra mắt hoặc vào những dịp cao điểm, các cửa hàng thường chạy quảng cáo với mức thu vào cao, giá bù thấp.
Người dùng cần phân biệt được chính sách này là do nhà sản xuất kết hợp nhà phân phối thực hiện, hay do tự nhà bán lẻ tự đưa ra. Nếu chương trình do hãng trợ giá, người dùng có thể sẽ lời được vài triệu đồng. Lúc này, dân buôn sẽ tranh thủ gom máy cũ để đổi máy mới với giá ưu đãi. Tuy nhiên, số lượng máy cho chương trình có hạn nên không phải lúc nào người dùng cũng may mắn được đổi.
Trường hợp thứ hai, chương trình do cửa hàng tự thực hiện. Họ sẽ đưa ra mức giá thu mua smartphone cũ rất cao khiến người dùng có cảm giác được lời. Tuy nhiên, họ sẽ bù lại phần chênh lệch này bằng cách “làm giá” sản phẩm mới. Cửa hàng thường tính theo giá niêm yết hoặc giá khi sản phẩm mới ra mắt chứ không phải giá sàn hiện tại và không kèm khuyến mại của hãng.
Ngoài ra, không phải model cũ nào cũng được thu lại với giá cao như quảng cáo. Nhân viên của cửa hàng sẽ xem xét nhiều yếu tố và định giá sản phẩm. Thực tế, các cửa hàng thường thu mua smartphone cũ với giá thấp hơn thị trường từ vài trăm đến một triệu đồng.