Người dân ít được tạo điều kiện giám sát ngân sách

Phú Yên và Thái Bình có số điểm thấp nhất về việc tạo điều kiện để người dân tham gia quy trình giám sát ngân sách, theo báo cáo của VEPR.

Theo báo cáo chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2019 công bố ngày 8/7, chỉ số POBI trung bình năm nay đạt 65,55 điểm, tăng gần 15 điểm so với năm 2018.

Đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR cho biết, năm 2019, có 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có mức điểm trên trung bình, trong khi con số này năm 2018 là 31 tỉnh. “Điều đó cho thấy nỗ lực rõ rệt trong việc cải thiện công khai minh bạch ngân sách của các địa phương”, đại diện VEPR nhấn mạnh.

Cũng theo kết quả POBI năm 2019, mức độ công khai dự thảo dự toán ngân sách năm 2020 trình HĐND tỉnh, thành phố tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Số tỉnh công khai tài liệu này năm nay là 54 tỉnh, tăng 7 tỉnh so với 2018. Ngoài ra, tính kịp thời và đầy đủ của tài liệu này được cải thiện nhiều so với năm 2018. Số tỉnh công bố đúng hạn tăng từ 29 tỉnh lên 36 tỉnh, chiếm trên 57%.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy, các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình giám sát ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, thành phố là 38,1 điểm. Tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 90 điểm. Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước, với 10 điểm.

Hội thảo công bố chỉ số POBI 2019, ngày 8/7. Ảnh: A.Minh

Hội thảo công bố chỉ số POBI 2019, ngày 8/7. Ảnh: A.Minh.

Theo bảng xếp hạng POBI 2019, 12 trong số 63 tỉnh, thành phố công khai chưa đầy đủ, ít công khai ngân sách tỉnh. Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn nằm ở cuối bảng xếp hạng công khai ngân sách, với số điểm POBI tương ứng lần lượt 1,69 điểm; 7,9 và 21,61 điểm.

Nhóm các tỉnh thành công khai đầy đủ ngân sách gồm Quảng Nam, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Nội… với chỉ số POBI dao động 75-100 điểm.

TP HCM, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Bình Phước… trong số các tỉnh “công khai tương đối” ngân sách, với chỉ số POBI dao động 50-75 điểm.

POBI 2019 cũng cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Xếp theo 7 vùng địa lý trên cả nước, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam bộ là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77,16 và 73,81 điểm.

Kế đến là vùng Tây Nguyên (70,27 điểm) và đồng bằng sông Hồng (68,24 điểm). Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 52,62 điểm, cao hơn đó là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (58,7 điểm) và khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ với 63,5 điểm.

Đây là năm thứ 3 POBI được thực hiện, là công cụ giúp các địa phương có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Bài trướcCựu chủ tịch Nissan chi gần 1 triệu USD cho cuộc đào tẩu khỏi Nhật Bản
Bài tiếp theoCó thể lên đến nửa triệu người