Ngành bất động sản nghỉ dưỡng chịu hậu quả nặng nề từ dịch virus corona

Sự bùng phát của virus nCoV ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch trong thời gian tới.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã đồng loạt giảm hoặc hủy chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, bao gồm Air Canada, American Airlines, British Airlines, Cathay Pacific,… Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra thông báo dừng khai thác tất cả các chuyến bay đi và đến giữa Việt Nam và các vùng có dịch tại Trung Quốc.Theo ông Mauro Gasparotti, các dịch vụ du lịch Việt Nam cũng đang đối mặt với những hậu quả của đợt dịch bệnh này. Quan sát của Savills Việt Nam thấy rằng, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.

Ông Gasparotti cho rằng virus nCoV còn gây ra ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.

Sụt giảm khách du lịch Trung Quốc: tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc vốn là nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm 30% trên tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang – Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm 70% tổng số khách quốc tế đến khu vực (2019). Ngoài ra, việc nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn cũng dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE – du lịch kết hợp thăm dò đầu tư, và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.

Sụt giảm lượng khách quốc tế: năm 2019, khu vực Đông Nam Á thu hút 138 triệu khách quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7,8% trong vòng 9 năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong thời gian tới khu vực sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn. Một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ châu Âu, Úc, Mỹ,… do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch trong thời gian dịch bệnh. Theo báo cáo gần đây của Bộ Du Lịch Thái Lan, dịch bệnh do virus nCoV có thể khiến doanh thu ngành du lịch Thái Lan bị thiệt hại hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2020.

Sụt giảm nguồn cầu du lịch trong nước: trong mùa dịch bệnh, người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hang hay khu vực vui chơi giải trí. Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. Đại diện Savills Việt Nam khuyến nghị với các đơn vị kinh doanh nghỉ dưỡng, khách sạn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh là cách tốt nhất để nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng kinh doanh.

https://doanhnhanonline.com.vn/

Lê Dung tốt nghiệp khoa Báo chí – Truyền thông Trường ĐH KHXH & NV
Tp.HCM và đã có 10 năm kinh nghiệm làm báo, chuyên lĩnh vực kinh doanh. Gia nhập Doanh Nhân từ năm 2014, Lê Dung đảm nhận vai trò biên tập viên, chịu trách nhiệm sản xuất nội dung cho tạp chí Doanh Nhân bản in, cũng như các tin bài đa phương tiện trên các nền tảng xuất bản khác.

Nguồn bài viết

Bài trướcGiới lập pháp Nhật Bản ‘nóng lòng’ với tiền ảo | Công nghệ
Bài tiếp theoĐề xuất quyền biểu quyết hội nghị nhà chung cư theo m2