Ngân hàng kẹt giữa Mỹ – Trung vì vấn đề Hong Kong

Các nhà băng khó xử khi phải tuân thủ cả luật an ninh quốc gia của Trung Quốc và lệnh trừng phạt đang được Mỹ thảo luận.

Quy mô lớn của Luật an ninh Quốc gia mà Trung Quốc áp lên Hong Kong đã khiến nhiều doanh nghiệp ngạc nhiên. Dù vậy, điều làm các nhà băng đa quốc gia lo lắng nhất là Điều luật số 29. Trong đó, Trung Quốc cấm các động thái trừng phạt, ngăn chặn hoặc mang tính thù địch với Hong Kong và Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ có thể sắp yêu cầu các ngân hàng tuân thủ lệnh trừng phạt lên quan chức và thực thể Trung Quốc. Vi phạm luật bên nào cũng có thể khiến các công ty bị phạt hoặc mất giấy phép hoạt động.

Tamer Soliman – Giám đốc nghiên cứu Hoạt động Trừng phạt và Kiểm soát xuất khẩu tại hãng luật Mayer Brown cho biết các nhà băng lo mắc kẹt trong một cuộc chiến chính trị. “Chúng tôi đã tư vấn cho nhiều khách hàng lo ngại về Luật an ninh quốc gia và Dự luật tự trị Hong Kong mà Trung Quốc và Mỹ đã thông qua”, ông nói.

Tòa nhà của HSBC và Standard Chartered tại Hong Kong. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tòa nhà của HSBC và Standard Chartered tại Hong Kong. Ảnh: Nikkei Asian Review

Luật an ninh quốc gia sẽ giúp Trung Quốc siết quyền kiểm soát Hong Kong. Tuy nhiên, nó cũng đang khiến quan hệ Mỹ – Trung càng căng thẳng. Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997 và đến nay vẫn duy trì hệ thống “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên, Mỹ đang muốn trừng phạt các tổ chức tài chính làm việc với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc là can thiệp vào quyền tự chủ của Hong Kong.

Các nhà băng như Citigroup, Goldman Sachs Group và JPMorgan Chase & Co như đang đi trên dây, khi vừa hoạt động tại Hong Kong, lại có kế hoạch đầy tham vọng tại thị trường Trung Quốc năm nay. HSBC đặc biệt gặp rủi ro, do họ từng lên tiếng ủng hộ luật an ninh quốc gia của Trung Quốc. Nhà băng này hiện có vị thế thống trị tại Hong Kong.

Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các nhà băng và luật sư của họ từ Hong Kong đến Washington đang nghiên cứu quy định để tìm cách tránh hậu quả lớn. Các ngân hàng muốn giảm thiểu rủi ro của việc vi phạm luật an ninh, đồng thời tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ mà không ảnh hưởng đến các nhân viên tại thành phố này.

Các ngân hàng có hiện diện lớn ở Hong Kong, như Citigroup hay HSBC có thể chịu nhiều rủi ro hơn, đặc biệt với các giao dịch lớn thực hiện qua chi nhánh tại đây. Họ còn lo lắng việc Điều khoản 29 có quy định về bí mật quốc gia. Theo đó, các ngân hàng có thể vi phạm nếu cung cấp thông tin về khách hàng cấp cao cho chính phủ nước ngoài.

Các nhà băng vì thế đang rà soát danh sách khách hàng để đánh giá những người có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, và nghiên cứu lại hợp đồng để đảm bảo có điều khoản cho phép họ chấm dứt với khách hàng mà không bị phạt.

Dự luật trừng phạt của Mỹ đã được thông qua tại Thượng viện và Hạ viện, hiện còn chờ chữ ký của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đến nay, ông Trump vẫn chưa khẳng định sẽ ký hay không.

Dù vậy, theo các lãnh đạo ngân hàng, tác động ban đầu có thể chỉ giới hạn với các quan chức cấp cao Trung Quốc, do Mỹ không thể có động thái gây gián đoạn nghiêm trọng lên thương mại hay kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vẫn muốn duy trì vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong. Vị thế này sẽ bị lung lay nếu các công ty nước ngoài chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.

Nếu dự luật của Mỹ được thông qua, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có 90 ngày để nộp báo cáo cá nhân hoặc công ty nào sẽ bị trừng phạt. Báo cáo về các tổ chức tài chính sẽ được nộp trong vòng 60 ngày sau đó. Tổng thống Mỹ có thể chờ 1 năm trước khi áp dụng lệnh trừng phạt.

“Tình hình hiện tại đang phản ánh xu hướng chung, về khả năng xung đột luật pháp giữa các lệnh trừng phạt của Mỹ và phản đòn của Trung Quốc”, Soliman nói, “Nó đặt các công ty coi trọng cả Mỹ và Trung Quốc vào tình thế khó xử”.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Nguồn bài viết

Bài trướcTV OLED khung tranh đầu tiên ở Việt Nam
Bài tiếp theoHệ thống Đại học California chuẩn bị kiện chính quyền Mỹ vì lệnh cấm du học sinh | Giáo dục