Theo thống kê, TP.HCM hiện có hơn 1,9 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 400.000 trẻ nhập cư, hơn 12.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 23.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Các đại biểu tham dự cho rằng trẻ em hiện nay không nhiều hạnh phúc như người lớn nghĩ. Bởi vì, các em có khá nhiều căng thẳng thúc đẩy từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong khi trẻ cần sự chăm sóc, yêu thương từ người thân để phát triển và kết nối tốt với xã hội thì do nhiều nguyên nhân, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít. Từ gia đình đến nhà trường đều đặt ra cho trẻ những áp lực học tập mà ít quan tâm đến những hoạt động giáo dục, vui chơi khác.
Đặc biệt, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra lưu ý, sự căng thẳng thường thúc đẩy đứa trẻ tìm đến bạo lực nhằm giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Để ngăn ngừa, người lớn thường trách mắng, xử phạt, điều này đôi khi lại càng dẫn đến hậu quả xấu hơn dưới dạng tiềm thức của trẻ. Vì vậy, phụ huynh, giáo viên không nên phê phán mà cần quan tâm trẻ nhiều hơn, đặt mình vào vị trí các em để tìm hiểu.
“Một đứa trẻ hạnh phúc khi người lớn hạnh phúc. Do đó thầy cô, khi đến lớp, muốn học sinh vào trường vui vẻ thành công, mỗi ngày chúng ta học cách làm cho mình vui trước, làm cho mình hạnh phúc trước. Vì khi giáo viên vui, giáo viên hạnh phúc, đứa trẻ ngày hôm đó sẽ được hưởng. Một thầy cô hạnh phúc, hàng ngàn học sinh sẽ dễ dàng thành công”, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích khẳng định.