‘Mối duyên’ 30 năm giữa Apple và ARM

Hãng vi xử lý ARM được cho là gián tiếp “cứu” Apple hai lần trong khi Intel thiệt hại hàng tỷ USD vì từng từ chối sản xuất chip cho iPhone.

Nhiều năm nay, máy tính Mac vẫn được trang bị chip của Intel. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Apple được cho là sẽ tuyên bố kế hoạch “chia tay” Intel trong sự kiện WWDC ngày 22/6. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng công nghệ của ARM trong dòng chip máy tính đầu tiên do Apple tự phát triển.

Tin đồn Apple chuyển sang dùng giải pháp của ARM cho máy Mac đã xuất hiện cả chục năm qua nhưng chưa thành hiện thực. Tuy vậy, mối quan hệ giữa hai hãng đã hình thành theo nhiều cách trong hơn 30 năm qua, thậm chí góp phần giúp Apple sống sót qua giai đoạn đen tối nhất.

Mối quan hệ giữa Apple và ARM không chỉ dừng trên iPhone, iPad mà có thể mở rộng sang cả máy tính. Ảnh: MacRumors.

Mối quan hệ giữa Apple và ARM không chỉ dừng trên iPhone, iPad mà có thể mở rộng sang cả máy tính. Ảnh: MacRumors.

ARM có nguồn gốc từ công ty Acorn của Anh. Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Apple hợp tác với Acorn và VLSI Technologies để thành lập một công ty mới là Advanced RISC Machines với mục tiêu thiết kế chip ARM cho các sản phẩm của hãng. Apple chi 3 triệu USD để sở hữu 43% cổ phần công ty. 

Năm 1993, thiết bị Newton sử dụng ARM đầu tiên ra đời. Cũng trong năm đó, lo ngại việc bị gắn chặt trên một dòng sản phẩm, ARM tìm cách đăng ký bản quyền công nghệ của mình. Quyết định này được đánh giá là khác thường trong ngành công nghiệp máy tính giai đoạn đó, nhưng giúp ARM chuyển đổi thành một hãng chuyên thiết kế vi xử lý cho các công ty khác, thay vì trực tiếp sản xuất.

Máy tính Newton không được tiêu thụ nhiều như dự kiến. Nói chung, loạt sản phẩm của Apple đều không đạt được mục tiêu về doanh số, cho tới khi Steve Jobs trở lại.

Từ khi được mời trở lại làm CEO Apple năm 1997 cho tới lúc iMac ra đời năm 1999, Steve Jobs thực hiện hai quyết định mà ngày nay vẫn được nhắc tới.

Thứ nhất, Apple chỉ còn 90 ngày trước khi phải tuyên bố phá sản. Jobs hủy dự án máy tính Newton và thuyết phục Microsoft đầu tư 150 triệu USD phát triển máy Mac trong vòng 5 năm, giúp hãng tiếp tục tồn tại. 

Số tiền 150 triệu USD của Microsoft có ý nghĩa lớn, nhưng không phải là tất cả để vực dậy một công ty lớn như Apple. Họ cần tới cả tỷ đô. Lúc này, Jobs đưa ra một quyết định quan trọng khác: bán cổ phần mà hãng có tại ARM. Đến đầu năm 1999, họ chỉ còn sở hữu khoảng 14,8% cổ phần ARM (hiện không rõ con số này là bao nhiêu). Khi đó, ARM đang rất thành công với ít nhất 165 công ty sử dụng công nghệ của họ.

Mối duyên thứ hai liên quan tới iPhone. Mọi chiếc iPhone đang có mặt trên thị trường từ ngày đầu cho tới bây giờ đều sử dụng vi xử lý ARM. Nhưng mọi chuyện ban đầu không diễn ra suôn sẻ vậy.

Vào đầu những năm 2000, Apple chưa hề gia nhập thị trường smartphone. Khi iPhone được thiết kế cũng là lúc Apple và Intel thiết lập mối quan hệ. Năm 2005, Apple bắt đầu trang bị chip của Intel trên máy Mac. Họ cũng đề nghị Intel sản xuất vi xử lý cho iPhone. 

Và Intel từ chối.

Ngày nay, nhiều người sẽ chê trách Intel có tầm nhìn ngắn hạn khi nhìn vào số lượng hàng trăm triệu iPhone hoạt động trên thị trường. Tuy nhiên, Paul Otellini, cựu CEO Intel, giải thích vào năm 2013: “Một điều bạn phải nhớ là lời đề nghị được đưa ra trước khi iPhone xuất hiện. Không ai biết iPhone có thể làm gì”.

Nói cách khác, các ban lãnh đạo Intel không tin iPhone sẽ đạt sản lượng đủ lớn. Theo tính toán của họ, doanh số iPhone sẽ không tương xứng với chi phí Intel đầu tư để phát triển chip cho smartphone này.

Giờ Intel có thể tiếc nuối. Nhưng cách đây gần 20 năm, Apple mới là công ty mong mỏi mọi thứ diễn ra theo cách họ muốn. Và khi không đạt được, họ phải tìm nguồn thay thế. Họ chuyển sang sử dụng thiết kế SoC của ARM và hợp tác với Samsung để sản xuất vi xử lý đầu tiên cho iPhone.

iPhone thế hệ đầu giây tiếng vang, nhưng vẫn hoạt động chưa đủ nhanh. Công nghệ của ARM và quy trình sản xuất cảu Samsung đều đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn tồn tại một điểm yếu. Đó là Apple chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm về thiết kế vi xử lý.

Nhưng càng về sau, các bộ vi xử lý của Apple càng hoàn thiện hơn. Năm 2010, khi iPad ra đời, Apple được cho là đã đàm phán mua lại ARM với giá ước tính 8 tỷ USD. Tuy nhiên, cuối cùng Softbank mới là bên sở hữu ARM vào năm 2012. 

Trong khi mối quan hệ giữa Apple và ARM trên các dòng iPhone và iPad diễn ra êm đẹp, mối quan hệ Apple – Intel trên máy Mac lại không được như vậy. Intel trong vài năm qua được cho là không theo kịp lộ trình của họ trong việc cải tiến các vi xử lý và không đáp ứng được yêu cầu của Apple.

Việc loại bỏ Intel khỏi Mac và chuyển sang ARM được cho là “một trong những nỗ lực bí mật của Apple” những năm qua. Cả Apple và Intel đều chưa bình luận gì về thông tin này, và mọi chuyện sẽ chỉ trở nên rõ ràng trong sự kiện WWDC, diễn ra trực tuyến trong hai tuần tới.

Châu An (theo Apple Insider)

Nguồn bài viết

Bài trướcQuảng Ninh làm đường nối KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long
Bài tiếp theoSiêu đô thị Đại An hơn 32.600 tỷ đồng tại Hưng Yên sẽ về tay đại gia nào?