Microsoft đóng cửa vĩnh viễn các cửa hàng

Hơn 100 cửa hàng của Microsoft trên toàn thế giới sẽ đóng cửa vĩnh viễn, kết thúc 10 năm sao chép mô hình bán lẻ của Apple, chuyển sang kinh doanh online.

Microsoft đã dành ra 450 triệu USD để trang trải chi phí đóng cửa hàng, tuy nhiên vẫn chưa có con số chính thức về lượng nhân viên bị mất việc. Hãng này hiện có 116 cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu, trong đó 107 cửa hàng tại Mỹ.

Sự bùng phát của Covid-19 sau đó là tình trạng bạo loạn ở Mỹ khiến việc đóng cửa hàng của Microsoft không còn là tin chấn động. Thói quen mua sắm của người dùng cũng chuyển dịch dần sang các nền tảng thương mại điện tử. Apple cũng phải đóng nhiều cửa hàng vừa mở lại sau dịch bệnh do những bất ổn xã hội.

Nhưng với Microsoft, các cửa hàng sẽ đóng cửa vĩnh viễn, không hẹn ngày mở lại. Với gã khổng lồ Internet như Microsoft, tài chính không phải vấn đề lớn khi các cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa vài tháng. Họ không dựa vào chúng để kiếm tiền, ngược lại, các cửa hàng này đang “đốt” không ít tiền thuê mặt bằng. 

Khoản lỗ 450 triệu USD để đóng các cửa hàng không phải vấn đề lớn, đó là chi phí cho một mô hình kinh doanh thất bại. Ảnh: The Verge.

Khoản lỗ 450 triệu USD để đóng các cửa hàng không phải vấn đề lớn, đó là chi phí cho một mô hình kinh doanh thất bại. Ảnh: The Verge.

Từ năm 1999, Microsoft đã mở các cửa hàng để bán hàng và trải nghiệm, sớm hơn Apple vài năm, nhưng lại sớm đóng cửa trước khi Xbox ra đời vào năm 2001. Cùng thời điểm, Apple cũng bắt đầu thiết lập hệ thống cửa hàng của mình. Trước sự bùng nổ của Apple, năm 2009, Microsoft phải thiết lập lại các cửa hàng trải nghiệm. Tuy nhiên, lúc đó hệ sinh thái của hãng còn khá đơn giản, chủ yếu là sản phẩm phần mềm, laptop Surface chưa xuất hiện, chỉ có một góc khu vực Xbox là thu hút người qua lại.

Từ vị trí đến cách thiết lập cửa hàng, Microsoft đã sao chép y chang mô hình của Apple. Theo thống kê của công ty phân tích thị trường Thinknum, có 82/85 cửa hàng ở Mỹ của Microsoft cách Apple Store 1,6 km. Trong đó, 62 cửa hàng cách đối thủ dưới 400 m. Tại ValleyFair ở Thung lũng Silicon, cửa hàng của tập đoàn nằm ngay bên kia đường, đối diện với Apple Store. “Genius Bar” (bàn hỗ trợ) nổi tiếng của Apple cũng được Microsoft sao chép thành “Answer Desk” – khu vực hỗ trợ và giải đáp thắc mắc cho khách hàng. Cửa hàng của Microsoft cũng ưu tiên tuyển dụng người từng làm tại Apple Store.

Tuy nhiên, công ty phần mềm Mỹ đã thất bại. Cửa hàng của họ không có nhiều sản phẩm để trưng bày. Góc sôi động nhất là khu vực Xbox thì chủ yếu là trẻ em. Nhân viên ở cửa hàng Microsoft không thật sự mang lại cảm giác thoải mái như ở Apple Store.

Mánh khoé của Apple Store khiến bạn phải chi nhiều tiền hơn

Vì sao Apple Store thành công?

Mặc dù doanh số chung của máy tính Windows vượt xa máy tính Mac, người dùng có nhiều kênh bán hàng giảm giá tốt hơn là trong cửa hàng của Microsoft. Trong khi người dùng Apple thường xuyên tìm được các chương trình ưu đãi giá trị tại Apple Store. Bản thân Microsoft cũng không có những sản phẩm bùng nổ như iPod, iPhone để thu hút sự chú ý của khách hàng. Hiếm khi nào người ta thấy hàng dài người xếp hàng trước cửa hàng của Microsoft để mua một chiếc Windows Phone, điều thường thấy mỗi khi iPhone mới được mở bán. Người dùng Apple cũng sẵn sàng chi một khoản phí nhỏ để đặt cọc tại cửa hàng. Họ được tư vấn trước khi mua và dịch vụ hậu mãi tốt.

Microsoft chưa bao giờ công bố doanh thu và hoạt động của các cửa hàng vật lý của mình. Họ khăng khăng rằng đây chỉ là nơi để người dùng trải nghiệm và hiểu hơn về sản phẩm của họ. Dịch bệnh, bạo loạn chỉ là “giọt nước tràn ly” để Microsoft “thẳng tay” khai tử hệ thống cửa hàng của họ.

Theo AFP, Microsoft sẽ chuyển đổi bốn cửa hàng thành Trung tâm Trải nghiệm Microsoft tại tại London, Sydney, New York (Mỹ) và tại trụ sở công ty ở Redmond, Washington.

Khương Nha (theo Sina)

Nguồn bài viết

Bài trướcGiá neo cao, đất nền khu Đông giao dịch ảm đạm
Bài tiếp theoThủ khoa chia sẻ khung giờ học bài hiệu quả | Giáo dục