Ma mãnh rao bán bất động sản
Nhiều chiêu thức ma mãnh bán bất động sản nở rộ như rao bán nhà đất rẻ bất ngờ, rao bán nhà đất một nơi nhưng dẫn khách đến một nơi khác…
Ảnh: Độc Lập
|
Rao bán nhà đất rẻ bất ngờ, rao bán nhà đất một nơi nhưng dẫn khách đến một nơi khác, thậm chí rao bán đất ở TP.HCM nhưng dẫn đến các tỉnh vùng ven… là các chiêu thức ma mãnh bán bất động sản nở rộ thời gian gần đây.
Rao một đằng thực tế một nẻo
Gọi cho số điện thoại rao bán đất trên nhiều báo với nội dung “Tôi cần sang nhanh lô đất 100 m2 trên đường Nguyễn Xí, sổ riêng, chưa qua tay, sau Vincom giá 4,1 tỉ đồng”, người giao sốt sắng dẫn chúng tôi đi xem đất. Tuy nhiên, khi đến đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), người này dẫn chúng tôi đi sâu vào trong hẻm 184 Nguyễn Xí chứ không phải trên đường như thông tin. Hỏi sao lại rao như vậy mất thời gian, người này lấp liếm “em lấy số hẻm cho dễ tìm”.
Bán đất TP.HCM nhưng Công ty cổ phần địa ốc Nam Phong Sài Gòn đưa khách xuống Long An bán đất nền phân lô. Ảnh: Đ.S
|
Lần theo thông tin rao bán đất mặt tiền đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình) gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với giá chỉ 2,3 tỉ đồng, chúng tôi gặp được môi giới tên Nguyễn Tâm. Theo lời giới thiệu của Tâm, lô đất trên có diện tích 60 m2 hiện chủ đất ký gửi cho Công ty TL Real.
Để tránh mất thời gian, chúng tôi hỏi kỹ, vì sao đất mặt tiền đường Bạch Đằng (Q.Tân Bình), ngay sân bay lại bán với giá rẻ như cho vậy thì Tâm nói: “Do chủ đất kẹt tiền nên bán rẻ, nếu anh muốn mua phải lên Công ty TL Real có trụ sở ở số 1 Lê Duẩn, Q.1 để gặp bộ phận pháp lý xem sổ đỏ khu đất. Nếu thấy được mới dẫn đi xem thực tế lô đất vì em không thể cho anh địa chỉ miếng đất để anh tự xem được. Em hẹn anh 2 ngày sau, tức ngày 23.5 vào lúc 8 giờ lên công ty của em”.
Đúng hẹn chúng tôi đến trụ sở Công ty TL Real nhưng khi đến nơi đây là tòa nhà Petro Việt Nam. Gọi vào số máy của Nguyễn Tâm được người này dẫn qua trung tâm tiệc cưới Hoàng Long đối diện ở số 2 Lê Duẩn. Tại đây chúng tôi thấy rất đông nhân viên môi giới bất động sản mặc áo có gắn logo Công ty Long Phát và cũng có khá nhiều khách hàng, đặc biệt đa số là người già. Khi chúng tôi hỏi “có 1 nền mà đông khách hàng như vậy?” thì Tâm nói qua quýt “mỗi nhân viên kinh doanh bán đất ở một hướng khác nhau và hôm nay hẹn khách hàng lên xem pháp lý”.
Thế nhưng chờ rất lâu vẫn không có ai cho xem pháp lý khu đất mà bị nhân viên nơi đây hối lên taxi chở đi xem đất ở… Đồng Nai. Anh Minh Tú, nhà ở đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM), một trong những khách hàng có mặt tại buổi “xem giấy tờ pháp lý”, kể đọc thông tin rao bán miếng đất rộng 60 m2 trên đường Hoàng Văn Thụ sát bên nhà chỉ với giá 2 tỉ đồng nên liên lạc theo số điện thoại và nhân viên môi giới yêu cầu phải lên công ty.
“Tôi cũng tò mò vì giá đất ở đó cả trăm triệu đồng/m2, trong khi môi giới rao bán chỉ 30 triệu đồng/m2 nên sáng thứ bảy tranh thủ lên xem pháp lý. Tuy nhiên khi đến đây họ không cho xem khu đất mà cứ nói chuyện lòng vòng và yêu cầu lên xe đưa đi xem đất. Tôi nghĩ họ chỉ lừa đảo nên không lên xe mà đi về”, anh Tú cho biết.
Tương tự, nhiều nhân viên Công ty cổ phần địa ốc Nam Phong Sài Gòn rao bán đất mặt tiền quốc lộ 50, H.Bình Chánh, TP.HCM nhưng lại “lùa” khách lên xe đưa xuống Long An để bán đất nền phân lô của công ty này. Khi đến đây, chúng tôi chứng kiến dự án mà công ty này giới thiệu là một bãi đất nằm gọn trên những cánh đồng lúa. Chỉ lúc này, khách hàng mới ngã ngửa với các chiêu ma mãnh, mất thời gian.
Đến lừa bán đất “ma”
Không chỉ rao ảo, nhiều công ty môi giới còn lừa bán dự án “ma” cho khách hàng. Ông Vũ Đình Tuyên ở thôn 1 xã Đắc Sin, H.Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đại diện cho nhóm 34 khách hàng tố cáo Công ty cổ phần đầu tư phát triển An Thuận Phát (Công ty An Thuận Phát) do ông Trần Hoàng Linh làm chủ tịch HĐQT, hành vi lừa đảo, bán dự án “ma”.
Ông Tuyên kể năm 2018, ông cùng 34 khách hàng khác có mua đất, góp vốn, giữ chỗ của Công ty An Thuận Phát tại thửa đất số 159, tờ bản đồ số 72 tọa lạc xã Long Phước, H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích 28.217 m2 và dự án Châu Pha Diamond ở Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…
Theo hợp đồng thỏa thuận, 6 tháng sau công ty sẽ giao nền và 12 tháng sau đó sẽ bàn giao sổ hồng. Trong hợp đồng mua bán giữa khách hàng và công ty cũng ghi rõ, sau 12 tháng không ra sổ được cho khách hàng thì Công ty An Thuận Phát cam kết sẽ thu mua lại với mức lợi nhuận 30%/14 tháng.
Thế nhưng đến thời điểm hiện tại khách hàng vẫn chưa nhận được sổ hồng như quy định trong hợp đồng, công ty cũng không mua lại đất như cam kết. Đáng nói, những dự án mà công ty này vẽ ra đến nay vẫn chỉ là những bãi đất hoang.
Đặc biệt, khi bán đất tại dự án thửa đất số 159, tờ bản đồ số 72 (xã Long Phước, H.Long Thành), để tạo lòng tin cho khách hàng, ông Trần Hoàng Linh đã đưa ra một bản hợp đồng công chứng với chủ đất là ông Đào Trọng Nhân vào ngày 11.12.2017 tại Phòng Công chứng Q.12 (TP.HCM).
Tuy nhiên, khi chúng tôi đến Phòng Công chứng Q.12 thì được ông Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng phòng Công chứng Q.12, cho biết hồ sơ công chứng là giả bởi văn phòng công chứng này không có công chứng viên nào như trên hồ sơ, số hồ sơ công chứng cũng không tồn tại trên hệ thống.
“Không có việc giao dịch công chứng giữa ông Trần Hoàng Linh và ông Đào Trọng Nhân. Hồ sơ công chứng là giả mạo, những giấy tờ liên quan tới việc mua bán giữa hai bên đều được làm giả con dấu và chữ ký kể cả giả công chứng viên”, ông Vũ khẳng định.
Khi chúng tôi tìm đến văn phòng Công ty An Thuận Phát ở số 39 Nguyễn Thượng Hiền, P.5, Q.Bình Thạnh, những người dân nơi đây cho biết công ty này đã đóng cửa nhiều tháng nay, không còn bất kỳ một nhân viên nào ở đây làm việc. Liên hệ với ông Trần Hoàng Linh cũng không được.
“Không những vậy, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Hoàng Linh và những người trong công ty nhưng bất thành. Hiện các khách hàng đã tố cáo hành vi lừa đảo của ông Linh đến cơ quan công an tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông Vũ Đình Tuyên phản ánh.
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để làm cơ sở tiếp tục điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm xử lý theo quy định đối với ông Đặng Tiến Trường và các đối tượng liên quan tại Công ty King Home Land.
Nhân viên Công ty Long Phát “lùa” khách hàng lên taxi chở đi Đồng Nai xem đất
|
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, sau khi ông Đặng Tiến Trường, Giám đốc Công ty King Home Land, nhận được ủy quyền của các cá nhân đứng tên các thửa đất tại Q.9, Q.12 (TP.HCM) và H.Long Thành (tỉnh Đồng Nai), ông Trường đã không thực hiện thủ tục phân lô tách thửa tại các cơ quan chức năng mà tự ý vẽ ra các dự án bất động sản phân lô bán nền không có thật với các tên gọi như King Home 1, King Home 2, King Home 4 và King City.
Từ đó Trường chỉ đạo nhân viên của Công ty King Home Land thực hiện việc phát tờ rơi hoặc điện thoại trực tiếp đến khách hàng để tiếp thị, quảng cáo và rao bán các nền đất thuộc dự án không có thật, bằng hình thức ký kết các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 21 tỉ đồng.
Quá thời hạn theo thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Trường không bàn giao nền, sổ đỏ nên khách hàng yêu cầu trả lại tiền. Không những vậy, Đặng Tiến Trường đã bán cùng 1 lô đất cho nhiều cá nhân tại các dự án phân lô bán nền không có thật.
Những vụ rao ảo, bán ảo, lừa đảo… diễn ra khắp mọi nơi nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy, mất tiền kéo theo khiếu kiện về đất đai kéo dài, gây bất ổn xã hội.
Đình Sơn