Lãnh đạo FUNiX chia sẻ kinh nghiệm tự học của sinh viên

Phương pháp giảng dạy trực tuyến của  FUNiX đề cao tinh thần tự học, sinh viên toàn quyền quyết định việc học.

Trong tọa đàm trực tuyến “Phát triển giáo dục trực tuyến tại Việt Nam” vừa diễn ra sáng 10/6, ông Nguyễn Thành Nam – Nhà sáng lập FUNiX, một trong những diễn giả tham gia bàn thảo đã có những nhận định về cách thay đổi tư duy dạy và học, nhằm bắt kịp giáo dục 4.0 tại các quốc gia phát triển.

Khuyến khích tinh thần tự học

Theo ông Nam, chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng không thể đảo ngược. Home schooling (giáo dục tại gia) là mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự kết nối của Internet với giáo dục giúp các em được gần gia đình, chủ động học tập và giao tiếp với xã hội trên không gian mạng, không bắt buộc đến trường mới có thể giao tiếp.

Do đó, không thể đưa mô hình giảng dạy, học tập truyền thống lên không gian mạng, mà cần tận dụng sức mạnh của Internet để tạo mô hình mới, trong đó học sinh cần tự học và duy trì động lực học tập, đại diện FUNiX nhấn mạnh.

Vị này lấy ví dụ, phương pháp giảng dạy trực tuyến của FUNiX đề cao tinh thần tự học, sinh viên toàn quyền quyết định việc học. Trong thời gian giãn cách xã hội, tốc độ học của nhiều sinh viên đã tăng lên đáng kể. Một môn học thông thường cần 6 tuần hoàn thành, nhưng có em học xong chỉ trong 1 tuần. Một số sinh viên học trong 1 tháng đã kết thúc học kỳ dài 6 tháng. “Đại dịch có thể không làm tăng ngay lượng sinh viên học trực tuyến, nhưng đã thay đổi nhận thức về tinh thần tự học”, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Tuy vậy, nhiều ý kiến phản biện rằng, học sinh khó duy trì động lực học tập khi học một mình, không có thầy cô theo sát, kèm cặp như trên lớp. “Việc duy trì động lực cho các em luôn là thách thức của giáo dục truyền thống, chứ không riêng học trực tuyến”, ông Nam nhận định.

Theo đại diện FUNiX, hoạt động duy trì tinh thần tự học trên mạng còn có nhiều lợi thế hơn. Tại FUNiX, đưa các mentor là đội ngũ chuyên gia trong ngành, cùng “tổng đài tư vấn” Hannah thường xuyên trò chuyện, giải đáp thắc mắc, khó khăn, nắm tiến độ học của từng sinh viên. “Tương tác 24/7 tiếp sức cho các em nhiều hơn. Với cách học truyền thống, không thầy cô nào có thể hỗ trợ toàn thời gian cho học sinh như vậy”, ông Nguyễn Thành Nam lý giải.

Ông Nguyễn Thành Nam - Nhà sáng lập FUNiX, một diễn giả trong tọa đàm trực tuyến hôm 10/6.

Ông Nguyễn Thành Nam – Nhà sáng lập FUNiX, một diễn giả trong tọa đàm trực tuyến hôm 10/6.

Dạy học sinh cách tự học

Bên cạnh ý thức tự giác học tập của học sinh và sinh viên, đại diện FUNiX đánh giá, các giáo viên đóng vai trò hỗ trợ các em duy trì động lực. “Kỹ năng tự học là quan trọng nhất, nhưng chưa ai bắt tay vào việc dạy cách tự học. Nếu thầy cô không dạy các em tự học, thì là thất bại của giáo dục”.

Ông Nam chia sẻ câu chuyện tại FUNiX, phương pháp học tập online khuyến khích sinh viên đưa ra câu hỏi và phản biện. Song song, các thầy cô quan tâm đến việc “dỗ”, tạo điều kiện, động lực cho học viên. “Bản chất của giáo dục nằm trong 2 chữ học hỏi và dạy dỗ. Các em biết hỏi, tức đã biết học và hiểu bài. Giáo viên dỗ tốt thì sinh viên sẽ tự học”.

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cần quan sát lăng kính của học sinh, tìm ra cách truyền thụ sáng tạo, nhất là với các kỹ năng xã hội. Ví dụ, trang bị kỹ năng đối phó với lừa đảo trên mạng, bị hacker tấn công… “Thách thức đặt ra là đào tạo những năng lực các em cần, hơn là áp đặt từ phía người dạy. Nên trang bị sớm cho trẻ từ cấp I. Dù chúng ta vẫn đánh giá các em nhỏ tuổi, nhưng thực tế trẻ không hề gặp khó khăn khi giao tiếp với công nghệ”, vị này nhấn mạnh.

FUNiX đề xuất, cần mở lớp sư phạm online giúp giáo viên định hướng phương pháp dạy học trực tuyến một cách chuyên nghiệp trong tương lai. Hiện đa phần thầy cô tự mày mò tạo giáo trình trực tuyến. Trong khi vai trò của nhà trường, thầy cô sẽ thay đổi trong 10-15 năm tới, đòi hỏi những người thầy tìm phương pháp giảng dạy phù hợp xu thế 4.0.

Minh Chi

Nguồn bài viết

Bài trướcCơ hội cho bất động sản Việt Nam từ các hiệp định thương mại
Bài tiếp theoNóng 40 độ, xếp hàng nửa ngày chờ ăn lẩu