Nếu như quý I, thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài chính phải trích lập dự phòng lớn, thì sự phục hồi của thị trường trong quý II đang mang lại cơ hội hoàn nhập dự phòng không nhỏ.
ảnh minh họa
Trong quý I/2020, chỉ số VN-Index giảm 31%, từ 961 điểm xuống 662,5 điểm. Sang quý II, chỉ số bắt đầu phục hồi, đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/6 ở mức 855,3 điểm, tăng 29,1%.
Chỉ còn 8 phiên giao dịch nữa là đến cuối quý II/2020, nếu thị trường chứng khoán không sụt giảm trở lại thì nhiều doanh nghiệp có danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn vào cổ phiếu sẽ được hoàn nhập dự phòng.
VRG đầu tư vào CSM, TRC, GVR
Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) chuyên đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, khu dân cư với cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng và ổn định nhờ vào việc khách hàng thuê khu công nghiệp trả tiền trước và chưa ghi nhận.
Tính tới 31/3/2020, SIP có 5.073,1 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn, chiếm 38,6% tổng nguồn vốn, người mua trả tiền trước là 3.267,4 tỷ đồng, chiếm 24,9% tổng nguồn vốn.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, doanh thu chưa thực hiện thể hiện phần tiền thuê đất nhận trước tại ngày lập báo cáo đã bàn giao đất suốt thời hạn thuê tại các khu công nghiệp và sẽ được ghi nhận doanh thu trong tương lai theo phương pháp phân bổ tiền thuê trong thời hạn cho thuê.
Trong khi đó, người mua trả trước là khách hàng mua dự án khu công nghiệp của doanh nghiệp.
Ngoài mảng khu công nghiệp, SIP có đầu tư tài chính ngắn hạn – chứng khoán trên sàn. Tính tới 31/3/2020, doanh nghiệp sở hữu 683,3 tỷ đồng khoản đầu tư chứng khoán và trích lập 138,3 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán.
Doanh nghiệp có thuyết minh cụ thể đã đầu tư vào Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) với giá trị gốc là 139,8 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 130,5 tỷ đồng và trích lập 9,4 tỷ đồng; đầu tư vào Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) với giá gốc là 94 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 65,3 tỷ đồng và đã trích lập 28,7 tỷ đồng;
Đầu tư vào Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với giá trị gốc là 346,1 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 263,7 tỷ đồng và trích lập 82,4 tỷ đồng; đầu tư vào chứng khoán khác với tổng giá trị 103,4 tỷ đồng, trích lập 17,9 tỷ đồng.
Như vậy, tổng trích lập dự phòng tới 31/3/2020 là 138,3 tỷ đồng đối với danh mục đầu tư chứng khoán ngắn hạn.
Từ đầu tháng 4 đến ngày 18/6, giá cổ phiếu GVR tăng 46,8%, giá cổ phiếu CSM tăng 8,3%, giá cổ phiếu TRC tăng 28,5%.
Như vậy, danh mục đầu tư chứng khoán của SIP đã có sự cải thiện đáng kể về giá, nếu như thị trường chứng khoán không sụt giảm trong những phiên giao dịch cuối cùng của quý II, nhà đầu tư có thể kỳ vọng về khoản hoàn nhập dự phòng với danh mục đầu tư chứng khoán. Được biết, lợi nhuận quý I/2020 của SIP chỉ đạt 47,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 146,4 tỷ đồng.
DHA đầu tư vào C32, TTC
Công ty cổ phần Hoá An (DHA) hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và chế biến khoáng sản. Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, tính tới 31/3/2020, DHA có các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn là 110,5 tỷ đồng, đã trích lập 17,8 tỷ đồng.
Trong đó, hai khoản đầu tư lớn là cổ phiếu C32 của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2, với giá trị 51 tỷ đồng; cổ phiếu TTC của Công ty cổ phần Gạnh men Thanh Thanh, với giá trị 6 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu C32 kể từ đầu quý II/2020 tới nay đã tăng 16,8%, một mức tăng thấp hơn thị trường chung, nhưng giúp giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng lên đáng kể. Được biết, quý I/2020, DHA ghi nhận 16,4 tỷ đồng lợi nhuận, quý II/2019 ghi nhận 17,9 tỷ đồng lợi nhuận.
NDN đầu tư vào GAS, PNJ, GVR, HUB
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Đà Nẵng, doanh nghiệp chủ yếu thực hiện chiến lược phát triển mỗi giai đoạn một dự án, chính vì vậy thường ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh thời điểm bàn giao dự án cho nhà đầu tư.
Tính tới 31/3/2020, NDN có 1.385,3 tỷ đồng người mua trả tiền trước, chiếm 63,6% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, chủ yếu là dự án Khu phức hợp Monarchy Block B.
Doanh nghiệp dự kiến bàn giao và ghi nhận lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, kỳ vọng hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể “bùng nổ” trong quý II này.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, NDN có hoạt động đầu tư tài chính, tổng giá trị đầu tư tính đến cuối quý I/2020 là 94,3 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 82,6 tỷ đồng và tổng dự phòng là 14,7 tỷ đồng.
Trong danh sách đầu tư tài chính này, khoản đầu tư vào Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) có giá trị hợp lý là 24,6 tỷ đồng, tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 46,5 tỷ đồng, tại GVR là 7,8 tỷ đồng, tại Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế (HUB) là 2,3 tỷ đồng…
Theo diễn biến giá chứng khoán, cổ phiếu GAS từ đầu quý II đến nay tăng 31,7%, cổ phiếu PNJ tăng 26,8%, cổ phiếu HUB tăng 7,2%, cổ phiếu GVR tăng 46,8%. Như vậy, danh mục đầu tư tài chính của NDN được kỳ vọng sẽ tăng giá trị và được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý II/2020.
SAM đầu tư vào DVN, DNP, ALP, VAF
Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM) tính tới 31/3/2020 sở hữu 342,2 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, trong đó phải trích lập 148,9 tỷ đồng giảm giá chứng khoán.
Trong danh mục đầu tư chứng khoán, SAM đầu tư vào Tổng công ty Dược Việt Nam – công ty cổ phần (DVN) với giá trị là 283,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) với giá trị 49,4 tỷ đồng và một vài khoản đầu tư vào các công ty khác như Công ty cổ phần Alphanam (ALP), Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển (VAF).
Diễn biến giá các cổ phiếu này trong quý II nhìn chung đều tăng, cổ phiếu DVN tăng 13,8%, cổ phiếu VAF tăng 70,1%, nhưng cổ phiếu DNP giảm 7,3%.
Được biết, lợi nhuận quý I/2020 của SAM là 2,1 tỷ đồng, quý II/2019 là 3,9 tỷ đồng. Với triển vọng được hoàn nhập dự phòng từ cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục là DVN, kỳ vọng báo cáo tài chính quý II/2020 của doanh nghiệp sẽ sáng hơn, nếu các hoạt động kinh doanh khác ổn định.
FIT, EVE, REE…
Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (FIT) tính tới 31/3/2020 sở hữu danh mục chứng khoán kinh doanh trị giá 249,1 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán 27 tỷ đồng.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính của FIT, doanh nghiệp cho biết, giá trị cổ phiếu được niêm yết hợp lý là 30,8 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 15,2 tỷ đồng; giá trị cổ phiếu chưa niêm yết là 172,6 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu giao dịch trên UPCoM là 18,4 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 25,3 tỷ đồng.
Được biết, quý I/2020, FIT ghi nhận lợi nhuận là 1,6 tỷ đồng, trong khi quý II/2019 ghi nhận lợi nhuận 11,4 tỷ đồng. giả định hoạt động kinh doanh ổn định, danh mục đầu tư chứng khoán có sự hồi phục theo thị trường chung, có thể kỳ vọng FIT được hoàn nhập dự phòng trong quý II/2020.
Nhiều doanh nghiệp khác có hoạt động đầu tư chứng khoán ghi nhận vào khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn như Công ty cổ phần Everpia (EVE) có tổng giá trị đầu tư chứng khoán 21,6 tỷ đồng, REE là 29,5 tỷ đồng…
Mặc dù giá trị không quá lớn so với quy mô tổng tài sản, nhưng doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ xu hướng giá chứng khoán hồi phục.
Có thể thấy, chứng khoán “tạo sóng” sẽ tạo ra những báo cáo thay đổi mạnh đối với các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư trên sàn.
Nếu như thị trường chứng khoán tăng điểm, thuận lợi, giá chứng khoán tăng thì doanh nghiệp sẽ ghi nhận lợi nhuận từ khoản đầu tư; ngược lại, thị trường không thuận lợi sẽ phải trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư và làm lợi nhuận giảm xuống.
Bên cạnh nhóm sản xuất có hoạt động kinh doanh chứng khoán, nhóm công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh cao, với danh mục cổ phiếu thị trường như Công ty Chứng khoán SSI (SSI), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI), Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) dự kiến có kết quả tự doanh quý II sáng hơn nhiều so với quý I.
Lưu ý, doanh nghiệp có thể ghi nhận báo cáo kết quả kinh doanh quý II tốt hơn nhờ vào việc giá chứng khoán tăng mạnh, nhưng đây là lợi nhuận mang tính đột biến, không thường xuyên, thậm chí lợi nhuận trong kỳ có thể gặp thách thức nếu như thị trường chứng khoán quay đầu giảm điểm trong những phiên cuối quý.