Ấn Độ mua mọi thứ của Trung Quốc, từ máy móc đến dược phẩm, trong khi Trung Quốc cần Ấn Độ để thống trị thị trường công nghệ toàn cầu.
Trung Quốc và Ấn Độ đang mắc kẹt trong căng thẳng quân sự và ngoại giao sau vụ ẩu đả hôm 15/6 tại thung lũng Galwan, khu vực tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu căng thẳng lan sang kinh tế, thiệt hại cũng sẽ rất lớn, do mối quan hệ thương mại khổng lồ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Ấn Độ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Suốt thập kỷ qua, Ấn Độ và Trung Quốc cũng hỗ trợ nhau trong quá trình trở thành cường quốc công nghệ mới. Các đại gia công nghệ Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD vào startup Ấn Độ. Smartphone Trung Quốc thì thống trị thị trường này. Người dân Ấn Độ cũng đổ xô sử dụng các ứng dụng từ nước láng giềng, như TikTok.
Hiện tại, căng thẳng đang đe dọa mối quan hệ này. Sự giận dữ ngày càng tăng tại Ấn Độ đã làm dấy lên lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm và dịch vụ Trung Quốc. Trong khi đó, các quy định mới về vốn đầu tư nước ngoài có thể hạn chế khả năng Trung Quốc kiếm tiền từ sự bùng nổ Internet tại Ấn Độ.
Theo một báo cáo của hãng tư vấn chính sách Ấn Độ Gateway House, Trung Quốc đã tạo được vị thế lớn trong ngành công nghệ Ấn Độ suốt 5 năm qua. Trung Quốc tham gia thị trường này bằng hàng loạt smartphone giá rẻ từ các thương hiệu như Xiaomi hay Oppo, đồng thời đổ tiền vào các startup nước này.
Gateway House ước tính nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các startup Ấn Độ kể từ năm 2015. Alibaba đã đầu tư vào hãng thương mại điện tử Snapdeal, ví điện tử Paytm và nền tảng giao đồ ăn Zomato. Còn Tencent đổi tiền vào ứng dụng nhắn tin Hike và gọi xe Ola. Gateway House nhận thấy hơn nửa trong 30 kỳ lân Ấn Độ (các công ty tư nhân được định giá tỷ USD) có nhà đầu tư Trung Quốc.
Huawei Technologies cũng đang chạy đua giúp xây dựng mạng 5G tại Ấn Độ, bất chấp chiến dịch tấn công của chính phủ Mỹ. “Trung Quốc hy vọng trở thành người chơi thống trị tại thị trường Internet này”, Amit Bhandari – đồng tác giả báo cáo của Gateway House cho biết.
Sukanti Ghosh – Giám đốc mảng Nam Á tại hãng tư vấn Albright Stonebridge Group cho biết Ấn Độ cũng là chìa khóa với mục tiêu thống trị thị trường công nghệ toàn cầu của Trung Quốc. “Cả hai quốc gia đều hưởng lợi lớn từ mối quan hệ này”, ông nói, “Nó phù hợp với chiến lược thống trị châu Á và tăng cường cạnh tranh với Mỹ của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, đầu năm nay, Ấn Độ đã ra tín hiệu sẽ kiềm chế tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc. Hồi tháng 4, chính phủ nước này thông báo FDI từ các nước có biên giới chung với Ấn Độ sẽ được kiểm soát chặt hơn.
Giới phân tích cho rằng các quy định này khá mơ hồ. Bhandari cho biết đầu tư vào các nền tảng mạng xã hội có thể sẽ bị kiểm soát chặt hơn, do liên quan đến vấn đề lưu trữ dữ liệu và quyền riêng tư. Chính phủ Ấn Độ cho biết các quy định này sẽ ngăn làn sóng thâu tóm công ty Ấn Độ chịu tác động bởi đại dịch.
Dù vậy, chúng cũng có thể nhằm vào Trung Quốc. Pakistan – đối thủ của Ấn Độ – rõ ràng không đầu tư nhiều vào nước này. Các quốc gia khác có chung biên giới với Ấn Độ thì khá nhỏ và không nổi tiếng với các khoản đầu tư lớn. “Việc này nhằm vào Trung Quốc, nhưng không trực tiếp”, Bhandari nhận định.
Ông cho rằng việc thắt chặt quy định FDI là thông điệp gửi đến các công ty Trung Quốc rằng họ vẫn có thể xuất khẩu phần mềm và phần cứng sang Ấn Độ, nhưng sẽ không thể thống trị hệ sinh thái Internet tại đây.
Trong một bài báo đầu tháng này, Global Times (Trung Quốc) cũng chỉ trích việc Ấn Độ siết quy định FDI. Họ cũng không hài lòng với việc hàng triệu người Ấn Độ tải về ứng dụng được quảng cáo là giúp gỡ bỏ các phần mềm xuất xứ Trung Quốc trong điện thoại.
Các công ty Trung Quốc thì đang tìm cách hiện diện lâu dài tại Ấn Độ. Theo một báo cáo hồi tháng 3 của Brookings India, đầu tư vào các công ty Ấn Độ giúp họ có lợi thế tại thị trường này. “Tôi không nghĩ nhiều người hiểu được sẽ khó khăn thế nào nếu Ấn Độ muốn giảm phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc”, Ananth Krishnan – tác giả của báo cáo cho biết.
Ấn Độ phụ thuộc mọi thứ vào Trung Quốc, “từ máy móc nặng, các loại thiết bị viễn thông, điện đến nguyên liệu dược phẩm”, Krishnan nói. Trong báo cáo của Brookings, ông ước tính tổng đầu tư hiện tại và dự kiến từ Trung Quốc vào Ấn Độ ít nhất là 26 tỷ USD.
Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 87 tỷ USD tài khóa 2018-2019. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhì của Ấn Độ năm đó, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ vượt xa chiều ngược lại. “Tẩy chay không thể giải quyết được vấn đề phụ thuộc này”, Krishnan nói.
Ông cho rằng việc siết quy định FDI không nhằm ngăn đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ. Thay vào đó, nó sẽ “chuyển hướng đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực có lợi hơn với Ấn Độ, vào các cơ sở sản xuất và tạo ra việc làm”.
Dù vậy, các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà máy và tạo ra việc làm tại đây. Việc Ấn Độ trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất cho các hãng smartphone Trung Quốc chính là một trong những bước phát triển ấn tượng trong quan hệ hai nước 5 năm qua.
Năm ngoái, 4 trong 5 thương hiệu smartphone bán chạy nhất Ấn Độ là từ Trung Quốc: Xiaomi, Vivo, Oppo và Realme, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC. Samsung là cái tên duy nhất không thuộc Trung Quốc.
Doanh số tại Ấn Độ của các hãng smartphone Trung Quốc đạt tổng cộng hơn 16 tỷ USD năm ngoái, theo IDC. Tất cả các hãng này đều có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ. Việc này cho phép các công ty Trung Quốc vừa tuân thủ chương trình “Make in India” của Thủ tướng Narenda Modi, vừa tránh được thuế nhập khẩu cao. 95% điện thoại Xiaomi bán tại Ấn Độ là sản xuất tại đây.
“Nếu các hãng này bị giảm doanh số, các nhà máy của họ tại Ấn Độ cũng chịu tác động”, từ đó ảnh hưởng lên người lao động Ấn Độ, Kiranjeet Kaur – nhà phân tích tại IDC cho biết.
Bà cho rằng các chiến dịch thúc giục người Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc đã diễn ra nhiều lần trước đó. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa ảnh hưởng đến doanh thu của các hãng smartphone Trung Quốc tại đây.
Vì thế, kể cả khi nhiều người Ấn Độ nói rằng sẽ chặn đứng dòng chảy phần cứng và phần mềm của Trung Quốc, Kaur nói “không nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi quyết định mua sắm của họ. Họ quá phụ thuộc vào hệ sinh thái điện thoại Trung Quốc. Gần như không có lựa chọn nào khác”.
Hà Thu (theo CNN)