Kinh tế Hong Kong có dấu hiệu hồi sinh

Khi đi qua khu Lan Quế Phường (Hong Kong) dịp cuối tuần, người ta có thể bắt gặp cảnh tượng hiếm hoi năm nay – một nhà hàng đông đúc.

Crown Super Deluxe – nhà hàng đồ nướng Nhật Bản gần như không còn chỗ trống sau khi giới chức Hong Kong nới lỏng lệnh giãn cách xã hội. “Một mặt, chúng tôi không có khách du lịch đến Hong Kong. Nhưng mặt khác, người Hong Kong cũng chẳng đi đâu được”, Christopher Mark – nhà sáng lập Black Sheep Restaurants – công ty điều hành nhà hàng này cho biết. Khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và số ca nhiễm ở Hong Kong được kiểm soát, Mark cho biết anh “lạc quan hơn một chút”.

Nhu cầu dồn nén của người Hong Kong được bung ra sau giãn cách có thể kéo doanh số bán lẻ tăng nhẹ trong tháng 5 và 6. Các khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm sẽ thu hút người dân thành phố này. Tuy nhiên, người ta lo ngại ngành du lịch vốn đang thiệt hại trầm trọng của Hong Kong sẽ không thể quay về mức tiền đại dịch. Những người khác thì băn khoăn đà tăng này có thể kéo dài bao lâu khi tỷ lệ thất nghiệp tăng và lao động nước ngoài rời đi.

Các banner quảng cáo du lịch được chăng khắp Hong Kong. Ảnh: Bloomberg

Các banner quảng cáo du lịch được chăng khắp Hong Kong. Ảnh: Bloomberg

Doanh số bán lẻ tại Hong Kong đã đi xuống 3 tháng liên tục với mức giảm hơn 35%. Số lượt du khách giảm 99% trong cả tháng 4 và 5 do các lệnh phong tỏa ngặt nghèo. GDP Hong Kong đã giảm 8,9% quý I so với cùng kỳ năm ngoái – tệ nhất lịch sử.

Một rào cản lớn khác với nền kinh tế là hàng triệu du khách Trung Quốc từng tới đây mỗi tháng sẽ không quay lại Hong Kong, dù đại dịch kết thúc. Làn sóng phản đối Trung Quốc tại đây vẫn đang cao do Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia tháng trước.

“Ngành du lịch và lưu trú chỉ bật lại khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Hong Kong mà còn ở nhiều thành phố lớn khác trên toàn cầu”, Iris Pang – chuyên gia kinh tế khu vực Trung Quốc tại ING Bank nhận xét.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp nhỏ lạc quan hơn về triển vọng trong ngắn hạn. Theo Cơ quan Thống kê Hong Kong, chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh tháng 5 với các hãng bán lẻ và nhà hàng nhỏ tại đây đã vượt mốc 50 lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Người dân Hong Kong cũng đang quay lại các trung tâm thương mại, Ada Wong – CEO hãng bất động sản Champion REIT cho biết. “Chúng tôi nhận thấy tâm lý trên thị trường bán lẻ rất tốt, đặc biệt sau khi nới lỏng lệnh giãn cách xã hội”, Wong cho biết trên Bloomberg. Lưu lượng khách tại trung tâm thương mại Langham Place tại Mong Kok gần như đã quay về bình thường, không tính khách du lịch.

Dù vậy, nhiều hãng bán lẻ – đặc biệt là các hãng ở phân khúc hàng xa xỉ – vẫn lo lắng đà tăng này có thể biến mất. Bluebell Group – hãng phân phối hàng xa xỉ lớn nhất châu Á, nhận thấy việc kinh doanh tại Hong Kong đang hồi phục. Tuy nhiên, doanh số bán hàng xa xỉ của công ty này trong tháng 5 và 6 vẫn thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, mức giảm này đã thu hẹp so với 70% vài tháng trước.

“Chúng tôi lo ngại những gì diễn ra trong tháng 5 và 6 có thể không kéo dài”, Giám đốc Samy Redjeb cho biết, “Nó có thể chỉ diễn ra 1 lần thôi, vì người tiêu dùng muốn tận dụng khuyến mãi, giảm giá và sau này sẽ không đi mua sắm mỗi tháng đâu”.

Ông cho rằng hè này sẽ là thời điểm mấu chốt với các hãng bán lẻ, khi họ phải quyết định có nên duy trì các cửa hàng tại đây. Ông cho rằng nếu quy định kiểm soát biên giới không được nới lỏng, tiêu thụ tại Hong Kong chậm lại sau thời kỳ khuyến mãi và tiền thuê về lại như cũ, nhiều hãng bán lẻ sẽ cân nhắc lại sự hiện diện trong tháng 8, “cũng như chúng tôi vậy”.

Trong lĩnh vực lưu trú, số liệu của Google cho thấy xu hướng tìm kiếm “staycation” (kỳ nghỉ tại gia, trong nước) gần đây tăng vọt. Các khách sạn đang nắm bắt nhu cầu này. Một khách sạn Hyatt ở điểm du lịch Tsim Sha Tsui đang quảng cáo gói staycation mùa hè. Một phòng cao cấp với giường lớn cho đêm thứ sáu có giá 1.380 đôla Hong Kong, đã bao gồm bữa sáng cho hai người và một phiếu ăn 1.000 đôla Hong Kong.

“Khi lượng khách du lịch gần như bằng 0, các khách sạn đang cố thu hút khách nội địa bằng các khuyến mại chỗ ở kèm bữa ăn”, Yiu Si-wing – một lãnh đạo đại diện cho ngành du lịch tại đây cho biết, “Các khách sạn không thể tính giá cao hơn được. Nếu không giảm giá, mọi người sẽ không đến”.

Lãnh đạo tài chính Hong Kong Paul Chan cũng đã thúc giục các doanh nghiệp giảm giá để người dân tận dụng được 10.000 đôla Hong Kong được phân phát.

Việc chuyển hưởng tập trung sang nhu cầu nội địa có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hàng xa xỉ của thành phố này, trong bối cảnh các thương hiệu lớn chuẩn bị giảm quy mô.

Một sự kiện gần đây của OnTheList – công ty chuyên làm việc với các thương hiệu xa xỉ nhằm bán bớt hàng tồn kho – đã chật kín khách hàng. Đồng sáng lập Diego Dultzin cho biết kể từ cuối tháng 5, lượng khách của họ đã về mức 75% bình thường. Con số này tăng đáng kể so với chỉ 16% cách đây vài tháng.

“Tất cả các thương hiệu chúng tôi hợp tác đều đang cân nhắc giảm hiện diện tại Hong Kong. Dĩ nhiên, thị trường này sẽ ngày càng nhỏ hơn”, Dultzin nói, “Chúng tôi biết Hong Kong cũng có điểm giới hạn mà”.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Nguồn bài viết

Bài trướcOffice 365 ra mắt tính năng Safe Documents | Công nghệ
Bài tiếp theoNam sinh trường quốc tế bị cô giáo đánh