Kinh nghiệm làm bài thi từ học sinh giỏi: Dành thời gian ‘ngắm’ đề trước khi làm | Giáo dục

Dành 5-7 phút để đọc đề thi

Là một trong những thí sinh đạt giải nhất môn văn trong kỳ thi học sinh giỏi TP.HCM nhưng Nguyễn Hoàng Kim Ngân, học sinh Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết em không hề đi học thêm, thay vào đó dành thời gian học tự học và tìm hiểu thêm những cách làm bài hay trên mạng.

Trước khi thi, Kim Ngân tham khảo thêm đề và đáp án của kỳ thi trước. Trong quá trình tự học, gặp phải những vấn đề không hiểu Ngân sẽ hỏi thêm giáo viên. “Việc tự học sẽ giúp mình tự chủ thời gian, tìm hiểu sâu những vấn đề mình có hứng thú. Những lúc nhìn đề mà không hiểu, căng thẳng quá thường em sẽ ra ngoài hóng gió và tạm để đề thi đó lại. Một vài ngày sau, khi nảy ra ý tưởng mới em mới tiếp tục làm”, Ngân chia sẻ.
Còn khi vào phòng thi, trong khi nhiều bạn vào là tận dụng thời gian để làm bài liền thì ngược lại, Ngân dành 5-7 phút để… “ngắm” đề thi. Sau đó, nữ sinh cho biết sẽ làm dàn ý cơ bản rồi mới bắt đầu làm bài. Vì đã đọc toàn bộ đề thi trước, nên trong quá trình làm bài 1, nếu có ý tưởng gì cho bài 2 thì viết ngay ra giấy nháp. Theo Ngân, việc “ngắm” đề trước sẽ giúp thí sinh định hình được toàn bộ đề thi, phân bổ thời gian hợp lý và không bị sót ý khi làm bài.
Ngoài ra, với môn văn, theo Ngân ngoài kiến thức trong sách vở thì học sinh cần trang bị thêm kiến thức xã hội bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin thời sự, những vấn đề xã hội vì đây có thể là những vấn đề được đưa vào đề thi.

Không chỉ với môn văn, những môn còn lại như toán, Anh văn, Ngân cũng đều tự học ở nhà. “Môn toán thì em may mắn là có anh trai dạy toán nên được kèm cặp thêm, gặp những bài khó em cũng có ngay người để hỏi. Còn môn Anh văn thì do em học từ nhỏ nên cũng cảm thấy khá ổn”, Ngân nói thêm.


Kinh nghiệm làm bài thi từ học sinh giỏi: Dành thời gian ‘ngắm’ đề trước khi làm - ảnh 1

Đội tuyển thi học sinh giỏi môn văn của Trường THCS Nguyễn An Khương

Không để bị trừ điểm vì những lỗi nhỏ

Cũng nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi thành phố và đạt giải nhì môn toán lớp 9, Đỗ Lê Đức Trí cho rằng để đậu vào trường THPT mình mong muốn thì nên có thế mạnh ở một môn học nào đó.

Đặc thù của bộ môn toán là không thể học thuộc bài nên phải biết cách vận dụng kiến thức bộ môn để giải bài tập. “Em thường dành thời gian luyện bài tập, viết cho quen tay và câu nào lấy điểm được thì nhất định không để bị trừ điểm vì những lỗi nhỏ. Còn với phần hình học, đây là phần kiến thức rất khó nhằn, trước hết về các tính chất thì nhiều vô kể, vì vậy càng phải nắm chắc lý thuyết. Lưu ý thêm là khi vẽ hình, đặc biệt là câu khó nên vẽ hình lớn để dễ quan sát hơn”, Đức Trí chia sẻ.

Và cuối cùng là phần toán thực tế, theo Trí đây là phần rất dễ lấy điểm mà cũng rất dễ mất điểm ở phần điều kiện bài toán và cách lập hệ phương trình, các năm gần đây đề thi hướng đến thực tế chứ không còn thuần túy như trước. Vì vậy thí sinh nên chú trọng phần này khi ôn tập.

Về cách học, Trí cũng cho biết dành khá nhiều thời gian để tự học, giải đề. Để chuẩn bị cho kỳ thi lên lớp 10 sắp tới, Trí sẽ học nhóm với các bạn thi chuyên trong lớp để trau dồi thêm kiến thức. Năm nay Trí đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu và nguyện vọng chuyên vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Chuyển mạng xã hội đang sử dụng sang tiếng Anh

Nguyễn Nhật Minh, học sinh lớp Trường THCS Ngô Tất Tố (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết cách học của mình hơi khác thường với mọi người. Nhật Minh đạt giải nhất môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố vừa rồi.

Khi học tiếng Anh, theo Minh không nên học thuộc lòng như chép từ vựng, thay vào đó nên đọc những câu có sử dụng từ ngữ mình muốn biết và cố gắng hiểu bối cảnh của câu. Khi học tiếng Anh nên bình tĩnh và thoải mái, không nên ép bản thân quá sẽ dễ gây căng thẳng.

Cách học của Minh là nghe đi nghe lại cách những người bản địa nói chuyện với nhau qua phim ảnh, sách điện tử… Thấy câu nào hay thì Minh ghi nhớ lại, câu nào không hiểu cậu tìm hiểu thêm. “Đặc biệt, nếu có cơ hội để giao tiếp với người nước ngoài thì mình nên nắm bắt ngay. Khi đang học tiếng Anh thì em nghĩ cũng nên suy nghĩ bằng tiếng Anh, em thấy đó là cách tốt nhất để học mà không bị quên”, Minh nói.

Về cách làm bài thi, Minh cho biết bản thân hay làm theo quán tính, em sẽ suy nghĩ trong đầu câu đang làm bằng tiếng Anh rồi thấy đáp án nào phù hợp nhất thì chọn. “Em thấy không nên tập trung suy nghĩ một câu nhiều quá vì lúc đó có thể bị rối, đôi khi phải tin tưởng vào cảm tính của mình”, Minh nói thêm.

Tương tự, Huỳnh Thanh Nhã, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM) cũng cho biết đạt kết quả cao trong kỳ thi là nhờ bản thân có hứng thú với ngoại ngữ từ nhỏ. Trong kỳ thi vừa rồi Thanh Nhã cũng đạt giải nhất môn tiếng Anh.

“Về kinh nghiệm học thì em chuyển các mạng xã hội đang sử dụng sang tiếng Anh, tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu như video, vlog và bài viết bằng tiếng Anh. Riêng lúc ôn thi cho kỳ thi học sinh giỏi thì bọn em có làm thêm các bài nâng cao…”, Thanh Nhã nói.




Nguồn bài viết

Bài trướcViệt Nam trao công hàm phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA
Bài tiếp theoPhú Quốc có thêm chợ đêm mới | Tài chính – Kinh doanh