Kiến thức cần lưu ý khi học môn Hoá 10

Thầy Phạm Đình Thắng, giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đưa ra một số gợi ý để học tốt môn Hoá 10.

Thầy Phạm Đình Thắng, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Thầy Phạm Đình Thắng, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Các phần kiến thức mới và khó của môn Hoá 10

Bước vào cấp ba, nội dung kiến thức và chương trình học của môn Hóa nặng hơn so với cấp hai và sẽ phục vụ cho việc thi đại học. Vì vậy, học sinh nên chủ động và chuẩn bị sớm.

Muốn học tốt môn Hóa 10, trước hết các em cần ôn tập lại những kiến thức cơ bản của Hóa 8 và 9. Ngay từ chương đầu tiên của Hóa 10, các em sẽ tìm hiểu về cấu tạo nguyên tử, cấu tạo vỏ nguyên tử, hạt nhân nguyên tử, các loại hạt trong nguyên tử và mối quan hệ của chúng với nhau, cùng nhiều dạng bài tập có độ khó khác nhau. Có những khái niệm, công thức các em chưa từng được gặp ở cấp hai.

Tiếp đến, học sinh sẽ được tìm hiểu về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, tìm hiểu kiến thức mới như cấu hình electron, mức năng lượng… Ở các chương sau, học sinh sẽ học về liên kết hóa học, các phản ứng hóa học, cách cân bằng phản ứng oxi hóa khử, các nguyên tố nhóm VIIA (halogen), và tốc độ phản ứng, cân bằng hóa học. Tương ứng với mỗi phần kiến thức khác nhau sẽ là các dạng bài tập khác nhau.

Khi học môn Hóa 10, có nhiều phần, mảng kiến thức mới mà học sinh sẽ bỡ ngỡ và lúng túng, bao gồm cả lý thuyết và các dạng bài tập vận dụng. Các chủ điểm quan trọng và tạm coi là khó nhằn các em cần quan tâm lưu ý: Cách viết cấu hình electron, đồng vị; các dạng bài toán tính toán các loại hạt p, n, e; sự biến đổi tuần hoàn tính chất của các nguyên tố trong bảng tuần hoàn; các phương pháp cân bằng phản ứng oxi hóa khử; các dạng bài tập về nhóm halogen và nhóm Oxi – lưu huỳnh.

Đối với những kiến thức mới này, học sinh nên dành thời gian đọc kỹ về nó, nếu chưa hiểu thì tìm hiểu thêm các tài liệu liên quan, đừng chỉ giới hạn trên sách vở. Bên cạnh đó, học sinh cần tập cho mình thói quen tìm kiếm thông tin, liên tục đặt các câu hỏi “vì sao?” và cố gắng trả lời các câu hỏi đó. Nếu kiến thức mà học sinh đang có không đủ để giải đáp câu hỏi, các em có thể tìm kiếm trên internet hoặc hỏi thầy cô, bạn bè, người thân…

Bí quyết để “học đâu chắc đó”

Để có thể hiểu và giải quyết tốt các chủ điểm kiến thức mới đã liệt kê ở trên, thầy Thắng đưa ra một số lời khuyên về phương pháp học môn Hoá hiệu quả. Đầu tiên, học sinh nên học trước chương trình trên lớp. Trước khi bắt tay vào bài mới, học sinh cần hệ thống hóa lại kiến thức cũ. Sau đó, học sinh nên học sớm bằng cách đọc trước kiến thức mới trong sách giáo khoa, lên mạng tìm kiếm tài liệu liên quan đến từng chủ điểm, đăng ký một khóa học thêm…

Trong quá trình học, học sinh cần chú trọng học bản chất, tránh học vẹt. Đặc biệt, học sinh không nên sa đà vào các công thức tính nhanh, các mẹo giải bài mà không hiểu cách xây dựng các công thức tính nhanh và các mẹo đó xuất phát từ đâu. Nên học chậm, đọc kỹ và kết hợp với suy ngẫm, tư duy.

“Đừng học vội, lấy số lượng hơn chất lượng. Lúc đó lí trí sẽ đánh lừa bộ não của các em, khiến các em nghĩ mình đã học được nhiều, thực tế mới chỉ dừng lại ở mức đọc qua loa, kiến thức chưa thực sự ăn sâu vào tiềm thức và chưa dùng được”, thầy Thắng nhấn mạnh.

Song song với việc học kiến thức mới, học sinh cần kết hợp việc ôn luyện kiến thức cũ một cách liên tục. Đồng thời, tập cách liên kết, hệ thống hóa các mảng kiến thức tách rời thành một khối với nhau và tự ghi chép vào một cuốn sổ.

Việc học sớm kiến thức không chỉ giúp học sinh có nền tảng vững chắc mà còn tạo lợi thế trong quá trình xét tuyển đại học. Theo thầy Thắng, năm nay, nhiều trường dành 30%, thậm chí 40-50% chỉ tiêu để tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT (xét học bạ) hoặc tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển dựa trên thành tích trong quá trình học. Phương thức này sẽ mở ra thêm cơ hội cho các em học sinh chủ động hơn trong việc học tập, định hướng tương lai, ngành nghề và đặc biệt không phải chịu quá nhiều áp lực vào một kỳ thi tốt nghiệp.

“Nếu dự định sử dụng học bạ để xét tuyển vào các trường đại học các em phải có kế hoạch học tập và mục tiêu cụ thể với từng môn học ngay từ lớp 10. Để có thể cầm trên tay hồ sơ học bạ đủ tốt, các em cần nỗ lực và có thái độ học tập từ sớm, đặt ra mục tiêu đạt kết quả tốt cho từng môn học”, thầy Thắng chia sẻ.

Thế Đan

Nguồn bài viết

Bài trướcSharp Twin Cooker – nồi đôi đa năng tiện dụng
Bài tiếp theoStartup Hiip: Giữa đại Dịch Vẫn Gọi Vốn Thành Công Và Tham Vọng Dẫn đầu Khu Vực ASEAN