Kiểm tra thị lực để tính điểm vào THPT

Trung QuốcTừ năm 2022, chất lượng thị lực và sức khỏe của học sinh chiếm gần 10% số điểm trong kỳ thi vào THPT tại thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây.

Trong các kỳ thi tuyển sinh vào THPT, sức khỏe thể chất sẽ chiếm 70 điểm, trong đó 20 điểm dành cho thị lực và cân nặng. Điểm tối đa học sinh có thể đạt là 730.

Quy định này nằm trong kế hoạch cải cách giáo dục được chính quyền thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây công bố trên website từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, gần đây, trước việc tỷ lệ cạnh tranh và sức ép vào các trường phổ thông tại Trung Quốc ngày càng lớn, phụ huynh quan tâm hơn đến quy định cộng, trừ điểm ưu tiên, việc này mới được lan truyền rộng rãi.

Trên các diễn đàn, phụ huynh cho rằng quy định này không công bằng với học sinh có thị lực kém, phân biệt đối xử với gia đình thu nhập thấp khi không có khả năng phẫu thuật mắt cho con. Nhiều người phản ứng vì học sinh chịu áp lực học tập, dành thời gian ôn luyện gần như cả ngày nên bị cận thị. “Các em mất điểm vì sự chăm chỉ của mình ư? Đó là điều tôi không chấp nhận”, một người bình luận.

Trong khi đó, một số người lại đánh giá quy định này hợp lý, cho thấy các cơ quan giáo dục coi trọng chất lượng của kiến thức và sức khỏe, từ đó khuyến khích học sinh, gia đình và nhà trường chú ý hơn đến việc bảo vệ mắt cho trẻ.

Một học sinh đo thị lực tại cửa hàng kính thuốc, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: IC/Global Times

Một học sinh đo thị lực tại cửa hàng kính thuốc, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: IC/Global Times

Bác sĩ nhãn khoa Wu, hiện công tác tại một bệnh viện ở Thượng Hải, cho rằng quy định của thành phố Trường Trị không tôn trọng khoa học và không thực tế. “Ngoài yếu tố bệnh lý, cận thị có thể do di truyền, bẩm sinh và các hoạt động ngoài trời không giúp ích việc ngăn chặn cận thị”, bác sĩ Wu nói.

Theo bác sĩ Wu, chính sách mới sẽ khiến nhiều gia đình có xu hướng phẫu thuật mắt cho con, không phù hợp với thanh thiếu niên 15 tuổi vì ở độ tuổi này vẫn đang phát triển và rất dễ tái cận. Chi phí phẫu thuật cũng không hề rẻ, khoảng 10.000 nhân dân tê (33 triệu đồng) và không phải gia đình nào cũng có điều kiện.

Giáo sư Zhi Wei, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, lại nghĩ điểm thị lực chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, không đáng kể và các trường muốn khuyến khích học sinh xây dựng cơ thể khỏe mạnh. “Tuy nhiên, quy định này nên bổ sung ngoại lệ với các em cận bẩm sinh hoặc người thiểu số”, ông Zhi nói, khẳng định đây là một phản ứng kịp thời của chính quyền với tỷ lệ thanh thiếu niên Trung Quốc bị cận ngày càng nhiều.

Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, năm 2018, tỷ lệ cận thị chung ở trẻ em và thanh thiếu niên nước này là 53,6%. Hiện chính quyền thành phố Trường Trị chưa phản hồi về tranh cãi xoay quanh chính sách tuyển sinh.

Thanh Hằng (Theo Global Times)

Nguồn bài viết

Bài trướcChứng khoán bị bán mạnh
Bài tiếp theoĐiều gì xảy ra với du thuyền khi bị ‘thất sủng’?