Kiểm duyệt nội dung nhìn từ App Store và Facebook

Việc kiểm duyệt nội dung ở một nền tảng miễn phí như App Store của Apple khác khá nhiều so với nơi cũng miễn phí như Facebook.

Đa số nền tảng hiện nay được cung cấp miễn phí hoặc thu phí. Nhưng cũng có những nền tảng bao gồm cả hai, cửa hàng ứng dụng của Apple là ví dụ. Theo New York Times, đây là điển hình cho việc “miễn phí có kiểm soát”, cho thấy sự kiểm duyệt có lợi cho người dùng.

Kiểm duyệt dưới góc độ App Store và Facebook

Các nền tảng có thể kiểm soát nội dung theo cách khác nhau, nhưng không phải tất cả đều hiệu quả 100%. Ảnh: New York Times.

Trên nền tảng của mình, Apple độc quyền quyết định những ứng dụng mà nhà phát triển tải lên, người dùng tải về. Công ty cũng xem xét mọi dòng code, có thể bất ngờ chặn bất kỳ ứng dụng nào nếu cảm thấy chúng “thúc đẩy các hành vi gây hại”, “kém hiệu quả”, “theo dõi người dùng” hay nghiêm trọng hơn là “giám sát”, “cố gắng đánh cắp dữ liệu hoặc tiền bạc”.

Theo các chuyên gia, có những mối nguy hiểm thực sự được Apple chặn đứng từ “trứng nước”. Tuy nhiên, cũng có những ứng dụng bị công ty Mỹ loại bỏ dựa trên “những ý tưởng bất chợt”. Việc các cửa hàng ứng dụng của Apple đang thành công, cho thấy hãng đang đi đúng đắn, dù chúng đôi khi bị không ít nhà phát triển phản đối.

Từ khi App Store ra đời, nhân viên của Apple phải kiểm duyệt các ứng dụng tải lên trước khi xuất bản. Google Play Store của Google cũng có các công đoạn sàng lọc tương tự, nhưng bộ phận kiểm duyệt của công ty này không khó tính bằng Apple. Năm ngoái, Apple đã dùng thử 100.000 ứng dụng mỗi tuần, nhưng chỉ đồng ý 60% số đó.

Việc kiểm duyệt của Apple bị chi phối bởi một số yếu tố. Chẳng hạn tại Trung Quốc, hãng cho phép chính phủ nước này chặn các ứng dụng trong danh sách “vi phạm luật pháp”. Ứng dụng đọc tin tức của New York Times nằm trong số đó.

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất đã nắm bắt được quy trình, lý do từ chối cũng như khoản phí mà Apple tính cho mỗi ứng dụng khi xuất hiện trên cửa hàng. Tuy vậy, không ít lần họ phải đặt câu hỏi rằng Apple liệu có tắt ứng dụng của họ hoặc giấu ở vị trí khó tìm để nhường chỗ cho các phần mềm của riêng mình hay không. Đây là sự độc quyền mà các nhà quản lý châu Âu đang nhắm đến công ty iPhone.

Ủy ban châu Âu (EC) gần đây vừa cho biết đang điều tra Apple trên cửa hàng ứng dụng App Store và dịch vụ thẻ Apple Pay. Trước đó, ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify cho rằng Apple đã sử dụng App Store để “kìm hãm sự đổi mới” và “hạn chế sự lựa chọn” của người dùng, đồng thời hướng họ chuyển sang dùng Apple Music – dịch vụ phát nhạc tương tự thuộc sở hữu của Apple. Công ty bán lẻ Rakuten cũng gửi lên EU đơn khiếu nại rằng Apple đã lấy đi 30% hoa hồng từ việc bán sách điện tử trên App Store, đồng thời cáo buộc công ty Mỹ lợi dụng chợ ứng dụng của mình để quảng bá dịch vụ tương tự có tên Apple Books.

Trong một số báo cáo sau đó, Apple tự cho mình vai trò “người gác cổng” để kiểm soát mọi thứ. Có những ý kiến cho rằng, công ty đang quá lạm quyền. Một số người ủng hộ tự do ngôn luận muốn App Store cho phép đăng bất kỳ nội dung nào. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “để cuộc tranh luận diễn ra đúng mong muốn, cần có một ‘người gác cổng’ mạnh mẽ để thực thi quyền lực hiệu quả, công bằng và có trách nhiệm”.

Facebook là một nền tảng miễn phí hoàn toàn và cũng tự do ngôn luận. Trong khi các công ty phát triển nội dung Internet khác coi thông tin đăng bởi chính trị gia là nghiêm trọng và họ đang thử nhiều cách tiếp cận khác nhau. Facebook có quan điểm trái ngược. CEO Mark Zuckerberg nhấn mạnh nhiều lần rằng các nội dung mang tính chính trị là vấn đề “nhạy cảm” và cần được “tôn trọng”. Mạng xã hội không nên là nơi kiểm tra tính thực tế của thông tin đăng bởi chính trị gia.

Nhưng Facebook mới đây đã bắt đầu cung cấp cho người dùng tùy chọn ẩn quảng cáo chính trị khỏi nguồn cấp dữ liệu. Bên cạnh đó, các nội dung trả tiền liên quan đến vấn đề xã hội cũng bị giới hạn.

Những năm qua, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bầu cử tại Mỹ. Các ứng viên Tổng thống muốn được cử tri biết đến và ủng hộ nhiều hơn, họ cần chạy quảng cáo. Dù vậy, không phải tất cả lời nói của chính trị gia đều là thông điệp chính trị chính xác. “Chúng ta có thể tranh luận, nhưng đừng quên rằng trên các mạng xã hội như Facebook vẫn có những bài phát biểu sai lệch và những lời nói dối chẳng mất tiền mua”, New York Times bình luận.

Bảo Lâm

Nguồn bài viết

Bài trước‘Ông trùm sân golf’ sở hữu lâu đài lộng lẫy độc nhất vô nhị ở Nam Định
Bài tiếp theoDoanh thu dưới 200 tỷ đồng được giảm 30% thuế thu nhập