Khủng hoảng việc làm tại Mỹ có thể còn tồi tệ hơn

Sự phục hồi mong manh trên thị trường lao động Mỹ đang mất đà khi số ca nhiễm mới tăng tốc và tiền hỗ trợ doanh nghiệp cạn kiệt.

Hôm nay (7/8), Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 7. Các nhà kinh tế học dự báo nước này chỉ tạo thêm 1,6 triệu việc làm – giảm mạnh so với 4,8 triệu trong tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp theo đó sẽ còn 10,5% – giảm so với 11,1% tháng 6.

Nếu những dự báo này chính xác, Mỹ sẽ mất tổng cộng 13 triệu việc làm kể từ tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp cũng vẫn cao hơn cả đỉnh thời khủng hoảng tài chính 2007 – 2009.

Dù vậy, một số nhà phân tích thậm chí cho rằng đà phục hồi trên thị trường lao động đang đảo ngược. Lydia Boussour – nhà kinh tế học cấp cao tại Oxford Economics dự báo Mỹ sẽ mất 280.000 việc làm trong tháng 7. Đây là tín hiệu cho thấy nền tảng phục hồi đang rạn nứt.

Người lao động đến nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Sở Lao động New York. Ảnh: AP

Người lao động đến nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Sở Lao động New York. Ảnh: AP

Báo cáo việc làm khu vực tư nhân do ADP công bố hôm 5/8 cho thấy Mỹ chỉ tạo thêm 167.000 việc làm trong tháng 7, rất ít so với dự báo 1,5 triệu. Một khảo sát việc làm của Cục Thống kê Mỹ cũng chỉ ra số việc làm tháng trước có thể sẽ giảm.

Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Mỹ sẽ “có số liệu việc làm lớn trong thứ sáu”. Dù vậy, Trump cho biết ông chưa xem số liệu và chỉ dự đoán.

“Tháng 7 rất không chắc chắn, vì nhiều khu vực, ngành nghề tái mở cửa đầu tháng, và rồi sau đó mọi thứ bắt đầu thay đổi”, Jeanette Garretty – kinh tế trưởng tại Robertson Stephens Wealth Management nhận xét.

Việc này càng trầm trọng khi tiền hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp thông qua Chương trình Bảo vệ Tiền lương đang dần cạn kiệt, bà cho biết. Các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang chật vật trong việc thống nhất gói kích thích tiếp theo.

Đã hơn 3 tháng kể từ khi đại dịch làm chao đảo thị trường lao động Mỹ, tạo ra những kỷ lục tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, tình hình vẫn đang dần cải thiện, nhưng còn rất lâu mới quay về bình thường. Tốc độ hồi phục ở các lĩnh vực rất khác nhau. Ngành khách sạn có thể còn phải sa thải nhiều lao động khi một số bang ngừng việc tái mở cửa. Tuy nhiên, ngành sản xuất hay xây dựng có thể sẽ tuyển dụng thêm.

Dù báo cáo việc làm ngày mai ra sao, áp lực lên giới chức Mỹ vẫn tồn tại. Tuần trước, đề xuất về gói kích thích tiếp theo của các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chênh nhau hàng tỷ USD.

Mấu chốt tranh cãi là khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung trị giá 600 USD mỗi tuần của chính phủ. Chính sách này đã hết hạn tháng trước. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuần này cho biết: “Nếu số người thất nghiệp đi xuống, tiền trợ cấp có thể sẽ được giảm”.

Dù vậy, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng mức hỗ trợ 600 USD khiến nhiều người Mỹ không chịu quay lại làm việc. Trong khi đó, đảng Dân chủ khẳng định lao động ở nhà do việc đi làm lại vẫn chưa an toàn và họ chưa tìm được nơi gửi trẻ.

“Người lao động ngày càng có ít cơ hội tìm việc hơn trước đây”, Nick Bunker – Giám đốc Nghiên cứu tại Indeed’s Hiring Lab cho biết trên CNN. Số việc làm đang tuyển dụng hiện vẫn ít hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, tình hình đã cải thiện so với đầu năm, Bunker cho biết.

Các nhà kinh tế học cho rằng rất nhiều người đã mất việc trong đại dịch sẽ đi làm lại khi kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, rất nhiều vị trí sẽ còn rất lâu mới được tuyển lại, hoặc mất vĩnh viễn.

Hà Thu (theo CNN)

Nguồn bài viết

Bài trướcTỷ giá USD hôm nay 6/8: Tiếp tụ‌c sụt giảm
Bài tiếp theoVừa hoạt độn‌g trở lại, khách sạn phố cổ Hà Nội ngậm ngùi đóng cửa