‘Không chỉ đạo ngầm việc lựa chọn sách giáo khoa”

Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định không áp đặt hay chỉ đạo ngầm trong việc lựa chọn sách giáo khoa, dù trước đó lãnh đạo Sở nhận thù lao của nhà xuất bản.

Tại buổi họp báo về lựa chọn sách giáo khoa tại TP HCM ngày 24/6, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết, bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được hơn 80% trong 550 trường tiểu học lựa chọn. Đây là bộ sách lần đầu, duy nhất có sự tham gia của các tác giả miền Nam. Nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào sách mang đặc trưng của vùng miền.

Về việc nhiều lãnh đạo Sở từng nhận thù lao của nhà xuất bản này, ông Hiếu cho là không ảnh hưởng sự công tâm trong lựa chọn sách. Bởi theo thông tư 01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách giáo khoa do trường lựa chọn, thông qua hội đồng lựa chọn mà Hiệu trưởng thành lập. Họ không bị chi phối khi lựa chọn sách cho trường mình. Ngay cả khi ý kiến của giáo viên khác với lãnh đạo trường, theo quy định, quyết định cuối cùng được thông qua nguyên tắc quá bán khi bỏ phiếu.

“Sở không có động thái nào áp đặt hay chỉ đạo ngầm các trường chọn sách. Giáo viên thành phố không dễ bị chi phối áp đặt, uy tín danh dự của các trường rất cao”, ông Hiếu nói.

Hồi cuối năm 2019, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết trả thù lao “hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa” cho 11 cán bộ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM mỗi người 2,5- 6 triệu đồng một tháng, từ năm 2015. Trong đó có ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, Trưởng ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam), Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở, Phó ban) và các Phó chánh Văn phòng, Trưởng phòng Giáo dục các cấp đóng vai trò ủy viên.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, trả lời báo chí. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, trả lời báo chí. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phó giám đốc Sở Giáo dục cũng chỉ ra nguyên nhân khiến bộ sách trên được đa số trường lựa chọn là “uy tín tác giả”. Trước đây, viết sách giáo khoa là những giáo sư có chuyên môn sâu giảng dạy đại học, viện nghiên cứu. Lần này tác giả tham gia biên soạn có các giáo viên giỏi, cán bộ quản lý của thành phố… nên giáo viên thấy rất gần gũi, dễ thực hiện.

Bộ sách cũng được 11 tỉnh thành phía Nam lựa chọn, cao hơn so với các bộ sách khác: Bến Tre 90% trường chọn bộ sách; Bà Rịa – Vũng Tàu chọn các môn Tiếng Việt, Đạo đức, Mỹ thuật đạt 100%; An Giang chọn Tiếng Việt 90%.

Tại buổi họp báo, nhiều người đặt vấn đề giá sách giáo khoa mới cao gấp 3 lần sách cũ. Ông Hiếu nhìn nhận “trung bình mỗi bộ khoảng 300 nghìn đồng đúng là khá cao”. Tuy nhiên, sách hiện hành do Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, in đại trà, dùng cho cho cả nước. Còn hiện nay, thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều đơn vị tham gia công tác làm sách, chất lượng in ấn, mẫu mã tốt hơn. Giá sách do họ quy định.

“Thành phố sẽ có giải pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các trường sẽ có tủ sách dùng chung, những em chỉ mua được vài cuốn hoặc không có tiền mua sách có thể mượn thư viện. Quá trình sử dụng sách ổn định, lâu dài, có thể tái sử dụng được”, ông Hiếu nói.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, việc các trường sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung. Điểm chung của các bộ sách là dựa vào tiêu chí đầu ra, chuẩn kiến thức, yêu cầu cần đạt được ở từng lớp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định

“Nội dung sách có thể khác nhau, nhưng bản chất kiến thức là như nhau.Ví dụ khi nói về nội dung nông nghiệp, có em sẽ nói hoa màu, nhưng có em sẽ cây lúa, tuỳ theo đặc thù nông nghiệp từng nơi”, ông Hiếu giải thích.

Chưa kể, sách giáo khoa trước đây là pháp lệnh nhưng sắp tới sẽ được giáo viên sử dụng linh hoạt. Thầy cô không chỉ sử dụng dữ liệu trong sách được trường chọn mà có thể dùng ở đầu sách khác, kho giáo án dùng chung của thành phố, thư viện điện tử.

Sách giáo khoa mới chưa được bán trên thị trường TP HCM. Nhà xuất bản sẽ phát hành trực tiếp tại trường theo nhu cầu của trường và học sinh.

Mạnh Tùng