‘Khó yêu cầu Facebook khoá tài khoản bán hàng lậu’

Kênh làm việc với Facebook thường là gián tiếp, nên việc yêu cầu khóa tài khoản bán hàng lậu, giả rất thủ công và chậm, theo quản lý thị trường.

Ông Trần Hữu Lĩnh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường vừa cho biết, livestream bán hàng trên mạng xã hội, nhất là Facebook bùng nổ sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng này tất yếu sẽ dẫn đến gian lận thương mại và gây khó khăn quản lý bởi Việt Nam có 60 triệu tài khoản Facebook, ai cũng có thể trở thành người mua, bán hàng.

Theo ông Linh, hiện hình thức gian lận thương mại này tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Nửa đầu năm, quản lý thị trường đã xử hơn 2.000 vụ việc tại Hà Nội, với tổng giá trị hàng hoá hơn 40 tỷ đồng. Gần đây nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện tổng kho rộng 10.000 m2, chuyên livestream bán hàng lậu ở Lào Cai có doanh thu gần 650 tỷ đồng sau hai năm hoạt động.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục quản lý Thị trường cho biết, thông thường khi phát hiện nhóm đối tượng gian lận thương mại, đầu tiên cơ quan báo cáo Facebook để khoá tài khoản, nhằm ngăn thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông, sự hỗ trợ của mạng xã hội Facebook đối với thị trường Việt Nam là rất hạn chế, làm việc rất khó khăn.

“Kênh làm việc với Facebook thường là gián tiếp. Nên việc yêu cầu gỡ hoặc khóa tài khoản, gian hàng rất thủ công và chậm”, ông Minh chia sẻ. Đồng thời ông cho biết, rất mong Bộ Thông tin & Truyền thông thời gian tới có tiếng nói mạnh mẽ với các mạng xã hội như Facebook để có cách nhìn nhận rõ ràng, đặc thù hơn tại thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Kỳ Minh (phải) cung cấp thông tin tại họp báo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia hôm 23/7. Ảnh: Anh Tú

Ông Nguyễn Kỳ Minh (phải) cung cấp thông tin tại họp báo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia hôm 23/7. Ảnh: Anh Tú.

“Cõ lẽ họ chưa hình dung được mức độ nghiêm trọng và thị trường ở Việt Nam đang thế nào. Hàng giả ở các nước phát triển cũng có thể không nhiều như ở các nước đang phát triển. Facebook có thể đang áp dụng chính sách toàn cầu nhưng không phù hợp với thị trường Việt Nam”, ông Minh nhận định.

Về vụ việc tổng kho bán hàng lậu ở Lào Cai, theo ông Minh, 2 doanh nghiệp chuyển phát nhanh (một công ty trong nước, một công ty có yếu tố nước ngoài) tham gia trực tiếp vào việc vận chuyển. Thậm chí, nhân viên của hai đơn vị này còn vào đóng gói, in hóa đơn tại xưởng trong vụ kho hàng lậu.

Ông Minh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp làm chuyển phát. Bởi theo ông, điều 12 Luật Bưu chính quy định cấm vận chuyển hàng hoá vi phạm pháp luật qua mạng bưu chính. “Nếu các đối tượng lợi dụng kênh chuyển phát nhanh để phát tán hàng lậu, hàng giả, các công ty chuyển phát nhanh có thể hỗ trợ, tiếp tay cho việc gian lận lương mại này”, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý Thị trường cho hay.

Anh Tú

Nguồn bài viết

Bài trướcNhững bức ảnh chụp bằng iPhone đẹp nhất 2020
Bài tiếp theoTập đoàn Xây dựng Hòa Bình bổ nhiệm Tổng giám đốc 9X