Vươn lên từ tay trắng
Ông Văn là con thứ tư trong một gia đình có 9 anh chị em ở ấp 4, P.Hộ Phòng (TX.Giá Rai, Bạc Liêu). Năm 1982, ông theo người anh sang Úc định cư. Khi mới sang đây, ông Văn có hai năm làm công nhân cho
xưởng sửa chữa máy lạnh. Tích lũy được chút vốn, ông mở cửa hàng may nhỏ. Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời là khi ông Văn tình cờ gặp một chủ cơ sở xưởng may người Hy Lạp, chuyên gia công quần áo. Ban đầu ông thuyết phục chủ cơ sở giao lại lô hàng gia công 4.000 chiếc áo để ông bán. Lô hàng đó ông đem bỏ mối cho các hộ gia đình khác, kiếm lời đến 10.000 đô la Úc. Thành công này khích lệ ông tiếp tục hợp tác, tích lũy vốn, sau đó mua lại luôn cơ sở này. “Khi đặt chân lên nước Úc, tôi không có một xu dính túi. Phải mất nhiều tháng trời lang thang tìm việc, sau đó trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc với đội ngũ hơn 300 công nhân”, ông Văn kể.
Năm 1987, ông quyết định mở tiệm rửa hình nhanh đầu tiên tại Úc rồi thuyết phục các chủ tiệm bán báo, cửa hàng tạp hóa nhỏ tham gia tiệm rửa hình của mình. Từ đó, doanh nghiệp của ông tăng trưởng mạnh trên cả nước và dần trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp tráng rửa phim lớn nhất nước Úc, sản xuất 5 triệu cuộn phim mỗi năm. Năm 2000, doanh nghiệp của ông chiếm giữ 50% thị phần, áp dụng
công nghệ xử lý hình ảnh tự động, hiện đại bậc nhất từ Đức. Ba năm sau, doanh nghiệp của ông mua lại luôn đối thủ cạnh tranh lớn nhất để rồi 1 năm sau đạt mốc doanh thu 50 triệu đô la Úc, cùng mạng lưới rộng khắp trên 6.000 đại lý bao phủ cả nước Úc.
Ông Lương Thanh Văn (bìa trái) cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành tham quan khu nuôi tôm trong nhà kính ở Bạc Liêu
|
Vực dậy ngành tôm
Khởi nghiệp, làm giàu ở nước bạn, nhưng lúc nào ông Văn cũng mong muốn góp phần xây dựng quê hương. Cuối năm 1990, nghe tin người dân vùng ĐBSCL ùn ùn bỏ trồng lúa sang nuôi tôm bởi hiệu quả kinh tế của cây lúa quá thấp, ông Văn lập tức đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm hiện đại tại một số nước châu Á. Năm 2001, ông quyết định thuê đất ở Bình Thuận, thành lập Công ty Việt – Úc (tiền thân của Tập đoàn Việt – Úc hiện nay) để xây dựng trang trại sản xuất tôm giống chất lượng cao, có quy mô lớn cung ứng cho bà con.
Theo ông Văn, trong chuỗi giá trị của ngành tôm
thế giới thì con giống luôn là phân khúc được rất nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển, bởi đây là khâu quyết định trên 55% thành công của một vụ nuôi. Từ đó, để chủ động nguồn tôm bố mẹ, doanh nghiệp của ông Văn hợp tác với nhiều đối tác chiến lược lớn như Viện CSIRO (Úc), Công ty BenchmarkHolding JSC (Vương quốc Anh), Trường ĐH Cần Thơ, Nha Trang, Nông Lâm TP.HCM, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2…, liên tục triển khai các chương trình nghiên cứu. Qua đó, tập đoàn đã chủ động được nguồn tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Với việc ứng dụng các phương pháp hiện đại di truyền số lượng, di truyền phân tử… tập đoàn đã chọn tạo được giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ thế hệ G10 với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 là 60%. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để có thể sản xuất nguồn tôm giống không chỉ có sức đề kháng cao, mà còn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương, góp phần giúp bà con chọn lựa được nguồn giống tốt, tăng hiệu quả, lợi nhuận trong quá trình nuôi tôm.
Ông Lương Thanh Văn với khát vọng nâng tầm tôm Việt
|
Xây chuỗi giá trị
Qua nghiên cứu kỹ thuật nuôi tôm hiện đại từ các nước trên thế giới, năm 2015, Tập đoàn Việt – Úc mạnh dạn đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh
công nghệ cao trong nhà kính bằng công nghệ hiện đại của Israel với quy mô 50 ha tại xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, Bạc Liêu. Các ao nuôi trong nhà kính đều được lót bạt dưới đáy; trang bị thiết bị thu sóng siêu âm Sonar, quạt nước, máy bơm ô xy hoạt động liên tục 24/24 giờ nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho tôm phát triển. Đặc biệt, nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng bằng ao lắng với nhiều trang thiết bị tối tân rồi mới đưa vào ao nuôi.
Khu nuôi được chia làm 414 ao, mỗi ao rộng 500 m
2, mật độ thả giống từ 200 – 500 con/m
2. Sau thời gian khoảng 90 ngày thả nuôi thì cho thu hoạch, năng suất đạt từ 2 – 4 tấn/ao, tương đương 40 – 80 tấn/ha/vụ (khoảng 120 – 240 tấn/ha/năm). Theo ông Văn, với năng suất trên, 1 ha nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính có thể lời gấp từ 60 – 80 lần so với nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp truyền thống, năng suất chỉ từ 2 – 3 tấn/ha. Đặc biệt, tôm nuôi trong nhà kính đạt chất lượng cao, không dịch bệnh, không gây
ô nhiễm môi trường, truy xuất được nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từ thành công trên, năm 2018, Tập đoàn Việt – Úc tiếp tục đầu tư khu phức hợp sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu có quy mô 315 ha, vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu. Theo ông Văn, việc hình thành các khu phức hợp với mục tiêu tạo dựng được chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất giống, nuôi tôm và đến chế biến xuất khẩu. Để hiện thực hóa khát vọng nâng tầm tôm Việt, tập đoàn đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm và
lan tỏa các công nghệ tiên tiến đến hàng ngàn hộ nuôi tôm khắp cả nước với mong muốn cùng nhau chung tay nâng cao giá trị thương hiệu tôm Việt, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trong khu vực và thế giới.
Sau 18 năm đầu tư tại Việt Nam, hiện Tập đoàn Việt – Úc đã xây dựng nhiều khu nuôi tôm công nghiệp cao, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, tập đoàn đã xây dựng nhiều trang trại sản xuất giống có quy mô lớn ở nhiều tỉnh, thành với công suất 50 tỉ con/năm, đáp ứng 25% thị trường tôm giống cả nước. Năm 2018, cơ sở của Tập đoàn Việt – Úc tại Bạc Liêu vinh dự được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây được xem là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt và thành công lớn không chỉ đối với Tập đoàn Việt – Úc mà cả cho ngành sản xuất tôm Việt Nam.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết địa phương được Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đặc biệt, Tập đoàn Việt – Úc đã đầu tư, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến tại khu này. Mục tiêu từng bước đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước; đồng thời phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD vào năm 2025.
|