Khác biệt giữa trường chọn ở Anh và trường chuyên ở Việt Nam

Vì trường tư chưa phát triển, trẻ từ các gia đình khó khăn buộc ganh đua với con em gia đình trung lưu và cả thượng lưu khi thi vào trường chuyên.

TS Nguyễn Tiến Việt là chuyên gia kinh tế nghiên cứu chương trình Tăng trưởng, trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE). Quan tâm đến việc áp dụng Kinh tế học và Khoa học dữ liệu để giải quyết các vấn đề liên ngành và đa ngành, anh Việt chia sẻ góc nhìn về trường chọn ở Anh và trường chuyên tại Việt Nam.

Trường chọn, trường chuyên, hay trường năng khiếu?

Một trong những thất bại khiến tôi ám ảnh trong suốt thời gian ở trường chuyên là không biết phải dịch chính xác tên trường mình ra tiếng Anh như thế nào. Nhiều cụm từ được nghe qua như “grammar school”, “school for gifted children”, “specialised school” nhưng tôi không thực sự hiểu nội hàm bên trong và vì sao có nhiều thuật ngữ cho một thực thể đến thế.

Băn khoăn này chỉ được giải tỏa khi tôi học tập và làm việc tại Anh. Lúc đó, tôi nhận ra: “Nước Anh đương đại không có trường chuyên giống như Việt Nam”. Giáo dục miễn phí và bắt buộc ở Anh chia làm 2 cấp: tiểu học và trung học. Đến bậc trung học (bắt đầu từ học sinh 11 tuổi), hệ thống này bắt đầu phân hóa.

Trong hệ thống trường trung học công lập tại Anh, cơ sở giống với trường chuyên của ta nhất có lẽ là “grammar school”, tôi tạm dịch là trường chọn. Hiện ở Anh (England) chỉ còn 163 trường chọn trong số 3.000 trường công. Đây đều là các trường có danh tiếng, nhận rất nhiều ưu ái từ ngân sách nhà nước và chất lượng vượt trội.

Tại các trường công khác, việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào nhu cầu của phụ huynh và khoảng cách từ trường đến nhà (tương tự khái niệm đúng tuyến của Việt Nam). Nhu cầu vào trường chọn luôn quá tải và học sinh 11 tuổi phải vượt qua một kỳ thi cam go để được chọn vào trường. Nội dung thi phụ thuộc từng trường, không nằm trong chương trình đào tạo tiểu học thông thường mà chủ yếu về “năng lực”, bao gồm suy luận số, suy luận ngôn ngữ, suy luận hình ảnh, đọc hiểu, ngữ pháp và viết luận sáng tạo.

Một hiểu nhầm phổ biến là phương Tây không chạy trường, không học thêm. Thực tế ở Anh, để giữ một ghế trong trường chọn, phụ huynh phải “chạy marathon” rất sớm bằng việc thuê gia sư phụ đạo cho con, thậm chí từ ba năm trước kỳ thi. Đến ngày nộp hồ sơ vào trường chọn, người ta có thể thấy phụ huynh xếp hàng dài trên nhiều con phố.

Những năm 1960, khi có hơn 1.200 trường chọn, kỳ thi ở tuổi 11 trở thành bước ngoặt cuộc đời. Trẻ được nhận vào trường chọn thường vào đại học, còn những trẻ khác thường vào trường nghề hoặc trường đời.

Ngày nay hệ thống trường chọn đã bị thu hẹp đáng kể, học sinh ngoài trường chọn có nhiều cơ hội vào đại học hơn trước. Tuy nhiên, xét tổng thể, học sinh trường chọn vẫn đạt kết quả cao hơn trong kỳ thi đại học, hiện diện nhiều hơn tại các trường hàng đầu thế giới như Oxford, Cambridge và có mặt trong tầng lớp tinh hoa, chính trị gia sau này. Nhưng khác với trường chuyên của Việt Nam, trường chọn tại Anh không đào tạo năng khiếu, không dạy chuyên và kết quả chủ yếu (KPI) được phản ánh ở chất và lượng học sinh vào đại học.

Đảng Lao động khi nắm quyền những năm đầu thế kỷ này đã giới thiệu và phổ biến hệ thống specialised schools (tạm dịch trường chuyên). Đây là các trường công được nhận thêm tiền từ chính phủ để bổ sung vào chương trình đào tạo đại trà 1-2 môn chuyên trong số các môn: Nghệ thuật, Kinh doanh, Cơ khí, Nhân văn, Ngoại Ngữ, Toán và Máy tính, Âm nhac, Nghệ thuật, Thể thao, Công nghệ. Tuy nhiên khác với trường chọn, trường chuyên không hoặc rất ít tổ chức thi tuyển (10% chỉ tiêu) và không có danh tiếng lâu đời như trường chọn. Nước Anh đương đại không tổ chức mô hình trường công năng khiếu với nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế.

So sánh như thế để thấy trường chuyên ở Việt Nam là một thực thể rất phức tạp. Với mỗi trường chuyên cụ thể, nó có thể là sự lai tạo của 1, 2 hoặc 3 yếu tố trong số: trường chọn, trường chuyên và trường năng khiếu. Nhiều trường chuyên trước đây có tên là trường năng khiếu dù việc đổi tên không làm thay đổi đáng kể bản chất của trường.

Hiện nay trường chuyên cấp 2 rất khác với trường chuyên cấp 3. Điều này làm cho thảo luận về trường chuyên rất phức tạp nếu không tách biệt được rạch ròi vì mỗi yếu tố này lại có đặc thù riêng. Ví dụ một chỉ trích phổ biến (có thể hợp lý hoặc không) về việc đào tạo “gà chọi”, “học lệch” là chĩa vào đặc trưng “năng khiếu” của trường chuyên hơn là “chọn” và phù hợp với các trường chuyên cấp 3 hơn là các trường chuyên cấp 2. Không thể mang một vài hiện tượng gây tranh cãi ở trường chuyên cấp 2 Hà Nội – Amsterdam để quy nạp chính sách cho tất cả trường chuyên trên cả nước.

TS Nguyễn Tiến Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Nguyễn Tiến Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trường chọn, phân tầng và dịch chuyển xã hội

Vấn đề gây chia rẽ sâu xa trong hệ thống trường chọn ở Anh (tương tự với trường chuyên ở Việt Nam) là hệ thống nhị nguyên. Khi đặt ra trường chọn thì mặc nhiên chúng ta thừa nhận sự phân loại trẻ thành hai nhóm: giỏi và không giỏi. Điều này bị chỉ trích vì hình thành việc phân chia tầng lớp xã hội ngay trên ghế nhà trường, khiến những học sinh trường bình thường có cảm giác bị đối xử như “công dân hạng hai”.

Hệ thống trường chọn bị cáo buộc tạo nhân sinh quan méo mó, thiếu cảm thông khi trẻ đến trường và chỉ gặp những người giống mình (cùng gắn mác giỏi hoặc không giỏi) và mạng lưới quan hệ xã hội phiến diện này tiếp tục theo trẻ khi trưởng thành. Ngay cả khi kỳ thi chỉ đánh giá năng lực thuần túy, con của gia đình có điều kiện vẫn sở hữu nhiều cơ hội hơn bạn bè trong việc chuẩn bị, ví dụ thuê gia sư học tại nhà.

Trường chọn ở Anh bị chỉ trích làm lợi cho tầng lớp trung lưu, không phải nhà giàu. Tầng lớp thượng lưu có lựa chọn khác là trả tiền để gửi con đến trường tư với mức học phí đắt gấp 2-3 lần học phí đại học. Họ mong muốn con được hưởng chương trình giáo dục riêng, không bị trói buộc trong khuôn khổ chương trình phổ thông đại trà tại trường công.

Vấn đề này trở nên nghiêm trọng với Việt Nam vì kinh tế tăng trưởng nhanh, phân hóa giàu nghèo diễn ra chóng mặt, nhất là tại các đô thị lớn nhưng hệ thống hạ tầng không kịp đáp ứng. Hệ thống trường tư chưa kịp bám rễ và gây dựng danh tiếng như các trường chuyên. Con em nhà nghèo có năng lực muốn tiếp cận trường chuyên buộc phải ganh đua với con em gia đình trung lưu và cả thượng lưu nữa.

Ở Anh, áp lực thi cử với trẻ 11 tuổi cũng là một lý do để mọi người phản đối trường chọn, nhưng chỉ có hai phương án hoặc cắt bỏ hoặc bổ sung ngân sách cho hệ thống trường chọn chứ chưa từng có phương án cấm trường tổ chức thi chọn học sinh. Bắt trường chọn không tổ chức thi là cưỡng ép trường chọn phải sống, nhưng sống phản bội với sứ mạng của mình.

Khi đã bàn tới tác động xã hội tiêu cực của hệ thống trường chọn, cũng cần điểm lại những luận cứ bảo vệ trường chọn. Thị trường bất động sản ở Anh phân chia tầng lớp xã hội rất sâu sắc: người giàu và người nghèo ở các khu vực khác nhau, phân cách bởi giá nhà. Vì các gia đình luôn cân nhắc tới giáo dục cho con em mình khi mua nhà, chất lượng của trường học “đúng tuyến” phản ánh luôn vào giá nhà. Người nghèo chỉ đủ tiền mua nhà đúng tuyến vào các trường công chất lượng thấp trong khi không có tiền cho con học trường tư.

Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn khi con em nhà nghèo khó tiếp cận giáo dục chất lượng tốt và càng ít cơ hội thoát khỏi tầng lớp xã hội của bố mẹ mình khi trưởng thành. Vì thế dù có trường chọn hay không thì bản thân trường học đã vô tình phân hóa xã hội khi trẻ đến trường học cùng bạn có điều kiện kinh tế tương tự mình.

Việc tổ chức trường chọn biến lựa chọn giáo dục từ trục tọa độ một chiều (điều kiện kinh tế gia đình) thành mặt phẳng hai chiều với việc bổ sung trục tọa độ năng lực của trẻ. Dù hạn chế của các hình thức thi tuyển không ngăn cản hoàn toàn các trẻ có năng lực bình thường từ gia đình có điều kiện, nhưng cũng đồng thời mở cánh cửa đón trẻ rất có năng lực từ các gia đình yếu thế.

Ngày nay thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa phân hóa quá sâu sắc. Tại các đô thị, chúng ta vẫn có thể thấy trẻ từ các gia đình điều kiện khác nhau học chung một trường công đúng tuyến. Điều này ít đúng hơn nếu tồn tại “lớp (phụ huynh) chọn”.

Nhìn rộng ra, trường học ở nông thôn và thành thị, trường học ở siêu đô thị như Hà Nội, TP HCM và các đô thị khác có khoảng cách rất lớn. Không thể phủ nhận hệ thống trường chuyên có vai trò nhất định trong việc thúc đẩy “dịch chuyển xã hội”, hệ thống trường chuyên Đại học Quốc gia và Đại học Sư phạm thu hút học sinh từ các tỉnh thành khác. Cùng với đà phát triển hiện nay, thị trường bất động sản sẽ sớm thúc đẩy việc phân khu, phân vùng theo thu nhập. Chúng ta sẽ sớm nhận thấy sự khác biệt giữa các trường công trong cùng đô thị và nhu cầu thúc đẩy “dịch chuyển xã hội” sẽ càng cần thiết.

Chúng ta được thừa hưởng tư tưởng cử hiền từ lịch sử phong kiến. Trong chế độ phân chia giai cấp sâu sắc giữa vua quan quý tộc và bình dân, chế độ “khoa cử” đã đóng góp rất lớn cho “dịch chuyển xã hội” khi cung cấp phương tiện để con em bình dân thay đổi số phận của mình, gia đình và dòng tộc, nếu chứng minh được năng lực và đóng góp cho xã hội.

Một số ý kiến cực đoan yêu cầu loại bỏ hoàn toàn hệ thống trường chuyên cần phải cân nhắc yếu tố liệu chúng ta có cần duy chế độ cử hiền? Liệu trong quá trình phát triển xã hội sắp tới có cần tiếp tục khuyến khích và giáo dục tinh thần nỗ lực phấn đấu của trẻ nhỏ? Ý kiến cá nhân tôi thì vẫn cần. Cái cần thay đổi có lẽ là cải tiến, cập nhật nội dung “khoa cử” cho phù hợp với thời đại và nhu cầu phát triển đất nước sắp tới.

Một vấn đề khác là tôi không bắt gặp cụm từ “đào tạo tinh hoa” trên mặt báo chí Anh khi bàn về trường chọn. Có lẽ đó là sứ mạng của trường tư, đại học tinh hoa… còn trường chọn chỉ cung cấp các điều kiện tốt nhất để trẻ phát huy năng lực học vấn của mình, chuẩn bị cho đại học. Trường chọn sẽ không thể đóng vai trò “dịch chuyển xã hội” nếu nó tạo ra một tầng lớp tinh hoa dựa trên địa vị trường học mà không thúc đẩy người học nỗ lực phấn đấu suốt đời.

Nguyễn Tiến Việt

Nguồn bài viết

Bài trướcVSIP Bắc Ninh tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
Bài tiếp theoCó cầu hơn 300 tỷ, người dân hai bờ sông Kinh Môn không còn cảnh đợi đò