Jack Ma bị tòa án Ấn Độ triệu tập

Một tòa án tại Ấn Độ đã triệu tập đại diện Alibaba và sáng lập Jack Ma sau khi một nhân viên cũ tố công ty sa thải trái phép.

Theo Reuters, Pushpandra Singh Parmar, cựu nhân viên Ấn Độ của UC Web thuộc tập đoàn Alibaba, kiện công ty sa thải trái phép sau khi anh phản đối việc kiểm duyệt và đưa tin giả trên các ứng dụng thuộc UC Web.

Tòa án Ấn Độ triệu tập Jack Ma

Đơn kiện, được Parmar gửi ngày 20/7, cho rằng Alibaba đã kiểm duyệt các nội dung gây bất lợi cho Trung Quốc trên trang tìm kiếm, trong khi các ứng dụng như UC Browser và UC News đưa ra tin tức sai lệch “gây hậu quả cho xã hội và bất ổn chính trị”.

Thẩm phán Sonia Sheokand thuộc tòa án quận ở Gurugram, New Delhi, đã ban hành lệnh triệu tập đối với cựu Chủ tịch Alibaba Jack Ma cùng khoảng 10 lãnh đạo của công ty. Những người này phải xuất hiện tại tòa án hoặc thông qua luật sư vào ngày 29/7. Bên cạnh đó, Alibaba cũng phải phản hồi thông tin bằng văn bản trong vòng 30 ngày.

Đại diện UC Web Ấn Độ cho biết, công ty luôn cam kết các phúc lợi đối với thị trường Ấn Độ và các nhân viên bản địa làm việc tại đây, đồng thời nhấn mạnh các chính sách của họ tuân thủ luật pháp địa phương. Tuy nhiên, người này từ chối bình luận về vụ kiện.

Đại diện Alibaba, cũng như đại diện của Jack Ma, chưa đưa ra phát ngôn nào.

Parmar giữ vai trò Phó giám đốc tại văn phòng UC Web ở Gurugram cho đến tháng 10/2017. Trong đơn kiện, anh yêu cầu công ty cũ bồi thường 268.000 USD.

Theo Yahoo Finance, vụ kiện là rào cản mới nhất của Alibaba nói riêng và các công ty Trung Quốc nói chung tại Ấn Độ. Trước đó, chính phủ nước này đã ra lệnh cấm 59 ứng dụng, trong đó có UC Browser và UC News. UC Web cũng sa thải một số nhân viên tại Ấn Độ sau lệnh cấm này.

Trước khi bị cấm, dữ liệu từ công ty phân tích Sensor Tower cho thấy UC Browser đã được tải xuống ít nhất 689 triệu lần ở Ấn Độ, trong khi UC News là 79,8 triệu lượt. Số lượt tải chủ yếu đến trong 2017 và 2018.

Jack Ma sáng lập Alibaba năm 1999. Sau hai thập kỷ, ông rời vị trí chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử này từ tháng 9/2019, sau khi giúp nó trở thành một trong những doanh nghiệp giá trị lớn nhất châu Á với vốn hóa 460 tỷ USD. Hiện Alibaba có hơn 100.000 nhân viên trên toàn cầu và mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực như tài chính, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Bảo Lâm (theo Reuters)

Nguồn bài viết

Bài trướcGhi giá bằng ‘k’ có thể bị x‌ử phạ‌t
Bài tiếp theoRichard Mille đưa “những viên kẹo” vào chế tác đồng hồ