Hối hận vì kỷ luật con không đúng cách

Phạt con bằng biểu tượng mặt cười và mếu, bắt quay lưng vào tường, chị Rebecca Eanes ở Anh không ngờ đang gieo vào đầu con suy nghĩ tiêu cực.

Nuôi dạy hai con trai, Rebecca Eanes chia sẻ phương pháp kỷ luật tích cực không đòn roi, không trừng phạt trên trang Motherly.

Trước đây, mỗi ngày con trai tôi xoay quanh ba hình dán. Tôi dán lên tường ba hình hai mặt, gồm một mặt cười, một mặt mếu. Mỗi lần con trai vi phạm quy tắc hay hành động sai, tôi sẽ lật mặt mếu lên. Nếu một ngày chỉ có ba mặt mếu, cháu sẽ phải ngồi quay mặt vào tường trên một chiếc ghế nhỏ màu xanh trong thời gian nhất định. Tôi yêu cầu con làm vậy để suy nghĩ về những lỗi lầm đã gây ra và cảm thấy hối hận.

Một thời gian dài, tôi tự nhủ đang thực hành phương pháp nuôi dạy “kỷ luật tích cực”, nghĩa là kỷ luật không mắng mỏ, không đòn roi. Ba mặt mếu và quay lưng vào tường sẽ là lời nhắc nhở con trai phải kiểm soát hành vi, nhận thức sai lầm và sửa chữa nó.

Tôi cho rằng nó hữu ích với con, thậm chí rất hài lòng với phương pháp này. Sau một thời gian, tôi thấy con buồn bã, thu mình lại, khác với con người hoạt bát, vui vẻ trước đây. Khi suy ngẫm lại phương pháp nuôi dạy, tôi chợt nhận ra điểm không đúng trong hoạt động mặt cười, mặt mếu.

Tưởng tượng cảnh giá trị, năng lực của bản thân được đo lường bằng mặt cười, mặt mếu, tôi thấy sợ hãi. Nếu mỗi lần cáu gắt với con hay nộp báo cáo muộn đều nhận về một mặt mếu, tôi sẽ lấy đâu ra can đảm để tiếp tục hành động?

Mới tưởng tượng như vậy tôi đã thấy nhụt chí, thất bại và xấu hổ về bản thân. Con trai tôi chắc đã phải chịu tổn thương suốt bấy lâu vì phương pháp này. Cháu ngầm hiểu rằng mặt cười nghĩa là ngoan ngoãn, giỏi giang còn mặt mếu là hư hỏng, xấu xí. Liên tục nhìn thấy các mặt mếu và phải úp mặt vào tường bào mòn sự tự tin và bản lĩnh của con trai tôi. Cháu chỉ thấy mình là đứa trẻ hư, không bao giờ làm vừa lòng bố mẹ.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Trong khi thực tế, trẻ 3 tuổi vốn hiếu động, nghịch ngợm nên khó có thể giành được ba mặt cười trong ngày. Điều này không thể đánh giá trẻ là ngoan hay hư, nhưng thái độ của người lớn có tác động rất lớn lên nhận thức của các bé. Nếu liên tục bị nhận xét là hư, trẻ sẽ ngừng cố gắng trở nên tốt hơn.

Bởi vậy, việc đánh giá con người qua mặt cười, mặt mếu là không phù hợp với sự phát triển của các bé. Bắt trẻ tự cô lập bằng cách ngồi quay lưng vào tường cũng được coi là hành động bêu xấu, chế giễu, làm tổn thương tinh thần.

Nghĩ lại về phương pháp này, tôi thấy buồn và xấu hổ. Tôi dùng nó vì muốn kiểm soát hành vi của con, mong con tuân thủ quy tắc nhưng không ngờ lại đang gieo vào đầu con những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Nhận ra sai lầm là lúc tôi biết phải thay đổi cách kỷ luật con nhưng vẫn phải đảm bảo không mắng mỏ, không trừng phạt.

Tôi học cách thay đổi thái độ trước các hành vi sai của con. Trước đây, tôi nghĩ trẻ làm sai vì tính ích kỷ, hung hăng hoặc chỉ muốn lôi kéo sự chú ý, làm nũng với bố mẹ và như thế hành động của con là xấu. Nhưng giờ tôi cố gắng tìm ra thông điệp tích cực trong các hành vi sai như cố gắng kết nối với bố mẹ, muốn được giúp đỡ, được đáp ứng nhu cầu.

Suy nghĩ tích cực hay tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lời nói, thái độ và hành động của cha mẹ trong việc kỷ luật con. Nếu nhìn theo hướng tiêu cực, cha mẹ dễ dàng nổi cáu, mắng mỏ hoặc chì chiết con trong khi nhìn theo hướng tích cực, cha mẹ sẽ bình tĩnh hơn, giọng nói cũng mềm mỏng hơn. Từ đó, không vô tình nói hoặc làm những điều gây tổn thương cho con.

Ví dụ con trai tôi giật đồ chơi của anh họ khiến cậu bé khóc òa lên. Trước đây, tôi nghĩ con đang ích kỷ nên lập tức mắng: “Sao con có thể hư như vậy?”. Hiện tại, tôi chuyển hướng nghĩ rằng con trai chưa biết cách nói mượn đồ chơi lễ phép nên mới hành xử không đúng mực. Vì thế, tôi bảo con: “Mẹ biết con không cố ý làm anh buồn. Con hãy hỏi mượn món đồ này xem anh có đồng ý không”.

Sau đó, tôi không vội đưa ra hình phạt mà tiếp tục trò chuyện với con để tìm hiểu lý do của hành vi sai. Khi đã hiểu ra lý do, tôi không còn thấy tức giận mà chỉ muốn an ủi, hướng dẫn con đi đúng hướng. Nếu buộc phải kỷ luật, tôi không còn sờ tới chiếc ghế màu xanh nữa.

Nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích cực, tôi đang truyền thông điệp tới con rằng kỷ luật nghĩa là giúp con phát triển tốt hơn chứ không phải hạ thấp hay cô lập. Nếu tôi luôn nhìn thấy điều tốt đẹp ở con, tôi có thể giúp cháu nhìn ra những điều tương tự.

Tú Anh (Theo Motherly)

Nguồn bài viết

Bài trướcCách dùng Google Maps trên smartwatch Galaxy Watch | Công nghệ
Bài tiếp theoCao tốc Bắc – Nam đoạn qua Diễn Châu xuyên núi Thần Vũ và có 2 cầu