Hiệu trưởng làm biển báo giao thông trong trường học

Quảng NamThấy học sinh không am hiểu về Luật Giao thông đường bộ, Hiệu trưởng Lê Huy Phương xây một ngã tư đường trong sân trường để tuyên truyền.

Là hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, thầy Phương chia sẻ học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thu chậm nên chấp hành chưa đúng luật. Các em cũng được học Luật Giao thông đường bộ nhưng trên sách vở, thiếu thực tế để thực hành.

Mô hình biển bảo giáo thông trên sân trường. Ảnh: Đắc Thành.

Mô hình biển báo giáo thông trên sân trường. Ảnh: Đắc Thành.

Vì thế, thầy Phương đã lên ý tưởng xây dựng một ngã tư trong sân trường trong thời gian học sinh nghỉ phòng Covid-19. Để có kinh phí, thầy gặp gỡ bạn bè, người thân huy động nguồn tài chính, tìm đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện xin từng bao xi măng, gạch, cát…

Sau 2 tháng, một ngã tư có tín hiệu đèn giao thông, vòng xuyến, đường một chiều… hoàn thiện. Một giáo viên được giao sưu tầm Luật Giao thông đường bộ và soạn giáo án tuyên truyền cho học sinh.

Để áp dụng thực tế, thầy Phương yêu cầu mỗi ngày giáo viên đến trường phải đi qua ngã tư và tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, nếu ai vi phạm bị khiển trách, nhắc nhở. “Cách làm này để học sinh noi theo và thực hiện”, thầy Phương lý giải.

Với học sinh, một tuần nhà trường dành một buổi để giáo viên dạy lý thuyết trên lớp. Hết phần này, học sinh ra sân trường thực hành, mỗi hôm học một chủ đề. “Học sinh miền núi khó tiếp cận với tình hình giao thông thực tế, mô hình này sẽ giúp các em nắm vững hơn về luật giao thông”, thầy Phương nói.

Giáo viên chỉ dạy cho học sinh về biển báo. Ảnh: Đắc Thành.

Giáo viên chỉ dạy cho học sinh về biển báo. Ảnh: Đắc Thành.

Cạnh mô hình giao thông, thầy Phương xây dựng sa bàn bản đồ Việt Nam trên sân trường. Sa bàn được thiết kế trên hồ nước 120 m2, phần đất là bản đồ Việt Nam; phần nước có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Với sa bàn này, thầy Phương mong tuyên truyền trực quan cho học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, giáo dục lòng yêu nước. Bởi học sinh chỉ được nghe nói về biển đảo và chưa hình dung hoặc biết các quần đảo nằm ở đâu trên bản đồ, khi có sa bàn các em dễ dàng nắm bắt.

Từ lúc làm hai mô hình này, thầy Phương gặp không ít khó khăn về nguồn vốn và thiết kế. Sau khi thực hiện bản vẽ bằng tay, nhà trường phải nhờ thiết kế bằng máy tính rồi xây dựng theo mẫu. Cả hai hạng mục đầu tư khoảng 120 triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa.

Tranh thủ giờ giải lao, cô giáo Trần Thị Tú Điển cho học sinh ra khu vực sa bàn để giới thiệu về đất liền, đường biên giới, biển đảo Việt Nam. “Nhờ hình thức tuyên truyền này, các em đã dễ dàng tiếp thu kiến thức lịch sử, địa lý; khơi dậy tình yêu  quê hương, đất nước, nhất là biển đảo”, cô Điển nói.

Trong giờ giải lao, giáo viên dẫn học sinh sa bà giới thiệu về bản đồ Việt Nam. Ảnh: Đắc Thành.

Trong giờ giải lao, giáo viên dẫn học sinh ra sa bàn giới thiệu về bản đồ Việt Nam. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My đánh giá cao hai mô hình của trường Trà Tập. Nhiều học sinh miền núi được xuống thành phố, chưa thấy đèn xanh, đèn đỏ, vạch chỉ đường. Mô hình thực tế của Trường Trà Tập giúp các em dễ hiểu và biết tham giao thông an toàn.

Tại trường Trà Tập, nhiều năm qua giáo viên cải tạo khoảng sân hơn 200 m2 trồng rau, đủ cung cấp cho 325 học sinh và 20 thầy cô giáo nội trú. Số tiền dùng mua rau được dành mua cá, thịt, bổ sung dinh dưỡng cho các em. Nhiều lúc rau ăn không hết, nhà trường đem bán lấy tiền mua hạt giống trồng vụ rau tiếp theo.

Đắc Thành