HDBank duy trì tăng trưởng tích cực trong 6 tháng

Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) công bố báo cáo tài chính bán niên 2020 sau soát xét với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%, thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành. Theo báo cáo soát xét bởi đơn vị kiểm toán EY, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng này đều ghi nhận tăng trưởng cao. Đáng chú ý, dư nợ và huy động tiền gửi đến 30/6 tăng lần lượt 10,3% và 18,2% so với đầu năm, là mức cao hàng đầu trong toàn ngành.

Cơ cấu tín dụng đa dạng, an toàn và hiệu quả, hướng tới các ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, hộ gia đình sản xuất kinh doanh… Chất lượng tài sản, nhờ đó, được duy trì tốt với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%.

Mảng tài chính tiêu dùng tại HD Saison tăng trưởng bền vững, hiệu quả với dư nợ tại 30/6 tăng 7,2% so với cuối năm 2019. Chất lượng tài sản duy trì ổn định, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Chi phí rủi ro tín dụng tiếp tục ở mức thấp hàng đầu trong nhiều năm liên tục. Mạng lưới điểm bán hàng chiếm số lượng áp đảo với hơn 18.000 điểm. Công ty này đang có kế hoạch chuyển đổi mô hình trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần, tiếp tục phát triển quy mô.

HDBank kiểm soát nợ xấu 1,1% trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: HDBank.

HDBank kiểm soát nợ xấu 1,1% trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: HDBank.

Đồng thời với tăng trưởng về quy mô, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và sức khỏe tài chính của toàn hệ thống HDBank cũng nâng cao. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số ROE tăng từ mức 20% lên 21,6%, ROA tăng từ 1,6% lên 1,97%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR (theo Basel II) tăng từ 10,6% lên 11,5%, vượt xa mức tối thiểu 8% theo quy định. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ 21,3% tiếp tục thuộc nhóm ngân hàng có an toàn vốn và thanh khoản cao nhất.

Đồng hành cùng nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, nhà băng này triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng này dành 24.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và khách hàng cá nhân. HDBank cũng miễn, giảm hầu hết các loại phí giao dịch để chia sẻ với khách hàng gặp khó khăn do Covid-19.

Chọn 2020 là năm bản lề chuyển đổi số, ngân hàng này triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại giúp khách hàng có thêm nhiều tiện ích trên Mobile Banking, Internet Banking, số hoá quy trình để hướng tới ngân hàng số không giấy tờ. Bước đầu, số lượng người dùng ngân hàng số HDBank tăng 66% so với cùng kỳ 2019. Số lượng giao dịch đạt gần hai triệu, tăng 73%. Các chương trình mở tài khoản trực tuyến cho khách hàng doanh nghiệp, cấp tín dụng online, e-KYC, mở thẻ tín dụng trực tuyến… cũng được người dùng đón nhận tích cực.

Những nỗ lực của HDBank đã được cộng đồng ghi nhận với nhiều giải thưởng uy tín. Mới đây, tổ chức Asian Banking & Finance đã lần thứ hai liên tiếp vinh danh nhà băng này với giải thưởng Ngân hàng bán lẻ nội địa tốt nhất. Tổ chức nhân sự châu Á (HR Asia) đánh giá HDBank là ngân hàng duy nhất Việt Nam vào top Nơi làm việc tốt nhất châu Á ba năm liền. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s mới đây duy trì mức xếp hạng tín nhiệm B1 của HDBank với nhận định ngân hàng có bước tiến vững chắc trong nâng cao chất lượng tài sản và năng lực vốn và đạt hiệu quả sinh lời cao, bền vững.

Minh Anh

Nguồn bài viết

Bài trướcNgành chip Trung Quốc lo bị Mỹ trừng phạt
Bài tiếp theoHạt điều gắn mác ‘Bình Phước’ giá siêu rẻ