Hàng trăm trẻ học ở hội trường thôn

Đắk LắkKhông có lớp, gần 200 trẻ mầm non ở huyện Krông Păk phải học trong hội trường thôn chật hẹp, không có nhà vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.

Cách trung tâm huyện Krông Păk hơn 40 km, Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý (xã Vụ Bổn) có 9 điểm trường ở 13 thôn làng, với 25 giáo viên lo cho tổng cộng hơn 400 học sinh (3-5 tuổi) đều là người dân tộc thiểu số. Trong đó, 5 điểm trường (gần 200 em) phải học nhờ tại các hội trường, nhà văn hóa thôn, buôn.

Ngày cuối tháng 9, 35 trẻ mầm non ngồi nghe cô giáo giảng bài trong Nhà văn hoá thôn Hồ Voi rộng hơn 100 m2. Áo quần chúng lấm lem, một số đi chân đất. Lớp học sơ sài với dãy bàn ghế cũ kỹ, tủ sách trống hoác và vài bức hoạ bằng giấy màu trang trí trên tường.

35 cháu ngồi học trong nhà văn hóa thôn Hồ Voi. Ảnh: Ngọc Oanh.

Các bé học tại Nhà văn hóa thôn Hồ Voi. Ảnh: Ngọc Oanh.

Cô Trần Thị Thu, hơn 10 năm công tác tại trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý cho biết, điểm trường này không có nước sinh hoạt, không có nhà vệ sinh. Những năm trước, trường phải mua bô cho các cháu nhỏ (3-4 tuổi) đi vệ sinh, sau đó cô giáo mang vào nhà người dân gần đó đổ nhờ. Nước rửa chân tay cho học trò, giáo viên cũng phải đi xin, xách về. Năm nay, các cháu nhỏ tuổi chưa đến lớp, nên cô chưa phải đi bổ bô.

Hiện, nhiều em học đến trưa rồi về nhà nghỉ, chiều quay lại; một số em khác mang theo cơm ở lại học cả ngày. “Có những cháu hoàn cảnh khó khăn, không có suất ăn trưa, giáo viên trong trường đành đã góp hũ gạo tình thương hỗ trợ”, cô Thu nói.

Theo cô Trần Thị Thúy, Hiệu phó Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý, điểm trường thôn Hồ Voi hoạt động 4 năm nay, sau khi giáo viên thay phiên nhau vào từng thôn, buôn mượn tạm hội trường để mở lớp, vì lo các em thất học. Những hôm thôn có hội họp, giáo viên phải cho các cháu nghỉ và sắp xếp lại bàn ghế trả lại địa phương. Có lần đang học, thôn cần hội trường đột xuất, cô giáo phải chở từng em về nhà.

Cách điểm trường thôn văn hóa Hồ Voi khoảng 6 km, 55 trẻ mầm non khác cũng phải học trong hội trường thôn 9 chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp, bẩn thỉu. Tại 3 điểm trường còn lại cũng trong tình trạng tương tự.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Păk cho biết, toàn ngành có 100 trường cần xây dựng nhưng kinh phí hạn hẹp. Không chỉ các điểm học tạm ở hội trường thôn thiếu thốn mà ngay cả điểm trường chính cũng rất khó khăn, cần trùng tu, xây dựng thêm.

Những đứa trẻ áo quần lấm lem, một số đi chân đất đến lớp. Ảnh: Ngọc Oanh.

Những đứa trẻ áo quần lấm lem, một số đi chân đất đến lớp. Ảnh: Ngọc Oanh.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Păk cho biết, năm học mới này huyện đã khảo sát để làm 33 nhà vệ sinh cho các điểm học mẫu giáo. Tuy nhiên, do vướng quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương nên chưa thể triển khai. Huyện tiếp tục rà soát tổng thể, nếu chỗ nào cấp bách sẽ đầu tư làm ngay.

Ngoài ra, xã Vụ Bổn cũng đang triển khai xây hai trường mầm non, đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho các trẻ.

Trần Hoá

Nguồn bài viết

Bài trướcHiệp hội máy văn phòng Việt Nam ra mắt
Bài tiếp theoThủ tướng Israel Netanyahu ‘lợi dụng’ Nhà Trắng để giặt đồ? | Thế giới