Hàng Châu đánh giá lối sống người dân bằng QR Code

Trung QuốcHàng Châu vừa đề xuất việc đánh giá thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân và thể hiện qua màu sắc QR Code.

Theo SCMP, Sun Yongrong, Giám đốc Ủy ban Y tế Hàng Châu, cho biết tại một cuộc họp ngày 22/5 rằng, thành phố sẽ thiết lập một hệ thống QR Code có thể gán điểm số, màu sắc và xếp hạng cho công dân dựa trên dữ liệu thu thập được từ lịch sử kiểm tra y tế, sức khỏe và thói quen sinh hoạt. Hệ thống có tên “Điểm số sức khỏe”, lấy “cảm hứng” từ ứng dụng “Mã sức khỏe” đã được triển khai khi Covid-19 hoành hành.

Minh họa ứng dụng Điểm số sức khỏe của Ủy ban Y tế Hàng Châu.

Minh họa ứng dụng “Điểm số sức khỏe” của Ủy ban Y tế Hàng Châu.

Trong hình ảnh minh họa ứng dụng “Điểm số sức khỏe” do chính quyền thành phố Hàng Châu công bố tại cuộc họp, mỗi người dân sẽ có 100 điểm, tương ứng với dải màu từ xanh lá cây đến đỏ. Người dân sẽ được cộng điểm nếu thực hiện các hành vi tích cực, chẳng hạn, được cộng 5 điểm nếu chạy bộ 15.000 bước, cộng 1 điểm nếu ngủ đủ 7,5 giờ. Tuy nhiên, họ có thể bị trừ 3 điểm nếu hút 5 điếu thuốc hoặc trừ 1,5 điểm nếu uống 200ml rượu baijiu – một loại rượu nổi tiếng tại Trung Quốc.

Khi người dân bị trừ điểm càng nhiều, màu sắc QR Code cũng sẽ thay đổi theo. Họ cũng xem mình xếp hạng thứ bao nhiêu trong số hơn 13,6 triệu dân của thành phố Hàng Châu. Chẳng hạn, trong ví dụ minh họa, một người có 88 điểm sẽ có QR Code màu xanh ngọc và đứng thứ 2.880.

Không chỉ cá nhân, “Điểm số sức khỏe” còn áp dụng cho các doanh nghiệp và các tổ chức khác. Hệ thống sẽ chấm điểm dựa trên nhân viên của công ty đó tập thể dục và ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày, bao nhiêu người đã được kiểm tra y tế, họ đã hoặc đang mắc các bệnh mãn tính nào… sau đó cũng chấm điểm và xếp hạng.

Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Hàng Châu chưa đưa ra các mức phạt hoặc hạn chế đối với các công dân có điểm số thấp. Cơ quan này cũng chưa cung cấp chi tiết về cách dữ liệu được thu thập, ứng dụng triển khai bắt buộc hay tự nguyện và những tác động của nó đến cuộc sống người dân sau khi triển khai.

Ngay sau đề xuất của chính quyền Hàng Châu, một làn sóng phản đối xuất hiện trên Internet. “Hồ sơ y tế cũng giống như tài khoản ngân hàng, là quyền riêng tư cốt lõi của mỗi người, tại sao lại cho người khác xem. Điều này chẳng khác nào cuộc sống chúng ta bị theo dõi hoàn toàn”, một người dùng Weibo chia sẻ. “Trong dịch bệnh, mọi người cần khai báo y tế bởi đó là lựa chọn vì cộng đồng và không còn cách nào khác. Nhưng tôi hy vọng rằng sau khi đại dịch qua đi, các cá nhân có quyền xóa ứng dụng thay vì bình thường hóa nó”, một người dùng khác nêu quan điểm.

Trong khi đó, trên Zihu, phiên bản Quora của Trung Quốc, nhiều người còn bày tỏ sự lo ngại dữ liệu của họ có thể bị các nhà quảng cáo, tiếp thị và bảo hiểm khai thác. Số khác lo lắng rằng người dân có thể bị phân biệt đối xử, nhất là khi “Điểm số sức khỏe” của họ thấp hơn người khác. “Đây là kế hoạch quá mạo hiểm. Dù công dân Trung Quốc sẵn sàng hy sinh quyền riêng tư để đổi lấy sự tiện lợi, chắc chắn ý tưởng về chấm điểm sức khỏe sẽ gây sự bất bình từ nhiều người”, một người dùng Zihu đánh giá.

Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã triển khai hệ thống nhận diện và theo dõi sức khỏe bằng QR Code khi Covid-19 bùng phát. Màu xanh biểu thị người không nhiễm nCoV và có thể tự do di chuyển trong thành phố; màu vàng là từng tiếp xúc với người nhiễm và phải tự cách ly tại nhà 7 ngày; còn màu đỏ phải trải qua kiểm dịch, cách ly có giám sát trong 14 ngày.

Hệ thống được tích hợp bên trong ứng dụng thanh toán di động Alipay của Alibaba và WeChat của Tencent, được đánh giá là công cụ hữu ích để chính quyền Trung Quốc phát hiện, kiểm soát và ngăn chặn Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là chủ đề gây tranh cãi, khi một số người có mã màu vàng hoặc đỏ phàn nàn rằng họ không thể “đổi màu” dù đã hết thời gian cách ly, trong khi số khác cũng gặp khó khăn khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Ngoài ra, hệ thống này cũng bị lo ngại về quyền riêng tư, khi hầu hết thông tin cá nhân như họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ nhà… bị thu thập.

Bảo Lâm

Nguồn bài viết

Bài trướcĐề xuất giải pháp mới dự trữ gạo, tránh xù hợp đồng
Bài tiếp theoKết quả chọn SGK của TP.HCM là khác thường ! | Giáo dục