HomeCông nghệ'Hạn sử dụng' của thiết bị điện tử

‘Hạn sử dụng’ của thiết bị điện tử

Đầu đĩa than vẫn hoạt động sau 50 năm, máy ghi âm không cần cập nhật phần mềm, nhưng các thiết bị Internet ngày nay sẽ có lúc tới “ngày hết hạn”.

Sammy và Teddy Bear không ngừng kêu, nhưng Chris Cillo không thể xác định nguyên nhân. “Lũ mèo của tôi chưa bao giờ khó chịu vậy. Chúng vốn rất ngoan”, anh nói. Cuối cùng, Cillo, sống ở New Hampshire (Mỹ), cũng phát hiện ra vấn đề. Petnet SmartFeeder, thiết bị kết nối Internet giá 140 USD với khả năng tự động cung cấp bữa ăn cho thú cưng, đã ngừng chạy không rõ từ khi nào. 

Hai năm qua, anh lập trình để Petnet chia đồ ăn cho Sammy và Teddy Bear hai lần mỗi ngày. Anh không phải bận tâm đến việc này tới khi thiết bị “dở chứng” trong tháng 4. “Nhà sản xuất không thông báo gì trừ một dòng trên Twitter”, anh nói và cảm thấy may mắn vì mình đang làm việc ở nhà, chứ không đi du lịch đâu đó.

Phải tới cuối tháng 4, Petnet mới gửi email giải thích họ gặp rắc rối về tài chính do Covid-19 và phải ngừng dịch vụ. Công ty đề nghị khách hàng đóng tiền thuê bao 30 USD một năm để chương trình hoạt động trở lại từ 10/6.

Các thiết bị điện tử ngày nay thường chỉ được nhà sản xuất hỗ trợ trong vài năm. Ảnh: Psypost.

Các thiết bị điện tử ngày nay thường chỉ được nhà sản xuất hỗ trợ trong vài năm. Ảnh: Psypost.

WSJ nhận định, thời của những thiết bị điện tử “bao nhiêu năm vẫn chạy tốt” đã qua. Trong kỷ nguyên kết nối hiện nay, các sản phẩm có thể nhanh chóng thành cục chặn giấy đắt đỏ.

Ví dụ, Fly Anywhere, xe tập thể dục giá 2.000 USD của Flywheel, dừng hoạt động từ tháng 3 sau khi công ty bị tố ăn cắp công nghệ của Peloton. Hay sau khi sáp nhập vào Google, Nest khai tử dịch vụ quản lý nhà thông minh Revolv trị giá 300 USD. Dù được hoàn tiền, người dùng khi đó (năm 2016) không có nhiều lựa chọn khi tìm giải pháp thay thế để điều khiển hệ thống smart home của họ như ổ khóa, bóng đèn, bộ chỉnh nhiệt độ thông minh… 

Khi bỏ tiền mua, người dùng không hề nhận được cảnh báo rằng thiết bị của họ trong vài năm có nguy cơ trở nên vô dụng, không phải do trục trặc về mặt phần cứng, mà vì nhà sản xuất đóng cửa, bị bán cho một công ty khác, hay vì đại dịch.

Petnet không phải công ty duy nhất bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Camera giám sát Belkin Wemo Netcam, ra đời năm 2013, cũng ngừng hoạt động từ ngày 30/6. Brian Van Harlingen, CEO của Belkin, cho biết rất ít khách hàng đăng ký thuê bao dịch vụ đám mây với giá 10 USD/tháng, và đa phần sử dụng miễn phí. Do chi phí lưu trữ video và cập nhật phần mềm định kỳ quá lớn, công ty không thể tiếp tục hoạt động.

“Các sản phẩm truyền thống sẽ chạy cho tới khi hỏng. Nhưng các thiết bị kết nối Internet nằm ở một thế giới hoàn toàn khác. Chúng phát sinh những chi phí kéo dài”, Harlingen nói.

Ngay cả smartphone cũng chỉ được nhà sản xuất cập nhật phần mềm trong vài năm trước khi bị “bỏ rơi”. Dù chúng vẫn đáp ứng nhu cầu cơ bản, người dùng có thể gặp một số bất tiện như không cài được ứng dụng mới hay dính rắc rối về bảo mật.

Theo các chuyên gia, đó là cái giá của công nghệ ngày nay. Đầu đĩa than hay máy ghi âm thời xưa chẳng bao giờ đòi cập nhật phần mềm. Trong khi đó, các thiết bị kết nối sẽ trở nên lạc hậu sau 3 – 6 năm tùy chính sách của mỗi thương hiệu. Và trong kỷ nguyên IoT này, người dùng nên quen với khái niệm “ngày hết hạn” của sản phẩm điện tử.

Châu An (theo WSJ)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img