Hà Nội mong đường sắt Cát Linh vận hành trước tháng 10

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sớm vận hành ngày nào thành phố đỡ thiệt ngày đó và tốt nhất là trước tháng 10. 

Nói thêm với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 8/6 về những thiệt hại này, ông Vương Đình Huệ cho biết, Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nhưng Tổng công ty Đường sắt Hà Nội sẽ tiếp nhận sau khi nó vận hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã đào tạo một số cán bộ nên nếu dự án càng lâu vận hành, công ty phải đào tạo lại, gây tốn kém.

Hiện Thủ tướng yêu cầu và giao Bộ Giao thông Vận tải, TP Hà Nội thúc đẩy, đưa dự án vận hành trong năm 2020. Về phía Hà Nội, Bí thư Huệ nhấn mạnh, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhiệm vụ này. “Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác trước tháng 10 càng tốt”, ông nói.

Ông Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 8/6. Ảnh: Như Ý.

Ông Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 8/6. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Huệ, vướng mắc hiện tại là các chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang để tiếp tục công việc do Covid-19. Hiện Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội đã thống nhất được phương án, thành phố sẽ bố trí nơi tập trung cách ly cho các chuyên gia. “Sau thời gian cách ly, kiểm tra dịch tễ an toàn, họ sẽ tiếp tục làm việc, hoàn thành các công việc tại dự án này”, ông Huệ thông tin thêm. 

Vướng mắc khác là cơ chế thanh toán do liên quan tới kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Ông Huệ cho hay, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, một số nội dung Kiểm toán Nhà nước chưa kết luận dứt khoát là khoản giảm trừ hay được loại trừ. Vì thế, hai bên (Việt Nam – Trung Quốc) phải xem xét, có cơ chế tài chính thống nhất, và trình Chính phủ phê chuẩn trước khi Kiểm toán Nhà nước mới đánh giá, đưa ra kết luận cuối cùng. 

Từ việc triển khai đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài gần chục năm, đội vốn “khủng”, ông Vương Đình Huệ cho rằng, bài học rút ra là, khâu chuẩn bị đầu tư cần kỹ lưỡng để triển khai thông suốt. 

“Các nước họ cũng vậy, khâu chuẩn bị đầu tư rất kỹ nên làm rất nhanh. Mình thì không khéo ngược lại khi chuẩn bị nhanh nhưng làm lâu, kéo dài”, ông nhận xét.

Cũng về dự án này, ông Đỗ Văn Sinh – uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế đề xuất, Quốc hội nên giám sát chuyên đề về dự án này. Theo ông Sinh, những dự án quy mô lớn, thời gian đầu tư triển khai kéo dài và gây bức xúc có thể xem xét, đưa vào chương trình giám sát. “Cần làm rõ các vướng mắc dự án do nguyên nhân từ đâu, phải sửa quy định pháp luật thế nào để các dự án triển khai sau này không lặp lại sai sót”, ông Sinh đề nghị.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành giao thông, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được Chính phủ xem là một dự án điển hình về chậm tiến độ.

Dự án này khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quý II/2019, nhưng đến nay chưa xác định được ngày vận hành chính thức. “Hiện tổng thầu EPC chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án không có cơ sở trình cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện”, báo cáo Chính phủ nêu.

Thực tế này dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để được kéo dài. Mặt khác, do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm nên hiện nay chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu tư vấn giám sát.

Trong khi đó, dự án cũng đang gặp một số vướng mắc liên quan tới thiết bị công nghệ khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán…

Anh Minh

Nguồn bài viết

Bài trướcApple có bằng sáng chế chụp selfie vẫn đảm bảo giãn cách xã hội | Công nghệ
Bài tiếp theoDN lo trở ngại xin chứng chỉ chất lượng