HomeGiáo dụcGiúp con không còn sợ bóng tối

Giúp con không còn sợ bóng tối

Trước khi tắt đèn, phụ huynh nên bảo trẻ nhắm mắt, đếm từ một đến mười để dần thích nghi với bóng tối, đẩy lùi cảm giác sợ hãi.

Chị Simon, Mỹ, chia sẻ cách giúp con gái vượt qua nỗi sợ bóng tối trên trang Moms.

Khi con tôi nói sợ có ai hoặc thứ gì đó dưới gầm giường, trốn trong tủ quần áo và có thể bò ra khi phòng tắt hết đèn, tôi không thấy nỗi sợ đó là vớ vẩn hay vô căn cứ. Thay vì bảo con “Khéo tưởng tượng” hay động viên “Không có gì đâu”, tôi đồng cảm với những cảm xúc của con vì giống như cháu, đôi lúc tôi cũng cảm thấy bất an vào ban đêm.

Tôi biết hầu như mọi bà mẹ từng dỗ dành, kể chuyện, chơi cùng con đến khi các bé đi vào giấc ngủ vì sợ bóng tối. Do đó, tôi đã nghĩ ra nhiều cách giúp con ngủ quên đi và rón rén rời khỏi phòng khi con ngủ say.

Tuy nhiên, cách này không hiệu quả vì khi con gái tỉnh giấc giữa đêm và không thấy mẹ, cháu hét váng nhà, thậm chí khóc đòi tôi trở lại giường. Cuối cùng, tôi nhận ra “đánh trống lảng” với nỗi sợ bóng tối không hiệu quả, cần chấm dứt nỗi sợ này. Dưới đây là năm cách vợ chồng tôi áp dụng để đẩy lùi nỗi âu lo của con.

1. Đồng cảm với nỗi sợ

Khi khả năng nhận thức phát triển, trí tưởng tượng của trẻ rộng mở nên nơi tối tăm sẽ gắn liền với những hình dung xấu xí. Ngoài ra, trẻ có xu hướng sợ những gì không thể nhìn rõ bằng mắt thường.

Hiểu được những tâm tư này, vợ chồng tôi nói với con gái: “Bố mẹ biết con đang sợ hãi và việc này hoàn toàn bình thường”. Chúng tôi bảo con kể cho nghe có gì ẩn nấp trong bóng tối làm con sợ bởi vì không thể giúp con vượt qua nếu không biết về nó.

Tôi cũng thường chia sẻ với con những điều khiến người lớn sợ hãi như lái xe qua cầu, gặp cá mập khi đi bơi hay chậm trả tiền thuê nhà. Sau đó, tôi nói rằng bóng tối đáng sợ vì con không nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Những gì con nghĩ trong đầu chỉ là tưởng tượng không có thật.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

2. Đếm từ một đến mười

Con người bị ngợp bởi bóng tối có thể do ánh sáng biến mất đột ngột và đôi mắt chưa kịp thích nghi với màu đen. Điều này vô tình khuếch đại nỗi sợ trong lòng các bé.

Vì vậy, trước khi tắt đèn, tôi yêu cầu con nhắm mắt lại. Sau khi cháu nhắm mắt, tôi tắt đèn và dặn con đếm từ một đến mười trước khi mở mắt. Khi mở mắt ra, cháu bảo không thấy đáng sợ như đã nghĩ và dần thích nghi với bóng tối.

3. Đèn ngủ

Chúng tôi không khuyên con bật đèn ngủ suốt cả đêm mà muốn con học cách thích nghi với bóng tối. Tuy nhiên, sau khi đếm từ một đến mười và lên giường đi ngủ, tôi vẫn dặn cháu bật đèn ngủ nếu cảm thấy điều bất thường và để đèn ngủ trong phạm vi cháu có thể chạm tới. Đến lúc này, nỗi sợ bóng tối đã giảm, trẻ cảm thấy làm chủ màn đêm và có thể tự mình kiểm tra phòng bằng đèn ngủ nếu thấy bất an.

4. Hạn chế nỗi sợ

Nỗi sợ bóng tối của trẻ có thể bắt nguồn từ những đồ vật trong phòng. Ví dụ, khi tắt hết đèn, cái tủ trong phòng có thể trông khổng lồ hơn bình thường, giống như con quái vật trong tưởng tượng của trẻ.

Do đó, tôi bảo con chỉ ra những khu vực trong phòng mà con thấy sợ hoặc tưởng tượng ra những điều xấu xí. Sau đó, tôi giải thích cho con đó chỉ là bóng của những đồ vật thường ngày. Nếu cháu vẫn chưa yên tâm, tôi tìm cách di chuyển các đồ vật sang nơi khác.

5. Hạn chế nội dung truyền thông gây lo âu

Đôi khi nỗi sợ của trẻ bắt nguồn từ những bộ phim, cuốn sách mà cháu đọc thường ngày có thể về quái vật, ma quỷ. Vợ chồng tôi thường ngồi xem phim cùng con hoặc đọc sách cho con. Nếu thấy nội dung có thể kích thích nỗi sợ của cháu, chúng tôi sẽ nói nó không phù hợp và chuyển sang nội dung tươi sáng hơn.

Tú Anh (Theo Moms)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img