Giúp con giải tỏa lo lắng về ngày tựu trường

Cảm xúc căng thẳng khi phải quay lại trường học có thể khiến trẻ sa sút trong học tập, khó duy trì tình bạn hoặc gặp rối loạn lo âu.

Trẻ nhỏ thường cảm thấy lo lắng khi tựu trường sau kỳ nghỉ hè. Đối với một số bé, căng thẳng và sợ hãi bắt nguồn từ những điều mới lạ như phải học tòa nhà mới, giáo viên chủ nhiệm mới. Số khác lo sẽ bị bắt nạt hoặc không có đủ đồ dùng học tập do hoàn cảnh khó khăn. Học sinh tuổi dậy thì có thể lo về cái nhìn của mọi người do cơ thể đang thay đổi.

Covid-19 cũng góp phần làm tăng mức độ lo lắng của trẻ khi năm học mới đến gần. Trên thực tế, nhiều trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cảm thấy không an toàn khi phải ra đường, tiếp xúc đông người trong giai đoạn hiện nay. Cộng với việc phải đeo khẩu trang hoặc thực hiện giãn cách xã hội, hai hoạt động trẻ hiếm khi làm, sẽ gia tăng sự căng thẳng.

Trẻ không biết cách diễn đạt cảm xúc thành lời nên bố mẹ cần nhận biết. Chẳng hạn, trẻ thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, thường khóc lóc, tức giận. Các bé hay tỏ ra lo lắng, bồn chồn, cảm thấy đau bụng trước khi đi học.

Nếu không thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, trẻ có nguy cơ sa sút trong học tập. Thanh thiếu niên có nguy cơ lạm dụng chất kích thích.

Dưới đây là 4 phương pháp giúp cha mẹ kiểm soát sự lo lắng của con khi phải tựu trường.

Thay đổi thói quen trong kỳ nghỉ hè

Trong thời gian nghỉ hè, con có thể ngủ muộn, dậy muộn hơn so với lúc đi học. Nhưng trước thời gian tựu trường khoảng 2 tuần, cha mẹ nên tạo lập thói quen đi học lại. Ví dụ, trẻ 5-13 tuổi nên ngủ khoảng 9-11 giờ mỗi ngày trong khi trẻ 14-17 tuổi ngủ 8-10 giờ.

Năm học 2020-2021 không thể tránh khỏi nhiều quy định mới nhằm phòng tránh Covid-19 như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay thường xuyên. Bạn có thể hướng dẫn để giúp con thích nghi với những hoạt động mới, từ đó không bị bỡ ngỡ trong ngày tựu trường. Ví dụ, nếu trường yêu cầu đeo khẩu trang trong giờ học, con cần thực hành trước, không nên đợi đến ngày đi học mới làm vì việc đeo khẩu trang thời gian dài có thể làm con khó chịu.

Để con cảm thấy thoải mái, phụ huynh có thể đưa con đến trường một vài lần trước khi đi học chính thức. Dù các bé đi bộ, đi xe bus hay bố mẹ đưa đón, việc làm quen tuyến đường có thể làm giảm bớt lo lắng.

Ngay khi con bạn đã quen thuộc với tuyến đường đến trường, việc tập dượt sẽ nhắc nhở các em về năm học mới, cảm thấy gắn bó hơn với trường lớp. Với thanh thiếu niên lần đầu tự lái xe đến trường, các em cần nắm rõ tuyến đường, biển báo hoặc nơi để xe.

Bạn cũng nên tìm hiểu một số hoạt động tại trường như cách tổ chức bữa trưa, thời gian nghỉ ngơi nếu học bán trú. Nếu biết trước những điều này, con sẽ cảm thấy thoải mái trong năm học mới.

Mùa dịch, học sinh đến trường phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Ảnh: Shutterstock.

Mùa dịch, học sinh đến trường phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Ảnh: Shutterstock.

Khơi gợi những điều tích cực

Để giảm bớt lo lắng trong ngày đầu đi học, bạn có thể nhắc con nhớ về những điều tuyệt vời tại trường học, khuyến khích con tham gia hoạt động ngoại khóa.

Đối với trẻ mới đi học, sự hứng khởi được mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục giúp quên đi cảm giác âu lo.

Cha mẹ hãy trấn an con rằng giáo viên biết các bé lo lắng nên sẽ dành thời gian tạo không khí thoải mái, ổn định cho lớp trước khi buổi học bắt đầu.

Tại những nơi chịu ảnh hưởng lớn từ Covid-19, trẻ có thể cảm giác bị cô lập do phải ở nhà quá lâu. Vì lý do này, hãy khuyến khích con nói chuyện với bạn bè trước năm học, dù là kết nối online.

Quan tâm trẻ

Trong những ngày đầu con tựu trường, phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn bình thường, sẵn sàng ở bên con để lắng nghe tâm sự, cho lời khuyên. Dành thời gian nói chuyện với con về một ngày đi học, chẳng hạn bé thích, ghét gì ở trường, còn băn khoăn nào chưa được giải đáp.

Bằng cách này, bạn giúp con cảm thấy được chia sẻ, đồng cảm, được định hướng mỗi khi gặp bối rối, khó khăn.

Giữ kết nối với trường học

Dù Covid-19, nhiều trường vẫn cung cấp bữa trưa, hoạt động ngoại khóa trong khi số khác thì không. Hãy tìm hiểu và ứng biến nếu trường có sự thay đổi để con không bị bỡ ngỡ.

Bạn cũng nên giữ liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt, quản lý tình hình của con. Đừng quên cập nhật thông tin từ con vì có thể một số trường thông báo cho học sinh thay vì phụ huynh. Mọi sự chuẩn bị trước đều giúp bạn và con chủ động hơn trong việc học tập, sinh hoạt tại trường.

Tú Anh (Theo Verywell Family)

Nguồn bài viết

Bài trướcsά‌t mốc 58 triệu đồng/lượng
Bài tiếp theoTrần Ngọc Thái: Từ Sinh Viên Bán Phần Mềm Dạo đến CEO Startup Công Nghệ “Triệu Đô”