Giáo viên trường tư có thể được hỗ trợ

Người lao động làm việc tại trường dân lập, tư thục, trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên… có thể nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân vừa trình Chính phủ về việc ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Bộ đề xuất mở rộng nhóm người thụ hưởng từ gói hỗ trợ an sinh, tới người lao động ở khối trường ngoài công lập.

Điều kiện là các trường phải không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương sau khi đã sử dụng quỹ dự phòng tiền lương, quỹ dự phòng ổn định thu nhập, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Người lao động được hỗ trợ không quá ba tháng, số tiền mỗi tháng 1,8 triệu đồng.

Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định thời điểm người lao động bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/2 đến 1/6 nhằm hỗ trợ được nhiều hơn và tránh thiệt thòi cho một số nhóm.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số giáo viên tư thục của cả nước khoảng 150.000, đa phần là bậc mầm non. Tuy nhiên, số lượng được nhận hỗ trợ dự báo thấp hơn nhiều do rất nhiều người không hoặc chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dòng người ùn ùn vào lấy phiếu làm trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Trung Kính, Cầu Giấy) ngày 11/6 . Ảnh: Ngọc Thành.

Dòng người ùn ùn vào lấy phiếu làm trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ngày 11/6. Ảnh: Ngọc Thành.

Các giải pháp nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận với vốn vay ưu đãi cũng được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng. Bộ đề nghị bỏ yêu cầu doanh nghiệp có khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo phải trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động mới được vay vốn.

Thời gian vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách cũng được kéo dài từ tháng 6 (quy định cũ) đến tháng 12. Doanh nghiệp khó khăn được vay lãi suất 0% không quá 3 tháng, thời hạn vay tối đa 12 tháng.

Do dịch bệnh bùng phát giai đoạn hai nên việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được đề nghị kéo dài đến hết ngày 31/1/2021 (quyết định 15 quy định đến 31/7/2020).

Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, những đề xuất trên xuất phát từ thực tế Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang diễn biến phức tạp, phần lớn doanh nghiệp trong nước đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được nguồn vốn vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Đến ngày 27/7, các địa phương đã phê duyệt gần 16 triệu người thuộc các nhóm được thụ hưởng với tổng kinh phí trên 17,5 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước trung ương đã giải ngân gần 12.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 12 triệu người và khoảng 12.800 hộ kinh doanh.

Ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ từ ngân sách địa phương.

Ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp qua việc cho phép doanh nghiệp phải giảm 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.

Hoàng Thùy