Giảng viên ĐH Duy Tân lọt Top 1% các Nhà bình duyệt Toàn cầu về Computer Science | Giáo dục

Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ uy tín trên thế giới đã đến ĐH Duy Tân để nghiên cứu và giảng dạy Công nghệ thông tin, trong đó có TS Anand Nayyar đến từ Ấn Độ. Không chỉ là một giảng viên mẫu mực với nhiều sáng kiến mới, thú vị trong đào tạo, TS Anand Nayyar còn là nhà khoa học “bậc thầy” trong nghiên cứu Khoa học máy tính khi có rất nhiều giải thưởng, công bố quốc tế, ấn phẩm khoa học,… Mới đây nhất, TS Anand Nayyar đã lọt vào Top 1% các Nhà bình duyệt hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Cross-Field theo Publons (Web of Science group) – đây là cá nhân đầu tiên đạt được vinh dự này của giáo dục ĐH Việt Nam.

Nhân tài người Ấn Độ “đầu quân” tại ĐH Duy Tân

Tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học máy tính từ ĐH Desh Bhagat ở Mandi Gobindgarh, TS Anand Nayyar đã có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu với:

• Hơn 250 ấn phẩm trong các hội nghị, tạp chí có uy tín;

• Hơn 75 chứng nhận từ nhiều công ty như: CISCO, Microsoft, Oracle, Cyberoam, GAQM, Beingcert.com, ISQTB, EXIN, Google,…

Ngoài ra, TS Anand Nayyar còn là Thành viên Ủy ban Chương trình/Thành viên Ủy ban Kỹ thuật/Người phản biện cho hơn 300 hội nghị quốc tế.

TS Anand Nayyar đã hợp tác với nhiều nhà xuất bản quốc tế có uy tín như CRC Press, Elsevier, Springer, IGI-Global, BPB Publications, Scholar Press, GRIN,… để xuất bản 25 cuốn sách về Khoa học máy tính. Kinh nghiệm trong quá trình xuất bản sách đã gợi mở để TS Anand Nayyar hợp tác với IGI-Global xuất bản “Tạp chí quốc tế về Xe thông minh và Vận chuyển thông minh”, vốn đang nhận được nhiều quan tâm của đồng nghiệp trên thế giới.

Đến từ đất nước Ấn Độ xa xôi, TS Anand Nayyar đã không ngần ngại mà lựa chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2. Lựa chọn ĐH Duy Tân để tiếp tục nghiên cứu về Khoa học máy tính, TS Anand Nayyar chia sẻ: “Tôi yêu TP.Đà Nẵng, yêu luôn con người nơi đây và tôi đã quyết định tìm đến ĐH Duy Tân để làm việc. Bởi ngôi trường này có những con người luôn nhiệt huyết trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có rất nhiều thành tựu cũng như tạo dựng được một môi trường làm việc rất tuyệt vời. Đến với ĐH Duy Tân, tôi có thể tăng cường sự hợp tác quốc tế thông qua các mối liên kết và hợp tác mạnh mẽ của ĐH Duy Tân với nhiều đối tác quốc tế để triển khai các dự án và ấn phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học máy tính. Do vậy, tôi luôn luôn nỗ lực trong công việc để có thể đóng góp công sức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Khoa học máy tính tại ĐH Duy Tân”.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Sau ĐH của ĐH Duy Tân, TS Anand Nayyar đã đạt được nhiều thành tích như:

• 13 bài báo SCOPUS,

• 12 bài báo SCI/SCIE/SSCI, và

• hơn 25 bài báo IEEE/Springer Conference.

TS Anand Nayyar đã vinh dự nhận Giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất trong phần Mạng máy tính tại Hội thảo Quốc tế về Quản lý dữ liệu, Phân tích và Đổi mới (ICDMAI) 2019 tổ tại Malaysia; và còn dẫn dắt sinh viên Duy Tân ở giải Vô địch Cuộc thi GDG DevFest 2018. Không chỉ vậy, ông còn giành nhiều giải thưởng khác như:

• Giải thưởng Người Ấn Độ Ngôi sao quốc tế mới nổi (Indo-International Emerging Star Award),

• Giải thưởng Nhân vật Toàn cầu Ấn Độ (Global Indian Personality Award),

• Asian Status for Intellectual People, Giải thưởng Nhà nghiên cứu Xuất sắc (Outstanding Researcher Award).

TS Anand Nayyar còn dành tâm huyết để xuất bản 3 cuốn sách gồm:

• “Trí tuệ bầy đàn”,

• “Điện toán đám mây”,

• “Tòa nhà xanh và tự động hóa thông minh”.


TS Anand Nayyar nằm trong Top 1% các Nhà bình duyệt Toàn cầu về Computer Science

TS Anand Nayyar nằm trong Top 1% các Nhà bình duyệt Toàn cầu về Computer Science

Cống hiến hết mình vì sự phát triển của ngành Khoa học máy tính

Những đóng góp trong nghiên cứu khoa học của TS Anand Nayyar đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao. Mới đây nhất, TS Anand Nayyar tiếp tục được Publons xếp nằm trong Top 1% các Nhà bình duyệt Toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Cross-Field, thuộc 22 ngành trong hệ thống chỉ số khoa học thiết yếu (Essential Science Indicators – ESI) theo quy định của Web of Science. Cũng theo Publons năm 2019, TS Anand Nayyar đứng vị trí thứ 9 về những đóng góp nghiên cứu; vị trí thứ 3 về nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học máy tính, và thứ 16 về nghiên cứu trong lĩnh vực Kỹ thuật trên toàn thế giới.

Giải thưởng Bình duyệt toàn cầu (Global Peer Review Awards) sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và dữ liệu khổng lồ, gồm hàng triệu bản ghi hồ sơ nhà khoa học, cùng hàng chục triệu báo cáo bình duyệt được Publons ghi nhận, để tổ hợp và rút ra kết quả, thông báo cho cộng đồng khoa học toàn cầu về mức đóng góp.

Giải thưởng Bình duyệt toàn cầu 2019 bao gồm 3 hạng mục chính:

• Các nhà bình duyệt thuộc top 1% của 22 ngành trong hệ thống chỉ số khoa học thiết yếu (Essential Science Indicators – ESI).

• 10 nhà bình duyệt xuất sắc nhất.

• 10 nhà biên tập xuất sắc nhất.

Thành tựu này đạt được dựa trên sự nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Anand Nayyar với một tình yêu to lớn dành cho ngành Khoa học máy tính nói chung và cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu tại ĐH Duy Tân nói riêng. Chính vì lẽ đó, ông đã không ngần ngại trở thành một trong những “người dẫn đường” góp phần đào tạo ra những thế hệ sinh viên Duy Tân có niềm đam mê, nhiệt huyết với nghiên cứu máy tính và cần mẫn, sáng tạo với những đổi mới công nghệ.

TS Anand Nayyar chia sẻ: “Ngày nay, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, IoT, Deep Learning đang thống trị thế giới và làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng hiện đại hơn. Robotics, Chatbots, Drone, IoT và Công nghiệp 4.0 đang biến mọi thứ trở nên khá tự động. Để có được điều đó, tất cả đều nhờ vào quá trình phát triển của lĩnh vực Khoa học máy tính. Tôi nhận thấy Việt Nam là một đất nước giàu tiềm năng và có nhiều nhân tố xuất sắc để phát triển hơn nữa ngành Khoa học máy tính. Bởi ngành học này đã, đang và sẽ tiếp tục tác động tới mọi lĩnh vực của cuộc sống trong tương lai. ĐH Duy Tân đã đóng góp rất nhiều các công trình nghiên cứu về lĩnh vực Khoa học máy tính và trong công tác đào tạo cũng vậy. Các chương trình giảng dạy của chúng tôi luôn được cập nhật mới nhất để chuẩn bị đầy đủ hành trang cho sinh viên trước khi bước vào ‘cuộc chiến công nghệ’. Do vậy, tôi có thể hình dung về một tương lai tỏa sáng của ngành Khoa học máy tính ở Việt Nam”.



Nguồn bài viết

Bài trướcChứng khoán kỳ vọng chiếm mốc 1.000 điểm khi khởi động tháng 10
Bài tiếp theoSản phẩm số là gì? Sản phẩm số có hoa hồng đến 300% có thật không?